Nổi lên với clip hướng dẫn làm văn nghị luận xã hội khi "trật tủ", hình ảnh cô giáo Nguyễn Thúy Trình (74 tuổi, ngụ H.Yên Khánh, Ninh Bình) đứng giảng bài trước tấm bảng được chia sẻ khắp nơi. Hàng trăm ngàn tài khoản đã vào cảm ơn cô vì những bài giảng hữu ích cho đủ 3 cấp học.

Dạy văn không giáo án

Sau 22 năm đi dạy, cô Trình xin nghỉ từ năm 1986 tìm việc làm khác để nuôi 2 con ăn học. Duyên nghề giáo chưa dứt, năm 1994, cô tiếp tục đi dạy trường cấp 2 gần nhà. Sau vài năm, cô nghỉ hẳn ở trường, học sinh đến thăm thường xuyên, động viên cô mua tấm bảng và phấn để dạy học tại nhà.

Đầu năm 2023, nhìn cảnh học trò gần nhà tốn tiền triệu cho học thêm, trong khi cà chua ở chợ quê chỉ 10.000 đồng/3 kg, cộng thêm áp lực học hành. Bứt rứt trong người, cô Trình muốn môn văn lột xác, bỏ cảnh đọc - chép, từ gợi ý của người bạn, cô nhờ 2 con chỉ cách làm mạng xã hội.

leftcenterrightdel
 Cô Trình đều đặn ra clip hướng dẫn làm văn suốt 14 tháng qua

Ngày đầu, cô giáo U.80 học cách nhắn tin trên điện thoại trắng đen, sau đó đổi qua smartphone để tiếp cận công nghệ. "Nhìn vào điện thoại chữ chi chít như rừng cây ấy, học trước quên sau… Con tôi hướng dẫn quay, sửa và đăng TikTok mà mãi tôi vẫn không sửa được vì chữ bé tí ti. Thôi lưng còng tóc bạc, quay có sao đăng vậy", cô Trình kể. Clip đầu tiên được đăng từ tháng 3.2023, qua 14 tháng, hơn 100 clip được cô đều đặn đăng tải, không có giáo án và không một đồng công.

Gần đây, cô làm clip hướng dẫn cách làm văn nghị luận xã hội, nhưng âm thanh bị trục trặc nên một số tài khoản vào bình luận: "Nghe như từ cõi âm vọng về", "Cô tha em"… khiến nhiều người khác bất bình. Nhưng cô giáo 74 tuổi không buồn, ngược lại, cô chọn đọc các bình luận tích cực để có thêm cảm hứng cho những bài giảng sắp tới.

Nhiều người liên hệ nhờ cô dạy online nhưng cô từ chối vì muốn các bài giảng giúp ích cho nhiều học sinh cùng lúc và cô cũng không có nhu cầu kiếm tiền từ mạng xã hội.

Nuôi 2 con trưởng thành từ cầm phấn

Theo cô giáo U.80, nghề cầm phấn đã giúp cô nuôi dạy 2 con ăn học. Cô từng định hướng cho con theo sư phạm, nhưng cả hai chọn học ngành luật. "Giờ một đứa là công chức, một đứa làm luật sư. Đầu tiên hai đứa cản không cho tôi tập làm mạng xã hội, nhưng cản không được. Giờ tôi còn sức khỏe là còn làm", cô Trình chia sẻ.

 
leftcenterrightdel
 Với nghề cầm phấn, cô đã nuôi dạy hai con ăn học thành tài

Cả cuộc đời gắn bó với công việc này, cô nhận xét, thế hệ 8X, 9X cô từng dạy có nhiều học trò nổi bật, vào thi văn 3 tiếng là viết thao thao bất tuyệt. Còn ngày nay áp lực học hành lớn hơn, một số học sinh cũng bị cuốn vào điện thoại nên "học tủ" để đối phó nên lỡ "trật tủ"là không biết xử lý thế nào. Do đó, trong các bài giảng, cô Trình không dạy một bài cụ thể mà dạy công thức, cách viết.

Luật sư Nguyễn An Bình (con trai cô Trình) cho biết, mấy ngày qua, mẹ anh như ở trên mây vì có quá nhiều người nhắn tin, bình luận. Anh cũng từng hướng dẫn mẹ cách chỉnh video trước khi đăng nhưng thấy khá phức tạp nên cô Trình quyết định "quay sao đăng vậy".

"Giờ chúng tôi cho tiền mẹ cũng không lấy, mua thức ăn thì mẹ kêu ăn nhiều dễ gout, bà chỉ có đam mê duy nhất là dạy học và quan tâm hôm nay lên video nội dung gì. Tôi phải công nhận mẹ tôi rất mạnh về nghị luận xã hội, tôi thừa hưởng được điều đó, biết công thức và áp dụng tốt vào bài thi của mình ngày trước cũng như công việc hiện tại".

leftcenterrightdel
 
Theo Thanh niên