leftcenterrightdel
Đại diện Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam cùng các khách mời tham dự lễ khai mạc Diễn đàn PMCA lần thứ 4 theo hình thức trực tuyến. 

Ngày 17/10, lễ khai mạc đã diễn ra Trung tâm Hội nghị Centara Grand & Bangkok, Thái Lan, với sự tham dự của Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhond và Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Treenuch Thienthong.

Đặc biệt, buổi lễ cũng có sự góp mặt 10 điểm cầu trực tuyến của các Đại sứ quán Thái Lan tại Đông Nam Á. Đại sứ Thái Lan Nikorndej Balankura và cán bộ Đại sứ quán tại Việt Nam đã tham dự sự kiện từ điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhond nhận định, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc tới sức khỏe, gia đình và quá trình học tập của học sinh.

Tuy nhiên, Công chúa Sirindhond cho rằng đại dịch cũng cho thấy nỗ lực của giáo viên, học sinh thông qua những sáng kiến trong học tập, giảng dạy để thay thế cho phương pháp giáo dục truyền thống.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia trong khu vực cần tiếp tục cải tiến hệ thống giáo dục, chính sách và cách làm để có thể đảm bảo nền giáo dục cho toàn dân sau đại dịch.

Các giáo viên sẽ là trung tâm của quá trình phục hồi cho nền giáo dục. Tuy nhiên, điều này khiến họ đứng trước những trách nhiệm nặng nề hơn: Trong thời đại hiện nay, nhà giáo không chỉ truyền tải kiến thức, mà đôi khi còn đóng vai bậc phụ huynh, cố vấn và hình mẫu để cho học sinh noi theo. Đặc biệt, trong bối cảnh môi trường dạy và học đang dần trở thành “bình thường mới”, giáo viên phải cố gắng thích nghi với thay đổi về xã hội và sự xuất hiện của công nghệ mới để truyền tải kiến thức cho học sinh an toàn và hiệu quả.

Vì thế, Công chúa Sirindhond mong rằng Diễn đàn PMCA lần thứ 4 sẽ là cơ hội để 11 cá nhân xuất sắc của Giải thưởng PMCA trình bày, phổ biến rộng rãi kinh nghiệm trong đổi mới quá trình dạy và học của mình.
leftcenterrightdel
Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhond phát biểu tại Diễn đàn PMCA lần thứ 4 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. 

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan Treenuch Thienthong đã khẳng định cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy sáng kiến của Công chúa Maha Chakri Sirindhond nhằm giúp đỡ các giáo viên nâng cao kỹ năng, cập nhật kiến thức mới trong bối cảnh mới. Đồng thời, bà gửi lời cám ơn các giáo viên tại diễn đàn đã chia sẻ kinh nghiệm đổi mới về giảng dạy, học tập, góp phần thúc đẩy phục hồi nền giáo dục khu vực sau đại dịch.

Đặc biệt, đại diện Việt Nam được trao giải PMCA năm 2021 - cô giáo Hà Ánh Phượng, đã có phần trình bày về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho học sinh tại trường Trung học Phổ thông Hương Cần, tỉnh Phú Thọ.

Cô đã chia sẻ về phương pháp giảng dạy áp dụng mô hình STEM cho học sinh dân tộc thiểu số và quá trình triển khai dự án dài hạn về chống bắt nạt trên không gian mạng ngay sau khi nhận được giải thưởng. Cô Hà Ánh Phượng cũng gửi lời cảm ơn Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam vì đã tài trợ dự án quan trọng “Hợp tác Thái Lan - Việt Nam về đào tạo và thanh niên”.
leftcenterrightdel
 Cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, giảng dạy của mình trong lễ khai mạc Diễn đàn PMCA lần thứ 4 ngày 17/10.

Thành lập vào năm 2015, Quỹ Giải thưởng Công chúa Maha Chakri được tổ chức hai năm một lần nhằm tôn vinh những giáo viên xuất sắc đã có đóng góp quan trọng vào quá trình giáo dục, phát triển con người tại khu vực Đông Nam Á. Giải thưởng mong muốn thúc đẩy phát triển nghề giáo và thúc đẩy phát triển giáo dục, cũng như củng cố hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Kể từ năm 2015 đến nay, đã có 4 giáo viên Việt Nam được trao giải PMCA vì những cống hiến cho nền giáo dục: cô Trần Thị Dung tại trường tiểu học Lê Ngọc Hân, tỉnh Lào Cai (năm 2015); cô Phan Thị Nữ, giáo viên tại trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Đà Nẵng (năm 2017); thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam, tỉnh Hậu Giang (năm 2019) và cô Hà Ánh Phượng, giáo viên tại trường Trung học Phổ thông Hương Cần, tỉnh Phú Thọ (năm 2021).

Theo baoquocte