Tuần trước, một người bạn đưa cô con gái 9 tuổi đến nhà tôi tham gia buổi học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài cùng Emily, từ 10h - 12h.
Con học được khoảng 30 phút thì chán nên chạy lòng vòng chơi với cây đàn piano. Riêng Emily vẫn học hành chăm chỉ, trước khi tiếp tục học thêm tiếng Đức vào lúc 13h30 phút. Khi thấy cô giáo đến nhà, Emily tự giác ngồi vào bàn học chứ không lơ đãng hay so sánh tại sao con không được chơi như bạn.
Bạn tôi, một doanh nhân người Mỹ và rất thành đạt. Anh tỏ ra rất không hài lòng và mong muốn cô con gái nhỏ học hành chăm chỉ hơn. “Bạn ấy thích nghệ thuật, chỉ thích vẽ và chơi đàn chứ không hứng thú với những môn học khác. Bạn được học tiếng Trung ở trường nhưng rất ít, mình kêu học thêm nhưng bạn từ chối”, anh nói với một nụ cười bối rối.
Những bức tranh thể hiện tâm hồn đáng yêu của trẻ nhỏ
Hiểu “nỗi khổ” trong ánh mắt của anh bạn nên tôi quay sang trò chuyện cùng cô bé. Tôi bảo, đồng ý là thích nghệ thuật nhưng con tự thấy đã cố gắng hết sức có thể chưa? Con đã chăm chỉ học để vẽ được những bức tranh đẹp nhất chưa? Con thích piano nhưng đã tập luyện nghiêm túc hoặc đặt mục tiêu trở thành nghệ sỹ piano chuyên nghiệp chưa?
Cô bé ngập ngừng, tôi nhẹ nhàng giải thích: Nếu con chỉ thích thôi, vẽ thì nguệch ngoạc, piano thì chơi cho có thì con cần học thêm các môn khác, thậm chí phải học thật tốt. Con không thể kiếm sống bằng nghệ thuật nếu chỉ thích mà không thực sự nghiêm túc với nó.
Tôi kể con nghe chuyện Emily cũng rất thích vẽ nhưng không phải thích gì vẽ nấy. Emily thường vẽ đi vẽ lại một bức tranh trong nhiều buổi học cho đến khi hoàn thiện và ưng ý nhất. Sau này lớn lên, nhìn lại những bức tranh từng vẽ lúc nhỏ, dù xấu hay đẹp, con chắn chắn có thể tự hào vì mình đã luôn nỗ lực để hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Tôi luôn tôn trọng sở thích của con, thực tế thì Emily học đàn, hát không tệ nhưng vẫn phải học thêm các môn khác. Việc học nghệ thuật chỉ để con thỏa sở thích, xa hơn là giúp con cảm nhận được cái đẹp trong bức tranh con ngắm, hiểu được nỗi buồn, niềm vui trong mỗi giai điệu con nghe. Còn để kiếm tiền và sống được với nó thì con phải rất giỏi, rất có năng khiếu chứ không thể nửa vời.
Tôi từng gặp nhiều cha mẹ có điều kiện kinh tế nên chiều con hết mực. Họ tin rằng con thích nghệ thuật, mạnh về nghệ thuật nên không nghiêm khắc ép con học những môn khác. Chưa kể, nhiều phụ huynh cũng không định hướng để con theo đuổi nghệ thuật một cách nghiêm túc và chỉn chu nhất. Kết quả, bỏ qua trường hợp có năng khiếu và giỏi thật sự, hầu hết chỉ thuộc diện làng nhàng, nhạc cụ thì chơi tàm tạm, vẽ cũng không có gì đặc sắc, sáng tạo.
Nhiều người bạn, nhân viên của tôi khá đa tài, món nào cũng biết chút chút, kiểu hát được, nhảy đẹp, vẽ khá tốt nên có nhiều cơ hội công việc. Tuy nhiên, tâm hồn họ lại khá nhạy cảm, nuông chiều cảm xúc nên nhảy việc lung tung hoặc làm việc này môn chút, việc kia một tẹo. Cuối cùng, sau nhiều năm chẳng có lĩnh vực nào gọi là thành công, nghệ thuật cũng làng nhàng kiểu ca sỹ “làng”.
Nói dông dài để thấy phụ huynh nên sớm định hướng cho con, theo lĩnh vực gì thì con phải xác định nghiêm túc và nỗ lực để trở thành phiên bản giỏi nhất ở lĩnh vực đó, đừng vì vài sở thích nhất thời mà dở dang việc học lâu dài.
Lý Tử Long nói một câu hết sức ý nghĩa: “Tôi không sợ người luyện tập 10.000 cú đá chỉ một lần mà chỉ sợ người thực hành một cú đá 10.000 lần”.
Đối với Emily, tôi lúc nào cũng yêu cầu giáo viên dạy theo hướng học sâu, hiểu kĩ, chất lượng hơn số lượng. Con học đều các môn bất kể thích hay không, thậm chí học đi học lại một bài học để hiểu sâu và có ý tưởng, góc nhìn mới cho những vấn đề cũ.
Theo giadinhonline.vn