leftcenterrightdel
 

Ngày nay, nhiều cha mẹ không tiếc tiền đầu tư cho con đi du học, với mong muốn con được ra ngoài mở mang tầm mắt và khi trở về nước, với tiếng thơm "từng đi du học", con sẽ kiếm được nhiều cơ hội việc làm tốt. Tuy nhiên, có phải đứa trẻ nào cũng phù với với du học?

Nói về điều này, ông Tạ Cường - một chuyên gia giáo dục nổi tiếng tại Trung Quốc, hiện đang giữ chức Phó hiệu trưởng trường Tân Đông Phương (Bắc Kinh) - đã có đôi điều chia sẻ. Ông Tạ Cường cho hay: "Gần đây, luôn có những phụ huynh dẫn con cái đến gặp tôi và hỏi: Ông Tạ, ông có nghĩ con tôi thích hợp đi du học không". 

Theo ông Tạ, đi Anh, Hoa Kỳ, Canada hay Úc..., ngoài tiền học phí hàng năm còn tốn tiền chỗ ở, sinh hoạt. Trước khi đi, kinh phí cho lớp luyện thi hay cho công ty tư vấn du học không hề ít. Nếu cha mẹ có đủ tài chính để đầu tư thì về cơ bản chuyện du học của con dường như là không có vấn đề gì. 

Tuy nhiên, nếu mọi thứ đều sẵn sàng nhưng con không thích hợp đi du học thì sao? Trên thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng có thể xa gia đình để tự lập ở một đất nước hoàn toàn mới khác biệt về văn hóa, lối sống...

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Ông Tạ cho rằng, có 2 kiểu học sinh rất khó để hòa nhập với môi trường nước ngoài. Dù gia đình có điều kiện tới đâu cũng không nên ép con đi du học. Càng ép buộc càng cầm chắc thất bại.

Một: Trẻ thực sự không muốn đi du học

Mỗi đứa trẻ có một tính cách và định hướng riêng, không phải tất cả đều thích đi du học ngay khi được bố mẹ ngỏ ý. 

"Tôi là một ví dụ như vậy. Hồi trước, bất cứ lúc nào tôi cũng cố gắng nói tiếng Anh trong lớp và rất năng động, đọc nhiều sách tiếng Anh sau giờ học, viết nhiều bài luận tiếng Anh. Nhưng tôi chỉ đặc biệt thích học tiếng Anh ở nhà chứ không muốn phải sang Mỹ hay một nước nào khác để thực hành nó. 

Nếu có một "thế lực" nào đó bắt tôi phải đi du học, tôi sẽ chịu đựng được một năm. Nhưng nếu tôi ở đó tổng cộng sáu năm, gồm bốn năm đại học và hai năm cao học thì không được", ông Tạ nói. 

Một số phụ huynh thường quên mất việc quan tâm đến mong muốn của con khi bàn về vấn đề du học. Con có thích đi không hay con muốn ở lại đất nước mình để trải nghiệm những điều khác? Chẳng hạn, có đứa sẽ muốn ở lại để học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm qua việc trải nghiệm các hoạt động rồi sẽ đi du học chương trình sau đại học.

Con đang vào thời kỳ dậy thì nên chúng ta phải tìm cách trao đổi tâm sự với con như những người bạn, không thể áp đặt. Ở tuổi này, càng áp đặt con sẽ càng có tâm lý chống đối. Cần tôn trọng ý kiến của con bởi việc con chia sẻ suy nghĩ chứng tỏ con có khả năng độc lập và có thể tự chịu trách nhiệm. 

Thay vì ép buộc, bố mẹ có thể cho con tham dự các hội thảo, triển lãm du học để con gặp gỡ các đại diện trường một cách tự nhiên, hẹn cho con một nhà tư vấn du học một cách tình cờ hoặc đăng ký chương trình trại hè ở trường nội trú để cho con trải nghiệm. Đây là quyết định sẽ thay đổi cuộc đời con, hãy để con là người chủ động. 

Hai: Trẻ quá thiếu tự lập

Tự lập không chỉ là biết chăm lo cho bản thân mình mà còn xử lý những vấn đề trong cuộc sống, trong học hành, sinh hoạt, có ý chí, kiên định theo đuổi mục tiêu, biết kết bạn, giao tiếp... Ở các nước phát triển, trẻ học qua tư duy, học bằng thực hành, học làm việc độc lập và cả kết hợp nhóm, với lượng kiến thức rộng, nếu các em không tự lập, không có tinh thần tự học và thích nghi với phương pháp mới sẽ khó mà theo được. 

Trẻ tự giác kém, không có cha mẹ ở bên chăm sóc cũng rất dễ gặp vấn đề tâm lý. Sợ bố mẹ thất vọng nên chúng không dám nói về sự cô đơn của mình. Trẻ cố gồng mình để vượt qua sợ hãi. Việc học của chúng bị ảnh hưởng rất nhiều khi trạng thái tinh thần không tốt.

Để cho con đi du học, cũng phải chuẩn bị cho con khả năng tự bảo vệ mình. Khi không có bố mẹ kèm, khi không biết luật pháp nước sở tại, trẻ rất dễ bị rơi vào trạng thái lo sợ, mất phương hướng.

Hiểu Đan