Thỉnh thoảng chị Hồng vào phòng con trai lau sàn, lấy đồ, hỏi han… nhưng con chị thừa biết mẹ "do thám" xem cậu đang học bài hay làm gì trên mạng. Với cô con gái 10 tuổi, chị Hồng thường xuyên gõ cửa toilet, buộc con ra ngoài, vì biết chắc con trốn cùng cái máy tính bảng, say sưa xem YouTube, TikTok.
Khi đứa con hiền lành "hành tẩu" trên mạng
"Con cái chúng ta làm gì trên mạng?". Tôi đem câu hỏi này hỏi nhiều bà mẹ, ông bố. Câu trả lời nhận lại thật tệ: 100% cha mẹ không thực sự biết con mình làm những gì ở "trển".
Tôi nhận xét vậy, bởi cũng có người như chị Hồng quả quyết biết con làm gì trên mạng: "Con coi phim, chơi game, nghe nhạc, chat chít với bạn bè". Nhưng hỏi cụ thể hơn là coi phim gì, có an toàn không, game gì, nhạc gì, chat với bạn bè nào, ở đâu... thì chị lắc đầu: "Bó tay!".
|
|
Mối quan tâm của trẻ và cha mẹ về sự an toàn trong đời sống trực tuyến có thể không trùng khớp - Ảnh minh hoạ: Shutterstock |
Vậy, như thế nào thì là "biết", là "quản" được con giữa thế giới mạng phức tạp, thiếu an toàn?
Có dạo máy tính hư, tôi phải mượn máy của con cho một dự án gấp. Con tôi là học sinh lớp Mười trường chuyên. Đêm con thường thức học rất khuya. Một hôm, cháu thức đến 2g sáng mới ngủ, nên quên không thoát ra khỏi các tài khoản.
Sáng ra, khi cháu đi học, tôi lấy máy làm việc thì thấy "hiện trường" còn nguyên, bèn lần theo các cửa sổ, các cuộc trò chuyện của cháu với các bạn trong - ngoài lớp. Tôi choáng. Về thời gian, lũ trẻ í ới chat với nhau bất kỳ khung giờ nào, khi thầy đang giảng bài, giờ ngủ trưa, lớp học thêm hay lúc đứng đợi phụ huynh.
Nhìn chung, chúng tranh thủ mọi lúc mọi nơi, các group chat sôi động như chợ vỡ. Rõ ràng nhà trường cấm đoán việc dùng điện thoại trong lớp, trong giờ ngủ bán trú, nhưng chúng vẫn có cách để lén sử dụng.
Về nội dung, chúng trao đổi đủ thứ từ game tới đời thực, từ thầy cô bè bạn tới việc yêu đương cặp kè, chuyện lôi kéo bắt nạt nhau… Các nhóm cãi cọ ì xèo trong giờ học khiến tôi lo lắng. Vậy làm sao chúng hiểu bài? Cứ chia bè phái tấn công nhau thế này chẳng là bạo lực học đường chứ gì nữa.
"Ở nhà cháu rất ngoan"
Kim Loan - bạn tôi - từng sốc khi biết con gái (học sinh lớp Bảy một trường điểm ở quận 1, TPHCM) lên mạng nói tục, “chửi thề như hát” cùng chúng bạn. Loan vào group phụ huynh phản ánh nỗi hốt hoảng này. Các phụ huynh đều bất ngờ vì ở nhà con cái đều phải phép với cha mẹ, cô dì chú bác…
"Cháu ở nhà rất ngoan", nhưng khổ nỗi các cháu bây giờ ngoài giờ học chính, học thêm, chỉ còn rất ít phút “ở nhà” với cha mẹ. Trong một ít thời gian buổi tối, cha mẹ và con cái tương tác với nhau ít ỏi quá, vì phụ huynh cũng bận việc của mình. Vậy nên chúng có chuyện gì trong cuộc sống thực, cha mẹ còn khó nắm bắt, nói gì quản được chúng làm gì trên mạng.
Tôi thú thật, dù được cho là “biết nói chuyện” với trẻ, hàng xóm cũng hay nhận xét tôi dạy con "chuẩn chỉnh", nhưng tôi không hề biết con từng té xe chảy máu chân, hay chuyện con bị miệt thị "dân nhà quê", cho tới khi tôi đọc trộm trong cửa sổ chat của con. Như vậy, con tôi đang đặt "hạt nhân" đời sống của nó trên mạng, còn thứ nó biểu đạt với cha mẹ "ở nhà rất hiền" chỉ là cái vỏ.
Tôi nhớ có một thống kê nói mỗi đứa trẻ Mỹ có cả chục cái nick clone (nick ảo, che giấu thông tin người dùng) để "hành tẩu giang hồ". Chưa có ai cung cấp số liệu nào liên quan tới số nick ảo của người chơi mạng xã hội Việt Nam hay của học sinh Việt Nam, nhưng trên các diễn đàn triệu thành viên bàn về đề tài xã hội, showbiz, công nghệ… có thể nhận ra tỉ lệ rất lớn là nick của trẻ vị thành niên (thể hiện qua các vấn đề chúng chia sẻ, cách xưng hô, các câu chuyện kể liên quan năm sinh hay thời cuộc).
Trong các phòng chat, diễn đàn liên quan tới thần tượng của giới trẻ và các nội dung giáo dục, đám “trẻ trâu” còn đông đảo hơn. Không ít lần tôi thử tìm hiểu những cái nick có avatar hoạt hình anime, manga, thấy chủ nhân còn đang "tư duy lớp chồi", nhưng nói chuyện xã hội, chính trị "như đúng rồi".
Kiến thức và kinh nghiệm sống non kém, song sự tự tin và hung hăng có thừa là lý do trẻ rất dễ rước về sự tấn công, ném đá, mạt sát… Chưa đủ bản lĩnh, tâm lý lại yếu bóng vía, làm sao chúng có thể tránh sự tổn thương.
Tôi nghĩ nhiều phụ huynh cũng như tôi, giật mình vì không hiểu tại sao các bé độ tuổi đi học lại rảnh rang trên mạng đến thế. Liệu trong số nick clone kia có cái nào là của con mình không? Nhưng việc cấm thiết bị điện tử khỏi tay trẻ là rất khó; siết “hàng rào”, “tường lửa” còn khó hơn, vì bản chất của tuổi trẻ là khám phá, là tò mò, là thể hiện và chúng luôn khôn lanh hơn thầy cô, cha mẹ.
Tôi cũng tự hỏi, trẻ teen giấu mình để đi tranh cãi, quậy phá, like còm không biết mệt mỏi trên mạng xã hội - đấy có phải là một kiểu dư thừa năng lượng hay không? Hay chỉ đơn giản do thiếu chia sẻ trong đời thực nên chúng mới vậy? Câu hỏi này xin đặt ra với các nhà tâm lý xã hội, nhà giáo dục... chứ cha mẹ chúng tôi thực sự đang bó tay.
Tại sao trẻ thích lập nick ảo và giấu mình trên mạng?
- Che giấu cảm xúc.
- Giảm áp lực con ngoan trò giỏi.
- Tận hưởng các thú vui thoải mái.
- Giữ “lý lịch Facebook” hoàn hảo.
|
Theo phụ nữ TPHCM