Quang cùng cô giáo chủ nhiệm Văn Phương Trang và bè bạn - Ảnh: L.T.

Trưa 19-7, cái tên Đặng Văn Quang - cậu học trò Quảng Nam - xuất hiện rờ rỡ trên truyền thông với điểm 10 môn văn thi tốt nghiệp THPT. 

Điểm 10 môn văn gây ngờ ngợ, nhưng trả lời phỏng vấn của Quang trên Tuổi Trẻ chiều 19-7 cho tôi hai thuyết phục: Thứ nhất, xưng tôi với phóng viên cho thấy Quang trưởng thành, lịch duyệt. Thứ hai, trong nhiều ý hay về lẽ sống, tôi rất thích câu "Đất nước, cộng đồng chúng ta đang sống nếu không được xây dựng từ trách nhiệm, từ lòng yêu thương thì sẽ chẳng có những điều tốt đẹp".

Vâng, nhân cách của công dân định tính từ hai tiêu chuẩn: trách nhiệm với công việc, yêu thương với đồng bào. Câu chuyện ở Nha Trang cho thấy hình ảnh ông cán bộ mẫn cán trách nhiệm nhưng thiếu lòng yêu thương. 

Bỏ qua câu nói lốp xốp thiển cận, nếu đủ lòng thương dân, cán bộ sẽ không máy móc nghiệt ngã với anh công nhân hiu héo bên ổ bánh hiu héo... Đủ lòng thương dân, ông sẽ quở mà không phạt, không quát tháo, dọa dẫm, để chính mình trở nên xấu xí.

Vậy nên, tôi thấy vui khi chủ tịch UBND TP Nha Trang Nguyễn Sỹ Khánh gửi thư xin lỗi công nhân Trần Văn Em, hứa xử nghiêm vụ việc. Thư xin lỗi đúng lúc của ông khiến tôi nhớ trải nghiệm cá nhân cách đây khá lâu.

Năm 2004, sau khi xem loạt phóng sự của nhà báo Phạm Vũ về hai người dân bị án oan, tôi viết thư ngỏ gửi chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Viết do bức xúc chứ ít tin được trả lời. Thế nhưng ông Nguyễn Hữu Chí đã hồi âm. Hai tháng sau bức thư công khai, hai dân oan được xin lỗi công khai, được đền bù thiệt hại (việc đền bù lại chênh vêu trách nhiệm - yêu thương, nhưng đó là câu chuyện khác).

Thư hồi âm của ông Nguyễn Hữu Chí đăng trên báo Tuổi Trẻ

Thư của ông Khánh mới đây gây liên tưởng tới lời xin lỗi của ông Hữu Chí năm xưa bởi tính thẳng băng, không uyển ngữ, bao biện. Ông Khánh viết: "Trước hết, tôi xin lỗi và nhận khuyết điểm trong công tác quán triệt, lãnh đạo, tổ chức thực hiện chỉ thị 16 trên địa bàn. Rất mong nhân dân nói chung và công dân Trần Văn Em nói riêng thông cảm, chia sẻ, ủng hộ những nỗ lực của UBND TP Nha Trang và các phường, xã trên địa bàn...". 

Khi tôi viết bài này thì ông Hữu Thọ đã trực tiếp đến công ty xin lỗi anh Em. Có thể công lý chưa tròn vẹn sau những lời xin lỗi nhưng nó truyền năng lượng tích cực, khơi dậy lòng tin.

Sống nhiều năm ở Pháp, nơi xin lỗi đã thành văn hóa, tôi dễ dàng xin lỗi khi trót sai, thấy nó nhẹ nhàng, trước tiên cho chính mình. Xin lỗi khó hơn cảm ơn, Tây hay Ta gì cũng vậy: xin lỗi nhỏ sĩ diện, xin lỗi lớn bất trắc, đôi khi mất cả cơ nghiệp. Xin lỗi xem ra là văn hóa khó học nhất, tập tục khó duy truyền nhất, bởi nó buộc con người phải quên đi cái ngã, phải can đảm, thậm chí đau đớn.

Nhân loại cố chấp nhưng dễ lạc lòng. Không phải vô cớ người ta vẫn dùng hai chữ muộn màng ghép theo từ xin lỗi như vọng ý thứ tha. Và trong mỗi chúng ta, hẳn ai cũng từng nhận/ trải qua sự trễ tràng như vậy. 

Một tháng, một năm, thậm chí hai trăm năm, như việc nước Pháp đưa hài cốt văn hào Alexandre Dumas vào Điện Panthéon đêm 30-11-2002 tại Paris: Hai trăm năm sau ngày sinh, cháu nội một người nô lệ châu Phi mới được vinh danh xứng đáng như lời tổng thống Chirac trong buổi lễ: "Nước Pháp hôm nay không chỉ nghiêng mình biểu dương một thiên tài, nó còn sửa chữa điều bất công với con người đã góp phần làm nên bản sắc dân tộc Pháp". 

Dài lắm hai trăm năm cho một lời xin lỗi, nhưng cuối cùng nó cũng đến, bao dung và mãn nguyện.

Trong thư gửi chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tôi viết: "Điều trị vết thương thân xác có thể muộn, nhưng vết thương tinh thần không bao giờ muộn. Vết thương của anh Thành, anh Chiến như thế vẫn kịp băng lành nếu chúng ta không đặt sĩ diện chính quyền cao hơn thống khổ của dân đen". 

Vậy nên chúng ta luôn chờ đợi những lời xin lỗi thành tâm của chính quyền khi sai sót, thay vì đưa đẩy vụng về. Chỉ có trách nhiệm và lòng yêu thương mới đem lại những điều tốt đẹp, như học trò Đặng Văn Quang nói.

Theo tuoitre