“Những ngày này, Sài Gòn buồn mà cũng... vui lắm. Buồn vì ra đường thì vắng người mà về nhà thì ấm lòng vì thấy toàn quà là quà. Đủ các loại thức ăn từ miền Trung gửi vào. Không khác gì tết”, một cô em từ Quảng Trị vào Sài Gòn lập nghiệp đã chia sẻ như thế trên Facebook.
|
Phụ nữ Phường Đông Lương, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị gom nhu yếu phẩm gửi tặng bà con Sài Gòn |
Vốn dĩ những người trẻ như em không thích sự lỉnh kỉnh, các em luôn từ chối những món quà tay xách nách mang mỗi lần được cha mẹ gợi ý đem theo vào thành phố.
Theo lý của nhiều người thì Sài Gòn sầm uất, Sài Gòn hoa lệ, thứ gì cũng có, muốn mua lúc nào cũng được. Thế nhưng bây giờ, sau khi lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 được ban ra, không chỉ hàng quán cố định mà các điểm bán online cũng ngừng hoạt động vì rơi vào khu vực phong tỏa.
Là những người từng bị chia cắt, bao vây bởi dòng nước dữ trong đợt lũ lịch sử vào cuối năm 2020, những ngày này, người Quảng Trị thấu hiểu sự khó khăn, thiếu thốn của người Sài Gòn.
Tại các thôn xã, huyện thị, các chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội người cao tuổi... lan tỏa tinh thần tương thân tương ái. Nào nông sản, rau củ từ ruộng vườn, nào muối mắm, bánh, thịt, nào cá mực, tép tôm đánh bắt được... mọi người cùng tìm cách chế biến, bảo quản, gói ghém.
Thứ nào cần đông lạnh sẽ đông lạnh, thứ nào cần sao khô thì sao khô, thứ nào cần hút chân không thì hút chân không. Đâu ra đấy, người công, người của, cùng phối hợp nhịp nhàng. Ba tiêu chí an toàn thực phẩm, bảo quản được lâu dài và dễ vận chuyển được đặt lên hàng đầu.
Chị em xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị làm muối sả gửi tặng nhân dân TPHCM |
|
Người giàu góp nhiều, người nghèo góp ít, ai cũng mong thể hiện lòng mình với Sài Gòn. Trong ảnh, phụ nữ P. Đông Lương, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị góp cá hộp, miến dong, đậu phộng... gửi vào TPHCM. |
|
Những hũ muối nghĩa tình phụ nữ thôn Phương Hải, xã Hải Ba, Hải Lăng, Quảng Trị làm tặng TPHCM |
Chị Lê Thị Thuận, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hải Trường, huyện Hải Lăng, chia sẻ: “Năm 2020, xã Hải Trường bị lũ lụt gây thiệt hại nặng nề. Lúc khốn khó, chúng tôi đã nhận nhiều sự hỗ trợ từ bà con miền Nam. Giờ nghe người trong đó khó khăn bởi COVID-19, đến lượt chúng tôi hỗ trợ. Không có gì nhiều, một ít nông sản, một ít muối của quê nhà, nhưng đó là tâm ý mà người Quảng Trị muốn sẻ chia người TPHCM để vượt khó”.
Những ngày này, những bà vợ không chỉ giỏi tính toán, nấu nướng, cất đặt, mà còn giỏi chỉ đạo những ông chồng. Ban đêm các ông có thể xem bóng đá, nhưng sáng ra phải sẵn sàng có mặt, loanh quanh phụ chị em bốc vác, cất dỡ hàng vào kho. Trong căn bếp chung, việc gì nặng nhọc nhất, các chị sẽ để phần các anh.
|
Phần việc nào nặng sẽ được “nhường” lại cho các anh |
Thúy Liễu, một người bạn của tôi trú tại quận Gò Vấp, TPHCM kể rằng: “Thay vì đếm số ca bệnh và lo lắng, mình quay sang đếm hàng hóa của bà con từ các tỉnh thành khác đang đổ về cứu trợ Sài Gòn. Nhiều lắm, những chuyến xe yêu thương từ Đà Nẵng, Quảng Bình, Ninh Thuận, Phan Thiết, từ các tỉnh Tây Nguyên. Quà nhận được, phần sẽ đưa vào các khu cách ly, phần chia cho bà con ở các phố nghèo”.
Thế đấy, là đồng bào mình thì nhìn đâu cũng thấy thương. Ra đường gặp người khác đang thương nhau, về nhà thì gặp má, gặp mấy bà thím bà dì đang lên kế hoạch đi thương người khác.
Tôi còn nhớ, trong đợt lũ lịch sử ở miền Trung năm ngoái, tác giả Diệu Ái viết trong bài "Lời cảm ơn từ miền Trung" đăng trên báo Phụ Nữ TPHCM: "Sau lũ, ai cũng tưởng chẳng còn lại gì. Cho đến hôm rồi, khi cầm trên tay chiếc bánh tét được gửi từ Đắk Lắk với dòng chữ “Miền Trung cố lên”, một cô giáo bật khóc ngon lành. Rốt cuộc, thứ người miền Trung có được lúc này chính là vô vàn sự sẻ chia và yêu thương thiết tha từ mọi miền đất nước. Thứ chi không biết, chứ yêu thương, thường đọng lại lâu lắm”.
Lúc đó, tôi đã rưng rưng, vì tôi là người trong cuộc. Nhà tôi ở một làng thấp trũng ven sông Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị. Nước rút, tôi từ Huế nhảy xe ra thăm nhà. Nhà cửa tan hoang, chẳng còn thứ gì nguyên vẹn, nhưng mọi người lúc đó vẫn cười, tay phải cào bùn, tay trái cầm bánh chưng ăn. Đúng là trên chiếc bánh ấy có dòng chữ “Miền Trung cố lên”. Quả thật không ai chống lại được thiên tai, nghịch cảnh, nhưng nếu có sự chia sẻ, đùm bọc, những người trong khó khăn sẽ vững vàng, ấm áp hơn rất nhiều...
|
Muối đậu là món người vùng bão yêu thích vì có thể trữ ăn lâu ngày. Các dì các mẹ khẳng định rằng đây món phù hợp với người Sài Gòn trong các khu phong toả |
Người miền Trung từng mất nhà, mất của vì lũ lụt, thế nhưng, con nước thì còn nhìn thấy để mà liệu lường, còn con virus COVID -19 thì vô hình, vậy nên khó tránh những âu lo.
Trong cuộc điện thoại với mẹ đêm qua, tôi bảo: “Hay mẹ gửi kèm vào bì cá khô một hộp vitamin hạnh phúc cộng thêm một hộp vitamin an tâm nhé”. Tôi chỉ nói đùa, ai ngờ giọng mẹ hoan hỉ: “Ừ, nếu có cách gì gói được, vận chuyển được, để mẹ gửi luôn, còn gì tốt đẹp cứ mang hết vào Sài Gòn”.
Theo phunuonline.com.vn