Học bổng toàn phần Research Scholarship, chương trình Tiến sĩ Khoa học máy tính của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) trị giá 100% học phí được trao cho Trần Việt Nam, cựu học sinh trường Quốc tế Á châu. Sinh viên 23 tuổi này cũng được cấp 2.000 đôla Singapore mỗi tháng trong suốt khóa học, mặc dù đến tháng 6/2021, Nam mới hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính tại Santa Clara University (SCU).
Học bổng Research Scholarship được cấp với số lượng giới hạn và ít ứng viên có khả năng đạt học bổng này. NUS là một trong những trường đại học lâu đời, được đánh giá cao trên toàn thế giới. Trường này xếp thứ nhất tại châu Á theo Asian University Rankings 2021, hạng 11 thế giới theo QS World University Rankings 2021.
18 tuổi, Nam được University of San Francisco, Notre Dame de Namur University, Menlo College, Santa Clara University, UC Santa Cruz cấp học bổng khi chuyển tiếp bậc đại học, tổng trị giá đến 136.000 USD. Chàng cựu học sinh Asian School này đã theo học SCU nhờ được chấp thuận vào chương trình liên thông 5 năm cả hai bậc cử nhân và thạc sĩ.
Theo học tại SCU, Nam được vinh danh trong danh sách Dean (2017), theo học chương trình danh dự của trường. Chàng sinh viên này còn là thành viên của Hội danh dự Kỹ sư Tau Beta Pi, hiệp hội của ngành Kỹ thuật lớn và lâu đời bậc nhất của Mỹ. Nam là đồng tác giả của hai bài nghiên cứu khoa học, đăng trong Kỷ yếu Hội nghị thường niên, Hiệp hội xử lý thông tin và tín hiệu châu Á - Thái Bình Dương, Honolulu - Hawaii 2018, Kỷ yếu Hội nghị quốc tế ACM lần thứ 22, Miami - Florida 2019 khi mới là sinh viên năm 3.
Mùa hè năm 2019, Trần Việt Nam trúng tuyển vào vị trí thực tập sinh, chương trình nghiên cứu robot ứng dụng trong phẫu thuật, Đại học Johns Hopkins (xếp hạng 9 trường đại học quốc gia hàng đầu của Mỹ, theo U.S. News & World Report 2021). Chương trình nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF). Năm 2018, gần 350 sinh viên tại Mỹ nộp đơn, có 14 người được chọn vào chương trình này, tỉ lệ chấp nhận khoảng 4%.
Năm 2020, Nam giành chiến thắng ở giải Best Senior Design in Computer Engineering Session Award, tốt nghiệp cử nhân với danh hiệu Magna Cum Laude, bằng danh dự xuất sắc theo hệ thống giáo dục Mỹ.
Bên cạnh thành tích vượt cấp, Trần Việt Nam còn đạt TOEFL iBT 105 điểm (tương đương 620 điểm PBT) khi đang học lớp 8, đạt giải thưởng học giả AP quốc gia Mỹ, là tác giả đứng đầu của bài nghiên cứu khoa học, nộp cho hội thảo ICRA 2020 nhờ chương trình nghiên cứu hè ở Đại học Johns Hopkins. Nam cũng đạt huy chương đồng giải nhu thuật 2018 TCAAT Shuai Jiao Competition cấp tiểu bang, Đai đen 1 vạch môn Shuai Jiao...
Khác với nhiều bạn trẻ có trình độ, năng lực chọn ở lại nước ngoài làm việc sau khi du học, Nam muốn trở về quê nhà sau khi hoàn tất việc học, thỏa mãn đam mê nghiên cứu của bản thân.
"Trước khi sang Mỹ học tập, em từng có thời gian theo học 8 năm tại Quốc tế Á Châu, một ngôi trường quốc tế hội nhập nhưng vẫn đề cao những giá trị giáo dục truyền thống. Những trải nghiệm học tập, sinh hoạt tại đây giúp em trưởng thành về mặt học thuật, hun đúc những giá trị văn hóa dân tộc", Nam nói. "Nhờ vậy, khi ở xứ người, em cảm thấy tự tin khi học tập và so găng cùng bạn bè quốc tế. Em nhận thấy rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển, mong rằng sau khi hoàn tất chương trình tiến sĩ trong tương lai, em sẽ có cơ hội trở về quê hương, đóng góp ít nhiều cho nghiên cứu và giáo dục nước nhà".
Theo vnexpress