5 năm đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh

Thời gian gần đây, sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam (gọi là lưu học sinh) chủ yếu ở trình độ đại học và các khóa ngắn hạn; số lưu học sinh học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khá khiêm tốn. Ngoài Lào và Campuchia có số lượng lưu học sinh chiếm tỷ lệ lớn với gần 80%, một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản... có số lưu học sinh học tập tại Việt Nam đông do mối quan hệ kinh tế trong những năm gần đây phát triển tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để các trường tiếp tục khai thác thế mạnh, thu hút sinh viên các nước có mối quan hệ tốt với Việt Nam.

Đại diện Trường đại học Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016-2021, trường đã tiếp nhận 2.953 sinh viên quốc tế đến từ 46 quốc gia, theo học hệ đại học, hệ sau đại học và hệ đào tạo ngắn hạn. Trong đó, 234 sinh viên diện Hiệp định Chính phủ, 2.719 sinh viên diện ngoài hiệp định; 50% sinh viên chính quy; khoảng 85% sinh viên quốc tế tập trung tại Khoa Việt Nam học. Sinh viên quốc tế chiếm 5% trên tổng sinh viên, 8% nguồn thu của nhà trường. Còn đại diện Trường đại học Y Dược Thái Bình cho hay đến nay đã đào tạo được trên 1.000 bác sĩ cho hai nước bạn Lào và Campuchia...

 
leftcenterrightdel
 Sinh viên Ấn Độ học ngành y đa khoa tại Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng

Các cơ sở đào tạo thu hút được nhiều lưu học sinh (trên 1.000) và đa dạng quốc tịch có thể kể đến Đại học Quốc gia Hà Nội (74 quốc tịch); Đại học Quốc gia TP.HCM (47), Trường đại học Hà Nội (44), Đại học Huế (38), Đại học Thái Nguyên (29), Đại học Đà Nẵng (13)… Theo Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2016-2021, Việt Nam có 155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 26,6% lưu học sinh hiệp định và 73,4% lưu học sinh ngoài hiệp định.

Hội nhập quốc tế, chất lượng phải hàng đầu

Vừa qua, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng chính thức đón 20 sinh viên Ấn Độ đầu tiên trúng tuyển ngành y khoa nhập học. Những sinh viên này đã vượt qua các vòng sơ tuyển và phỏng vấn bởi hội đồng tuyển sinh nhà trường hồi tháng 12/2021. Bà Trần Thúy Trâm Quyên, Phó hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng, thông tin du học sinh Ấn Độ sẽ học ngành y khoa tại trường theo chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, được triển khai trên cơ sở chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế Việt Nam, đồng thời đổi mới, tiệm cận chương trình đào tạo y khoa của các nước tiên tiến trên thế giới.

Tháng 7 năm ngoái, Trường đại học Kinh tế TPHCM công bố chi 1 triệu USD học bổng để thu hút sinh viên quốc tế. Học bổng sẽ cấp trong thời gian đào tạo chính thức của chương trình bao gồm: mức tài trợ từ 50-100% chi phí đào tạo và chi phí nội trú tùy vào loại học bổng bán phần, toàn phần hay xuất sắc. Đối với mức học bổng xuất sắc, người học được duy trì học bổng trong suốt thời gian học chính thức. Đối với học bổng toàn phần và bán phần, trường sẽ đánh giá lại quá trình học tập của năm trước đó để nâng hoặc hạ mức học bổng theo điều kiện. Giáo sư Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết đây là bước đi quan trọng trên con đường khẳng định vị thế và uy tín của trường trong khu vực và thế giới. 

Tại Trường đại học Mở TP.HCM, mỗi năm có khoảng 30-40 sinh viên quốc tế đến học ở chương trình liên kết quốc tế và cả chương trình của Việt Nam. Theo giáo sư Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường đại học Mở TP.HCM, trường đại học Việt Nam muốn hội nhập quốc tế thì phải có sinh viên quốc tế, đa quốc tịch. Để đón được nhiều học viên quốc tế đến học, các trường phải đa dạng chương trình, ngôn ngữ. Phải không ngừng kiểm định chất lượng chương trình, đặc biệt là kiểm định theo các tiêu chuẩn quốc tế. 

Không chạy theo số lượng, không du di chất lượng

Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh cần đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế. Đặc biệt, thứ trưởng lưu ý, các cơ sở giáo dục đại học phải lấy chất lượng làm đầu; tăng cường thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế. “Ngoài học tập, lưu học sinh nước ngoài còn trở thành đại sứ văn hóa, cầu nối tình hữu nghị, điều này đặc biệt quan trọng. Do đó, công tác đào tạo không chạy theo số lượng, không du di chất lượng, phải tuân thủ các thỏa thuận, đảm bảo các yêu cầu chất lượng đầu vào và chuẩn đầu ra”, thứ trưởng nói.

Theo phụ nữ TPHCM