Khu vực chụp ảnh, hoa cài áo chú rể và hoa cầm tay cô dâu đều là rau củ
Nguyễn Hoàng Thảo (sinh năm 1985, sống tại Hà Nội) kể, đám cưới của cô đã được tổ chức vào tháng 10-2017. Nay cô thấy mọi người hỏi về chuyện tổ chức sự kiện mà không tạo ra rác nên chia sẻ lại hình ảnh đám cưới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chủ nhân bữa tiệc cho biết, ý tưởng đám cưới xanh được chị và một người bạn làm trong ngành tổ chức sự kiện trao đổi và cân nhắc khoảng một tháng trước ngày tổ chức. Tất cả đều dễ thực hiện, không quá tốn kém.
Cô dâu chú rể tính toán cẩn thận để không bị thừa mứa đồ ăn
"Bắt đầu quyết tâm sống xanh, mình bắt đầu để ý hơn đến mọi hoạt động trong cuộc sống. Mình thấy rằng, một sự kiện như đám cưới có thể tạo ra nhiều rác thải, từ các vật liệu dùng để trang trí như bóng bay, hoa, pháo bắn… cho đến đồ ăn, nước uống, ống hút, thiệp mời. Vì thế, mình đã lên kế hoạch tỉ mỉ để không phải áy náy mỗi khi nhớ về đám cưới".
Đám cưới của Thảo không dùng đồ nhựa một lần, không ống hút, không ly, chén nhựa. Cô tổ chức quy mô nhỏ, tính toán cẩn thận để không chuẩn bị quá nhiều đồ ăn. Các món đều chia nhỏ thành miếng vừa ăn, nếu thừa đồ ăn mọi người mang về ăn nốt chứ không bỏ mứa.
Rau củ trang trí đều được người tham dự mang về, có thể nấu bữa cơm hôm sau
Cô dâu chú rể không sử dụng đồ trang trí một lần như bóng bay, kim tuyến… Họ thuê đèn, loa, máy chiếu, còn giá, tủ bày đồ đều mượn từ địa điểm tổ chức. Quà tặng khách mời là xà bông hữu cơ được bọc trong giấy do bạn cô dâu làm cho.
Cô dâu cho rằng dùng hoa rất lãng phí, nên từ "bó hoa" của cô dâu đến hoa cài áo cho chú rể và các đồ trang trí khác đều là rau củ quả.
Khu vực chụp ảnh thay vì thuê bảng biến hóa lá cành, họ sử dụng cây ngô đồng, bắp ngô để trang trí. Hết tiệc, mọi người hào hứng chọn và chia nhau cầm về nấu cơm hôm sau. Cây cối được chở về bãi.
Thảo cho biết, bạn bè và chồng đều biết cô luôn tìm cách sống xanh hết sức, có thể nên khi nghe chị trình bày về ý tưởng đều ủng hộ. Bố mẹ cũng không phản đối vì "đám cưới đánh dấu kỷ niệm của cá nhân hai con". Khó khăn lớn nhất mà cô gặp phải là việc chuẩn bị được giải pháp cho mọi tình huống có thể phát sinh, sao cho cả khách mời lẫn người nhà đều thoải mái mà không phải sử dụng đến các vật liệu sử dụng một lần.
"Hoa" cài áo của chú rể làm từ rau củ
"Nhiều người nghĩ đám cưới phải làm to bự, hoành tráng, nhưng hai đứa mình đều thích sự đơn giản. Tụi mình muốn đám cưới thực sự là của mình và chia sẻ kỷ niệm cho người thân thương bằng việc tổ chức đám cưới nhỏ xinh, ít rác. Sau đám cưới này, nhiều bạn khi tham gia xong cũng chia sẻ rằng bạn bắt đầu quan tâm hơn về các cách giảm rác thải trong cuộc sống, theo dõi các trang về môi trường trên mạng, mang theo cốc cá nhân mỗi khi ra ngoài", chị nói.
Thế nhưng, nếu như được quay lại đám cưới, chị Thảo vẫn muốn làm việc kỹ hơn với bên tổ chức về chuyện dùng đũa sử dụng nhiều lần cho bữa tiệc, dù bên họ cũng chuẩn bị loại đũa tre không có bọc.
Chị gửi gắm: "Các bạn trẻ đang ấp ủ ý tưởng làm đám cưới thật xanh hãy tìm hiểu, tham khảo thật nhiều rồi chọn phong cách phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình. Và hãy tự tin rằng, đây là việc đúng, việc tốt".
Đám cưới của chị Hoàng Thảo nhận được nhiều lượt thích từ cộng đồng sống xanh. Mọi người cho rằng, đám cưới vừa tiết kiệm, vừa gây ấn tượng với người tham dự.
Theo tuoitre