leftcenterrightdel
 Nhiều trường học ở Đan Mạch đã lùi thời gian bắt đầu học để phù hợp với nhu cầu của thanh thiếu niên - ẢNH: ROSELYNE MIN (chụp các học sinh trong một lớp học ở trường Taastrup Realskole, Đan Mạch)

Catherine Wimmelmann - nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Sức khỏe trẻ em - chia sẻ rằng không chỉ bị ảnh hưởng bởi thiên nhiên mà còn bởi hoàn cảnh của thế giới hiện đại, số lượng thanh thiếu niên không ngủ đủ giấc đã tăng gấp đôi kể từ những năm 1980, phần lớn là do dành quá nhiều thời gian cho màn hình. Những nhu cầu sinh lý của thanh thiếu niên không phù hợp với cách thức tổ chức hệ thống trường học, đòi hỏi các em phải đến trường sớm.

Từ năm 2023, 20 trường học ở Đan Mạch đã thay đổi giờ bắt đầu học để phù hợp với nhu cầu của thanh thiếu niên. Trường tư thục Th. Langs Skole ở Silkeborg là trường tiên phong. Trường bắt đầu thử nghiệm vào năm 2022, cho phép học sinh từ 13 đến 16 tuổi (lớp Bảy đến lớp Chín) bắt đầu vào học lúc 9g sáng thay vì 8g10 sáng.

Emily (15 tuổi) - một trong những học sinh của trường - cho biết: “Trước đây, chúng em rất mệt mỏi và khá buồn bã vào buổi sáng. Khi bắt đầu vào học lúc 9g sáng, chúng em trở nên vui vẻ hơn…”. Tine Agerholm Kristiansen - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Các em ngủ ngon hơn, đủ giấc và thực sự có nhiều năng lượng hơn. Không chỉ vào buổi sáng mà cả trong ngày và khi các em phải tham gia các hoạt động bên ngoài trường học”.

Trường Th. Langs Skole đã hợp tác với Enversion - một công ty khởi nghiệp công nghệ của Đan Mạch - để theo dõi giấc ngủ của học sinh từ lớp Bảy đến lớp Chín thông qua một ứng dụng. Dựa trên kết quả khảo sát, nhà trường nhận thấy sự cải thiện về thời gian ngủ, hiệu quả giấc ngủ và tình trạng mệt mỏi trong 3 tháng đầu tiên của sáng kiến.

Eva Molin - quản lý dự án “Later Meeting Time” tại Just Human (một tổ chức phi chính phủ của Đan Mạch) - giải thích: “Bằng cách cho trẻ vị thành niên đi học muộn hơn vào buổi sáng, chúng ta có thể cho các em cơ hội ngủ nhiều hơn. Điều này có tác động tích cực đến sức khỏe, khả năng học tập và tương tác xã hội của các em”.

Theo phụ nữ TPHCM