Cha mẹ nên dành thời gian và tình yêu thương cho con cái - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tôi cũng như nhiều người Hà Lan ở đây, nhất là các mẹ bỉm sữa, cũng được biết về dịch vụ xét nghiệm ADN nhằm biết trước về những điểm mạnh của trẻ.
Con cái tự quyết định con đường đi
Quan điểm của tôi là nếu xét nghiệm ADN để tìm ra vấn đề bệnh lý nào đó thì cha mẹ nên làm nếu thấy cần thiết. Còn nếu xét nghiệm để xem con mình có phải là thần đồng hoặc muốn biết con có tố chất, điểm mạnh, điểm yếu gì để đầu tư cho đúng hướng thì không cần thiết.
Trong bảy năm đầu đời, những yếu tố này sẽ được bộc lộ ra khi cha mẹ dành thời gian ở cạnh con, tương tác với con qua các hoạt động. Con là người dẫn dắt, còn cha mẹ sẽ hỗ trợ con trong điều kiện có thể. Cha mẹ thương con cái vô điều kiện. Dù con chọn hướng đi thế nào, đó sẽ là sự lựa chọn của con. Trách nhiệm của cha mẹ là tạo môi trường nuôi dưỡng để con cái trở nên chính mình.
Khi còn bé, gia đình tôi không có điều kiện về tài chính, khoảng trời thơ ấu của tôi là bãi sân rộng với những món đồ chơi tự nhặt được: một ít lá cây, cành khô, cục đá... rồi tôi tưởng tượng ra xây lâu đài, thành quách...
Có những hôm tôi cùng bọn trẻ trong xóm chạy ra biển bắt còng chơi cát. Có hôm chúng tôi chơi thả diều, có hôm trèo cây hái quả..., nhìn lại thì nhờ không có điều kiện về tài chính như thế mà tôi thực sự tận hưởng tuổi thơ mình.
Đây chính là điều kiện lý tưởng để hun đúc trí tưởng tượng và sáng tạo từ khi còn bé thơ. Giờ đây khi đã là một người mẹ, tôi tin rằng tạo môi trường để đứa trẻ được hạnh phúc là quan trọng nhất.
Việc con trở thành người như thế nào, đạt được cái gì trong tương lai là do con quyết định. Khi bạn đã xây dựng một nền tảng tốt: thái độ sống tích cực, nhân ái thì đó là hành trang con mang vào tương lai.
Xã hội xây dựng tình thương cho con cái
Trẻ em Hà Lan từ 3 tháng tuổi đã được làm thẻ thư viện miễn phí. Văn hóa đọc sách đã được hình thành từ hồi còn bé thơ như thế. Trong thư viện luôn có một khu vực dành cho trẻ tương tác: đồ chơi, sách cho trẻ được thiết kế đa dạng phong phú, chất liệu tốt.
Hằng tuần họ đều tổ chức những buổi đọc truyện cho trẻ. Họ có ghế ngồi cho trẻ ăn, toilet có bàn để thay tã... Các mẹ có thể bế con lên thư viện chơi cả ngày cũng được.
Các hoạt động xã hội cũng rất đa dạng cho tất cả mọi độ tuổi. Mỗi làng đều có nông trại trẻ em - nơi trẻ được thấy và tương tác với dê, bò, gà, cừu... do các tình nguyện viên phụ trách. Chúng tôi có các buổi dạy làm phômai, học hát, học bơi... hầu như miễn phí hoặc nếu có đóng phí thì rất rẻ (3-5 euro/buổi).
Từ 2 tuổi trở đi, khi trẻ bắt đầu có nhu cầu giao tiếp xã hội, các bé sẽ được đi trường mẫu giáo miễn phí một tuần hai buổi, mỗi buổi chừng ba tiếng để vào chơi với các bạn.
Trong bán kính 10 phút đi bộ, mỗi khu dân cư đều có sân chơi ngoài trời để trẻ được chơi an toàn, đùa nghịch, leo trèo mà có té cũng không bị sao. Trẻ em được động viên, được lắng nghe và được tôn trọng như một thành viên trong gia đình/xã hội.
Điều khá phổ biến trong xã hội Hà Lan mà tôi thấy là có rất nhiều cha mẹ chọn đi làm một tuần bốn buổi hoặc bán thời gian để có thời gian dành cho trẻ nhiều hơn (một phần lý do nữa là chi phí gửi trẻ rất đắt đỏ, 7-10 euro/giờ).
Xã hội/công ty xem vấn đề này là bình thường và họ hoàn toàn hỗ trợ, có rất nhiều công việc chỉ cần làm 24 giờ/tuần, 36 giờ/tuần.
Trong thời gian mẹ phải cho con bú mà đi làm thì công ty theo luật bắt buộc phải có một phòng riêng cho mẹ ngồi vắt sữa.
Đó là xã hội được xây dựng để cha mẹ dành tình thương tối đa cho con cái. Nên theo tôi, việc kiểm tra gen không có ý nghĩa gì nếu cha mẹ không thể dành tình yêu thương vô điều kiện và thời gian cho con cái.
Hãy để tuổi thơ của con tự nhiên Chuyện học hành của nhiều đứa trẻ ở Việt Nam đã khá mệt rồi, nay chúng lại được "gánh" thêm mác thần đồng thì đúng là quá "căng". Quan điểm của tôi là hãy để những đứa trẻ lớn lên bình thường, có tuổi thơ tự nhiên, đừng bao giờ gọi chúng là "thần đồng". Ở nước Đức - nơi tôi đang sinh sống, những đứa trẻ có năng khiếu đặc biệt được quan tâm đúng mức chứ không thái quá. Ví dụ: một đứa trẻ 5 tuổi có năng khiếu chơi cờ vua, em sẽ được tạo điều kiện tốt hơn về môn này, chẳng hạn được trường mời HLV cờ vua về nhà dạy thêm hay được tạo điều kiện học và thi đấu nhiều hơn với các đấu thủ giỏi... Bản thân các em cũng thích chuyện này vì yêu môn cờ vua. Trẻ lớn lên tự nhiên, sống vui vẻ với môn mình yêu thích. Con của một người bạn tôi rất giỏi môn bóng đá. Cháu còn có thể hình rất tốt. Ước mơ của cháu là sau này được chơi cho một CLB chuyên nghiệp tại Đức. Nhưng bạn tôi luôn nói với cháu rằng: "Con hãy nuôi dưỡng giấc mơ này bằng cách cố gắng đến sân bóng càng nhiều càng tốt, tập luyện chăm chỉ. Chỉ có điều đó mới giúp con đạt được ước mơ của mình, chứ không phải năng khiếu bẩm sinh hay những lời ca tụng từ bạn bè". Đừng bao giờ gọi trẻ là "thần đồng" mà hãy hướng chúng làm những việc yêu thích, nỗ lực đi theo con đường mình chọn. Đó là cách tốt nhất để đạt mục tiêu trong cuộc sống. |
Theo tuoitre