Minh họa: Văn Nguyễn
Ngày nay, nhiều gia đình không tiếc tiền đầu tư cho con cái đi học đủ thứ thời thượng, từ kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, học kỳ quân đội, ngoại ngữ... nhưng dường như ít ai để ý đến dạy con lời ăn tiếng nói của con mình, một yếu tố góp phần không nhỏ trong việc hình thành nhân cách sau này.
Ngày trước, mỗi khi muốn để phần thức ăn cho ai, mẹ dạy chúng tôi nói “để dành” thay vì dùng chữ “chừa” để bày tỏ sự tôn trọng những người dùng bữa sau mình, bất kể người ấy già hay trẻ, lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn mình. Còn khi trả tiền cho ai đó thì kèm thêm chữ “xin gửi”. Những chi tiết nhỏ nhặt ấy xem chừng chẳng mấy bậc cha mẹ ngày nay để ý và dạy cho con mình. Họ viện cớ không có thời gian cho những “tiểu tiết” như vậy, dù họ có thừa thời gian để làm nhiều việc khác.
Tôi chẳng mấy quan tâm đến cách sống, cách giáo dục trẻ con của những gia đình khác, mỗi người đều có một quan điểm sống khác nhau. Nhưng cứ mỗi khi lên mạng, vào những trang hay diễn đàn có nhiều người theo dõi sẽ dễ dàng nhận ra những cô cậu trẻ tuổi nói năng bạt mạng, văng tục không biết ghê và mạt sát người khác không tiếc lời dù hình ảnh đại diện và “lý lịch” trên mạng khá đẹp đẽ. Những lúc ấy, không dưng tôi liên tưởng đến gia đình của những bạn trẻ ấy, bố mẹ các bạn nói năng với nhau và với con cái như thế nào, có hay dung tục, chửi thề trước mặt con mình không mà khi ra ngoài các bạn lại thể hiện mình như thế? Tôi không thích cách đổ thừa “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” vì như thế khác nào họ phủ nhận trách nhiệm của mình trong việc dạy con, và bởi phần lớn tính cách của trẻ là do ảnh hưởng bởi môi trường sống xung quanh mình từ bé.
Bạn có bao giờ nói năng nhỏ nhẹ, ngọt ngào với con cái hay chỉ bực bội, hằn học trút lên bọn trẻ những lời cay nghiệt để giải tỏa những áp lực mà bạn phải gánh chịu bên ngoài gia đình mỗi ngày?
Dạy con nói năng, không chỉ là chuyện phát âm cho tròn vành rõ chữ, câu cú chỉn chu, không cắt ngang lời người khác mà còn là nói năng sao cho tử tế, giọng nói nhẹ nhàng, không cục cằn, thô lỗ, ngôn từ đúng mực, ít gây tổn thương hay xúc phạm người nghe, hạn chế nói những lời không cần thiết nếu không thể nói những lời dễ nghe hoặc những khi không kiểm soát được cảm xúc của mình.
Một đứa trẻ được dạy dỗ nói năng sẽ biết “lựa lời mà nói”, luôn “cảm ơn, xin lỗi” khi cần thiết, biết hỏi han, chia sẻ khi ai đó có tâm trạng, biết nói những lời chân thật chứ không giả tạo, đãi bôi.
Dạy con nói năng không chỉ là dạy qua cách ứng xử, tiếp xúc trực tiếp mà còn dạy con nhã nhặn, biết tiết chế khi giao tiếp trên các mạng xã hội, bởi đó cũng là một cách “nói” ít nhiều thể hiện nhân cách của một người.
Theo thanhnien