1. Suy nghĩ về vai trò lãnh đạo

Khi nhắc đến hai từ "lãnh đạo", nhiều phụ huynh có thể cho rằng đây là vấn đề đao to búa lớn, gợi nhớ đến các CEO hay chủ doanh nghiệp. Nhưng lãnh đạo thể hiện ở rất nhiều khía cạnh, trong nhiều vai trò và không nhất thiết chỉ những người đứng đầu công ty, doanh nghiệp, tổ chức mới được coi là lãnh đạo.

Các cô gái có thể học cách lãnh đạo và đảm nhận vai trò lãnh đạo theo nhiều cách. Chẳng hạn khi làm việc nhóm, các em có thể làm nhóm trưởng, phân công công việc cho các bạn trong nhóm. Các em có thể đứng ra tổ chức chương trình gây quỹ từ thiện, bảo vệ môi trường.

2. Rèn luyện kỹ năng nói trước công chúng

Việc nói trước đám đông rất khó, thậm chí đối với người lớn nhưng những người có khả năng lãnh đạo thường rất tự tin. Nhờ sự tự tin này, họ có thể thuyết phục mọi người tin tưởng và làm theo ý tưởng của họ.

Phụ huynh có thể dạy con kỹ năng nói trước công chúng từ những hành động nhỏ như cho phép con nêu quan điểm cho vấn đề bất kỳ, học cách kể chuyện và thuyết phục người thân trong gia đình. Song hành cùng việc trau dồi kỹ năng nói, các bé có thể học cách giữ bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc trong quá trình nói để bài diễn thuyết lưu loát hơn.

Trên lớp học, đừng quên khuyến khích trẻ phát biểu ý kiến xây dựng bài, xung phong đảm nhận vai trò thuyết trình trong hoạt động làm việc nhóm hoặc tham gia câu lạc bộ diễn thuyết. Sự tự tin và kỹ năng thuyết trình của các em sẽ được bồi đắp dần dần.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh:Shutterstock.

3. Dạy về bình đẳng giới

Xây dựng bình đẳng giới trong gia đình là bước đầu tiên thiết lập bình đẳng giới trong xã hội. Hãy giới thiệu cho trẻ những tấm gương phụ nữ thành đạt trong công việc vốn dành cho nam giới như phi hành gia, kỹ sư, kiến trúc sư.

Bạn có thể sử dụng những danh từ mang tính trung lập để chỉ nghề nghiệp, chẳng hạn không dùng "chú cảnh sát" mà dùng "vị cảnh sát", không phân biệt nhiệm vụ dành cho con trai, con gái. Những ông bố có thể dạy con gái sửa ống nước, thay bóng đèn trong khi bà mẹ nên dạy nhiệm vụ nội trợ, chăm sóc gia đình thuộc về hai vợ chồng.

Nhờ đó, các bé gái không bị giới hạn khả năng trong một số lĩnh vực, vai trò nhất định, tự tin thể hiện khả năng, phát huy vai trò làm chủ trong tương lai.

4. Trao trách nhiệm

Thông thường, con gái luôn được cha mẹ chiều chuộng, bao bọc hơn con trai, nhưng hành động này có thể kìm hãm năng lực và tố chất của các em. Để xây dựng khả năng lãnh đạo, phụ huynh nên cho phép con gái tự quyết định một số vấn đề riêng.

Với những bé gái nhỏ tuổi, cha mẹ hãy khuyến khích con tự chọn quần áo với một số hướng dẫn ban đầu. Những em trưởng thành hơn có thể tự quyết định môn học, ngành học yêu thích dựa trên thế mạnh của bản thân, tự quyết định chọn trường phù hợp với khả năng.

Nếu một số quyết định của trẻ là sai lầm, có thể dẫn đến thất bại, phụ huynh nên chỉ ra điều này dựa trên tinh thần tôn trọng con và để con chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân. Khi trẻ thất bại, thay vì trừng phạt, hãy phân tích những điều được và chưa được trong quyết định của con.

5. Nuôi dưỡng đam mê và sự chăm chỉ

Hãy thúc đẩy con gái bạn nuôi dưỡng niềm đam mê và nỗ lực hết mình để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Các nhà lãnh đạo không chỉ giỏi thuyết phục người khác mà rất chăm chỉ làm việc để đạt được thành công và khẳng định bản thân.

Thông qua quá trình rèn luyện chăm chỉ, các bé gái sẽ trau dồi tinh thần trách nhiệm, kỹ năng lập, bám sát kế hoạch và cách tiếp cận tình huống khó khăn. Đây cũng được coi là những phẩm chất lãnh đạo giá trị trẻ có thể học từ nhỏ.

Theo vnexpress