Bất đồng là một phần của cuộc sống hàng ngày. Điều quan trọng là học cách thảo luận về quan điểm, sở thích cá nhân và tôn trọng chúng thay vì bác bỏ. Nhờ đó trẻ được thúc đẩy tư duy độc lập, thể hiện sự đồng cảm với mọi người xung quanh. Trang Huffpost giới thiệu kinh nghiệm dạy trẻ cách chấp nhận bất đồng.
1. Bắt đầu sớm
Học cách chấp nhận những bất đồng là quá trình dài, nhưng bắt đầu từ những nền tảng cơ bản như: Học cách đồng cảm, giao tiếp. Nhiều phụ huynh cho rằng dạy về đồng cảm, giao tiếp là bài học đơn lẻ. Tuy nhiên, một chuỗi bài học như vậy có thể bồi đắp nên khả năng hòa hợp với mọi người xung quanh.
2. Gọi tên cảm xúc
Trẻ thường gặp khó khi diễn tả cảm xúc cá nhân và thường kìm nén trong lòng. Từ đó, các bé dễ cáu giận khi không vừa ý. Giúp trẻ hiểu và gọi tên cảm xúc có thể giúp xử lý những xung đột, bất đồng.
3. Nuôi dưỡng sự đồng cảm
Khi hiểu cảm xúc của mình, trẻ có thể nhận ra những cảm xúc này ở người khác và phát triển sự đồng cảm. Sự đồng cảm và trí tuệ cảm xúc là những kỹ năng có thể trau dồi hàng ngày giống như luyện tập thể thao.
Phụ huynh có thể khuyến khích con đặt mình vào vị trí của người khác, gợi ý trẻ đặt câu hỏi như: "Tại sao bạn lại nói như vậy?", "Tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu bị bỏ rơi?".
Khi xảy ra bất đồng, đồng cảm không có nghĩa trẻ phải từ bỏ quan điểm cá nhân. Thay vào đó là thể hiện sự tôn trọng, không bác bỏ ý kiến của người khác. Qua đó, các em hiểu rằng mọi người có quan điểm khác nhau. Họ có thể không đúng nhưng ý kiến của mỗi người đều nên được tôn trọng.
4. Làm gương
Các thành viên trong gia đình có thể xảy ra bất đồng và đây là cơ hội để dạy trẻ chấp nhận. Hướng dẫn trẻ cách lắng nghe đối phương, xem xét quan điểm của họ và bình tĩnh bày tỏ bằng thái độ không đồng ý. Sau đó, hai bên có thể tìm hướng giải quyết để tìm ra sự thống nhất.
Điều này đồng nghĩa trong gia đình, phụ huynh nên khuyến khích thái độ lắng nghe, dù đó là quan điểm của trẻ nhỏ. Trong nhiều gia đình, bố mẹ có quyền quyết định và thường gạt đi hoặc không lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con. Nếu vậy, trẻ sẽ khó học được cách tôn trọng sự bất đồng.
5. Xây dựng kỹ năng lắng nghe
Lắng nghe là cách tiếp thu những quan điểm trái chiều và học hỏi từ nó. Một người giỏi lắng nghe thường nhìn thẳng vào mắt người nói, đặt câu hỏi để hiểu thay vì nhanh nhảu đưa ra lời khuyên hoặc ngắt lời đối phương.
Cha mẹ có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng nghe trong các cuộc hội thoại bằng cách giao tiếp bằng mắt, xác nhận thông tin và hỏi trẻ những câu rõ ràng thay vì đưa ra giải định hoặc vội vàng phán xét.
6. Tạo dựng chiến lược đối phó
Sự bất đồng gợi lên những cảm xúc tiêu cực nên trẻ cần có những chiến lược đối phó như hít thở sâu, viết nhật ký, vẽ hoặc các hình thức sáng tạo nghệ thuật khác. Ví dụ, khi không ai lắng nghe, trẻ có thể hít thở sâu nhiều lần. Sau đó, bình tĩnh hỏi: "Tớ cần được giúp đỡ. Ai có thể tìm ra giải pháp kết hợp ý kiến của tớ và mọi người không?".
Một số chiến lược khác như thỏa hiệp, thương lượng, tìm các giải pháp khác. Trẻ có thể thực hành tại nhà với anh chị em.
7. Học qua phương tiện thông tin
Đọc sách là cơ hội tốt để thảo luận về việc giải quyết xung đột. Khi đọc sách cùng con, cha mẹ có thể đặt câu hỏi như: "Theo con, nhân vật này đang cảm thấy thế nào?", "Con nghĩ tại sao họ lại cảm thấy như vậy?", "Nếu con là nhân vật này, con sẽ làm gì?".
Khi trẻ em xem TV hoặc nghe người lớn nói chuyện, chúng nhận thấy những bất đồng và muốn được bày tỏ ý kiến. Khuyến khích con nói ra quan điểm cá nhân giúp các em tự tin hơn.
Theo vnexpress