Tiền bạc có thể giúp cải thiện cuộc sống nhưng không thể xóa bỏ được nhiều vấn đề của con người và đôi khi chính tiền bạc mang lại những rắc rối.
Clay Cockrell (Mỹ) có 25 kinh nghiệm tư vấn và trị liệu tâm lý cho giới siêu giàu nói rằng, người giàu có khối tài sản kếch xù nhưng bên cạnh đó vẫn có những nỗi lo rất "thường" không kém chúng ta, đặc biệt là trong vấn đề nuôi dạy con cái.
Áp lực dẫn đầu
Nỗi sợ hãi lớn nhất của giới siêu giàu là con cái của mình kém cỏi bởi ở một khía cạnh nào đó, con cái là phiên bản đại diện cho họ. Nếu con cái không thành công có nghĩa là họ không thành công.
Bề ngoài, người giàu luôn tuyên bố sự thành công với mọi người. Nhưng bên trong họ thường cảm thấy bất an, lo lắng. Càng có nhiều của cải thì mất mát càng lớn và họ luôn đau đáu chuyện cho con cái thừa kế khối tài sản ấy.
Tiêu chí đầu tiên của sự thành công là đạt được thứ hạng học tập dẫn đầu. Để đạt được điều này, nhiều đứa trẻ phải nỗ lực rất nhiều, ngay khi chỉ mới chập chững biết đi.
Mô tả về những "cậu ấm, cô chiêu" thuộc tầng lớp thượng lưu, một bài viết trên Sanlian Life Weekly từng viết: "Vào trường Tiểu học tốt nhất để tăng khả năng vào trường Trung học cơ sở tốt nhất, rồi tăng cơ hội vào trường Trung học phổ thông và Đại học tốt nhất. Cuối cùng để những đứa trẻ tìm được việc làm với mức lương cao, điều này gây ra áp lực không nhỏ".
Để duy trì lợi thế của mình, sự cạnh tranh về nguồn lực giáo dục chất lượng cao rất khốc liệt giữa những người giàu. Đôi khi những người giàu sẽ cạnh tranh để có được giáo viên tốt nhất. Họ thường thuê gia sư nước ngoài cho con cái của họ, trả thù lao hậu hĩnh chỉ để kèm trong vài giờ ngắn ngủi.
Kể cả khi con cái của những người giàu có thể cùng cha mẹ đi du lịch khắp thế giới nhưng cường độ học tập không hề giảm. Một gia sư từng tiết lộ rằng, họ đã dạy 2 đứa trẻ nhà giàu trên du thuyền riêng. Cha mẹ đi mua sắm và ăn uống bên ngoài, trong khi con cái của họ vẫn học 8 tiếng/ngày. Trong 7 tuần, trẻ chỉ có một buổi được đi chơi với bạn trong 1 tiếng.
Tuy nhiên, điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của trẻ. Những đứa trẻ rất giàu có thường học tại các trường nội trú ưu tú và chuyển tiếp vào các trường đại học ưu tú. Chúng lớn lên cùng những đứa trẻ cùng cảnh nhà giàu. Chúng hiếm khi được kết thân với những đứa bạn không giàu có, dễ bị cô lập. Vòng quan hệ xã hội bị thu hẹp khi có ít người chúng thực sự có thể kết nối, dẫn đến thiếu sự đồng cảm.
Giàu có là gánh nặng
Quá nhiều khách hàng của ông Clay Cockrell muốn nuông chiều con cái để "chúng không bao giờ phải chịu những gì bố mẹ đã phải chịu đựng" khi lớn lên.
Tuy nhiên, kết quả là họ đã ngăn cản con cái trải nghiệm chính những điều đã làm nên thành công như hy sinh, làm việc chăm chỉ, vượt qua thất bại và phát triển khả năng phục hồi. Một đứa trẻ được nuông chiều quá mức sẽ phát triển thành một người lớn kém tự tin, lòng tự trọng thấp và thiếu bản lĩnh.
Những đứa trẻ sinh ra đã ở vạch đích, mọi thứ đều có sẵn có thể khiến trẻ cho rằng mọi thứ đều có sẵn, chẳng cần phải nỗ lực. Vì thế không ít gia tộc phá sản khi thế hệ con cháu tiếp nối điều hành công ty.
Là con cái của những người giàu có, ngay cả khi trẻ đáp ứng các tiêu chuẩn của người bình thường vẫn là chưa đủ. Mục tiêu của họ là sự xuất sắc. Thân phận con nhà giàu khiến họ phải đối mặt với những nỗi lo lắng vô hình. Sự giàu có của cha mẹ sẽ trở thành gánh nặng cho họ.
Một cây viết nổi tiếng ở Mỹ từng chia sẻ: "Những đứa trẻ không có tham vọng, không có sắc đẹp, không thể trở thành siêu mẫu, không viết blog cá nhân, không kinh doanh,… thì dù gia đình có bao nhiêu tài sản cũng chẳng có nghĩa lý gì".
Forbes từng thực hiện một cuộc khảo sát và phát hiện rằng, những người siêu giàu và gia đình họ sở hữu khối tài sản trên 100 triệu USD dễ có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn 80% so với người bình thường.
Tiền không tạo ra hạnh phúc đối với họ, ham muốn làm giàu khiến họ vô cùng áp lực. Những người siêu giàu rượt đuổi và đau đáu về điều đó. Tiền khiến cuộc sống của họ trở nên phức tạp hơn.
Theo giadinhonline.vn