Làm cha mẹ, chắc hẳn chúng ta không ít lần bắt gặp các tình huống như: con la hét khi tức giận, ném, cắn, đánh hoặc bướng bỉnh phản kháng lại. Vừa phút trước còn vui đùa, nghịch ngợm, đột nhiên trẻ lại có thể trở nên cáu bẳn, hung hăng nằm lăn ra ăn vạ ngay lập tức… Những điều đó đôi khi khiến chúng ta cảm thấy bực bội, phiền toái hay không thể hiểu nổi con mình đang cần gì, muốn gì.

Đừng tìm cách dập tắt những cơn cảm xúc của trẻ. Ba mẹ hãy kiên nhẫn chia sẻ, thấu hiểu, ghi nhận và giúp con vượt qua bằng sự bình tĩnh và cảm thông thực sự.

Con người bắt đầu cảm nhận và thể hiện một loạt cảm xúc khác nhau từ giây phút chào đời. Khi lớn hơn, việc tiếp xúc với thế giới bên ngoài đem đến cho trẻ những cảm xúc mới, từ đó định hình nên tính cách của trẻ. Trẻ rất nhỏ thể hiện những cảm xúc buồn, vui và giận dữ. Khi trẻ được 3 tuổi sẽ có thêm nhiều cảm xúc như: phấn khích, sợ hãi và quan tâm. Lớn hơn, trẻ được làm quen với môi trường học đường, nơi phát triển và định hình các cảm xúc như: xấu hổ, lo lắng, trắc ẩn, thích thú, bối rối, chán nản, tự hào…

Nhận diện cảm xúc là một phần quan trọng của việc xây dựng hình ảnh bản thân cho mỗi đứa trẻ. Vì vậy cha mẹ nên khuyến khích để trẻ nói ra cảm xúc của mình. Hãy "sạc pin" cảm xúc của con bằng những câu hỏi: "Hôm nay con cảm thấy thế nào?", "Chuyện gì đang xảy ra với con?", "Con muốn làm điều gì?", "Con có nghĩ mình đang…?". Đây là cách để chúng ta mở ra cánh cửa trò chuyện cùng con, giúp con chia sẻ cảm xúc với cha mẹ một cách dễ dàng, qua đó có thể biết được hôm nay con mình đang vui, đang buồn hay đang lo lắng…

Một khi con được lắng nghe, được động viên, khích lệ con sẽ có nền tảng cảm xúc tích cực. Từ đó con sẽ có nhiều tiến bộ trong suy nghĩ, hành động, cả trong việc học lẫn cuộc sống sau này.

Một đứa trẻ đơn thuần có nhiều cảm xúc hơn ta tưởng. Có khi cảm xúc của trẻ được bộc lộ ra ngoài qua hành vi hoặc trực tiếp qua lời nói, nhưng cũng có lúc cảm xúc lại bị dồn nén, giấu kín và ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi của trẻ. Vậy làm sao để giúp con nhận thức, hiểu, gọi tên và điều hướng cảm xúc cũng như hành vi một cách tích cực?

Cuốn sách được xếp hạng bán chạy nhất trên Amazon được mua bản quyền từ NXB Usborne (Anh) do PingBooks liên kết với NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành là một gợi ý cho người làm cha làm mẹ.  

Dạy trẻ biết rung động, làm chủ cảm xúc - Ảnh 1.

Cuốn sách "Tất tần tật về Cảm xúc"

Tất tần tật về Cảm xúc vừa là cuốn cẩm nang, chứa đựng nhiều bí quyết, vừa giống như một người bạn đang động viên, khích lệ giúp các bạn nhỏ tìm hiểu tất cả mọi cung bậc cảm xúc, học hỏi các kỹ năng làm chủ cảm xúc, biết cách diễn tả, bộc lộ, nhận biết và gọi tên cảm xúc của mình. Chẳng hạn như lúc tức giận cảm xúc của con như thế nào, những hành động nào, tình huống nào khiến con tức giận, khi tức giận con nên làm gì để giải tỏa mà không làm tổn thương chính mình cũng như người khác...

Cuốn sách đưa ra rất nhiều phương thức giúp con giải tỏa những cảm xúc tiêu cực đang bủa vây, học cách tự làm dịu cảm xúc và điều hướng hành vi như: khi bùng nổ cảm xúc hãy chạy thật nhanh tại chỗ; giải bày những ưu tư bằng cách chia sẻ với ai đó, hoặc đến một nơi thật yên tĩnh, vẽ tranh, mở nhạc to và nhảy, giậm chân vòng quanh và hát to...

Tất tần tật về Cảm xúc được minh họa gần gũi, sống động, ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu, lồng ghép nhiều câu hỏi tạo cơ hội cho các bạn nhỏ bộc lộ và nói lên cảm xúc của mình. Trong đó có từ thông điệp cơ thể và những thay đổi cảm xúc đến những lời khuyên về việc phải đối xử tốt với bản thân… Có thể nói, cuốn sách là công cụ hữu ích để giúp trẻ học cách nói và quản lý cảm xúc. Các bạn nhỏ sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc, những cảm xúc thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, và chắc chắn sẽ thấy mình trong đó.

Cuối sách Tất tần tật về Cảm xúc còn có phần lưu ý dành cho các bậc phụ huynh, là những gợi ý để cha mẹ giúp con điều hướng cảm xúc của mình một cách tích cực.

Bảo Minh