Hiện, các gia đình phi truyền thống như bố, mẹ đơn thân, ly hôn, đồng tính hoặc nhận con nuôi không còn quá xa lạ. Những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình này có thể cảm thấy lạ lẫm khi bắt đầu biết nhận thức và cần thời gian để làm quen. Dưới đây là một số cách giúp trẻ vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn.
Tìm phương tiện truyền thông phù hợp
Một trong những cách để trẻ có cái nhìn bình thường hóa về các gia đình phi truyền thống là để chúng tiếp cận với sách, ảnh, chương trình truyền hình. Kiaundra Jackson, nhà tư vấn tâm lý về các lĩnh vực hôn nhân tại Los Angeles, Mỹ, gợi ý cuốn sách My Family, Your Family của Lisa Bullard. Tác phẩm kể về Makayla, cô bé đi qua nhiều khu phố để tìm hiểu về các loại gia đình.
Ngoài ra, bạn có thể cùng trẻ xem thử bộ phim Despicable Me về một người đàn ông nhận nuôi ba cô con gái. Những cuốn sách như It’s okay to be different (Khác biệt vẫn ổn) cũng rất hữu ích vì nhấn mạnh vào tình yêu thương gia đình, điều quan trọng hơn cả việc khác biệt.
Giao tiếp với các gia đình
Tiến sĩ Wayne Fleisig, nhà tâm lý học lâm sàng tại Birmingham, Anh, cho rằng bạn nên nói chuyện với trẻ về những khác biệt trong gia đình trước để chúng không bị tổn thương khi phát hiện ra điều này hoặc bị trêu chọc.
Jessica Butler, người mẹ kế của hai con trai, đồng thời là mẹ nuôi của một cậu bé khác, đưa con trai út đến gặp một người bạn mà bố mẹ em đó đã ly hôn. Trước buổi gặp gỡ, Jessica đã giải thích với con rằng "Bạn của con có hai ngôi nhà. Đôi khi cô bé sống với mẹ, lúc khác lại với bố. Điều này thật tuyệt phải không?".
Khi được tiếp xúc với bạn bè đến từ các gia đình khác biệt, trẻ sẽ đồng cảm và hòa đồng hơn. "Dần dần, chúng sẽ cảm thấy chẳng có gì đáng sợ nếu được nuôi dạy bởi hai ông bố", Fleisig nói.
Trao quyền cho trẻ
Sự tin tưởng được hình thành ngay từ trong gia đình. Một đứa trẻ tự tin có khả năng phục hồi và ít bị tổn thương trước nhưng câu hỏi, bình luận khiếm nhã. Do đó, hãy để trẻ tham gia vào một số quyết định trong gia đình, đù đó là chuyện đơn giản. Chẳng hạn, trước khi làm bữa tối, bạn có thể hỏi trẻ thích ăn gì, có thể làm được món nào để chúng cảm thấy đang được đóng góp cho gia đình.
Chỉ khi nhận được tình yêu thương và được tham gia vào quá trình xây dựng gia đình, trẻ sẽ cảm thấy bản thân có giá trị, tự hào và tăng trách nhiệm bảo vệ mái ấm của mình.
Trả lời những câu hỏi của trẻ
Nhiều người không thoải mái khi nói về quyết định ly hôn hoặc giải thích những câu hỏi hóc búa về giới tính cho trẻ. Tuy nhiên, đây là điều cần làm. Thay vì để trẻ tiếp nhận thông tin sai lệch từ người khác hoặc trên các phương tiện không chính thống, bạn nên là người giải đáp cho trẻ những điều này.
Hãy dành thời gian suy nghĩ về những gì bạn muốn nói để tìm cách diễn đạt khéo léo, giúp trẻ tiếp nhận tốt hơn. Đôi khi, những cuộc nói chuyện này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ giữa bạn và trẻ trở nên bền chặt hơn. "Trẻ sẽ cảm thấy có thể nói chuyện với bạn bất cứ điều gì. Đây là điều quan trọng, nhất là khi trẻ bước vào độ tuổi thanh thiếu niên", tiến sĩ Fleisig nói.
Nói chuyện với giáo viên
Nếu thấy trẻ thu mình, xấu hổ hoặc không muốn nói về gia đình với bạn bè, bạn nên trao đổi với giáo viên. Việc này đảm bảo rằng trẻ không bị trêu chọc hay bắt nạt tại trường vì có một gia đình phi truyền thống.
Ngoài ra, trước mỗi năm học, bạn cũng nên gặp giáo viên chủ nhiệm của trẻ để nói về hoàn cảnh gia đình khác biệt và cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của trẻ. Việc này giúp bạn có thể bảo vệ trẻ từ xa một cách kịp thời.
Theo vnexpress