Nhã Vy là một cô gái chuyển giới người Việt Nam, vốn xuất thân từ một làng quê nghèo. Cô từng phải chịu đựng sự chế nhạo và kỳ thị ở nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Nhưng giờ đây, những ký ức về quá khứ đau buồn đó đang dần trở nên mờ nhạt.
Hàng đêm, Nhã Vy mặc áo dài truyền thống hoặc những bộ váy ngắn cùng giày cao gót, bước lên sân khấu với phong thái tự tin.
Cô là một trong hàng trăm người thuộc cộng đồng LGBT đang hành nghề giải trí tại Việt Nam.
Họ đã tìm thấy sự tự tin và cách kiếm sống chân chính thông qua các chương trình xổ số. Nói cách khác, đây là một hình thức giải trí tương tự trò chơi lô tô có từ thời Pháp thuộc, hiện rất phổ biến ở miền Nam.
Hàng trăm người thuộc cộng đồng LGBT đang hành nghề giải trí tại Việt Nam. Ảnh: SCMP.
Giống như số ít người chuyển giới ở đất nước hình chữ S, cô gái 26 tuổi này đã phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ thời niên thiếu tới nay.
Gần đây, thái độ và nhận thức của người dân Việt với cộng đồng LGBT mới dần dần có chuyển biến tích cực.
'Tôi luôn cảm thấy thấp kém'
“Không có nhiều người trong cộng đồng LGBT làm những công việc top đầu. Chúng tôi thường không tốt nghiệp đại học vì luôn bị bắt nạt ở trường. Ngay cả khi có bằng tốt nghiệp, tôi vẫn cảm thấy thấp kém và không dám xin một công việc văn phòng”, Vy buồn bã nói.
“Và thế là, tôi đã theo đuổi con đường này để kiếm tiền. Bất cứ khi nào được ở trên sân khấu với tư cách là một người phụ nữ, tôi cảm thấy vô cùng thoải mái và hạnh phúc”, Nhã Vy cho biết.
Hiện tại, Vy đang làm việc cho gánh hát Sài Gòn Tân Thời. Cứ ba tuần một lần, họ có buổi biểu diễn ca múa nhạc kết hợp quay vé số trúng thưởng.
Các buổi biểu diễn ca múa nhạc kết hợp quay vé số trúng thưởng đã xuất hiện ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Ảnh: SCMP.
Ở Việt Nam, cho đến những năm 1990, các buổi biểu diễn kiểu như vậy là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nông thôn miền Nam.
Nhưng sức hấp dẫn của hình thức giải trí này bắt đầu giảm dần cho đến khi Sài Gòn Tân Thời trở nên nổi tiếng vào năm 2017, khơi lại nhịp sống về đêm với chương trình lô tô được ưa chuộng một thời.
Năm 2014, bộ phim điện ảnh tài liệu “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” – thuật lại hành trình của một đoàn hát gồm đa phần là những người chuyển giới tại khu vực Nam Bộ - đã đạt được thành công vang dội.
Sức ảnh hưởng của bộ phim này đã trở thành “bệ phóng” cho những gánh hát như Sài Gòn Tân Thời và các đối thủ, giúp họ thu hút hàng trăm người xem mỗi đêm.
"Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" ("Madam Phung") đã đoạt giải "Special Mention" tại Liên hoan Phim tài liệu Đông Nam Á Chopshots và đạt bằng khen trong hạng mục Phim tài liệu tại giải Cánh diều vàng 2013. Ảnh: GagaOOLaLa.
“Chúng tôi biểu diễn bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu của mình. Không chỉ để bán niềm vui mà tôi muốn mọi người hiểu đây là một nghề thực sự”, La Kim Quyền nói.
Kim Quyền được mệnh danh là “bà hoàng lô tô”, cũng là một phụ nữ chuyển giới. Cô đã biểu diễn cùng Sài Gòn Tân Thời từ khi còn là một thiếu niên.
“Tôi hạnh phúc với cuộc sống của mình, với những gì tôi đã đạt được khi kiếm đủ tiền cho bản thân và có thể chăm sóc mẹ”, người phụ nữ 39 tuổi tâm sự trong khi đang trang điểm cho phần trình diễn sắp tới.
Thành công bước đầu vẫn là chưa đủ
Việt Nam được coi là tương đối tiến bộ trong vấn đề LGBT. Tuy nhiên, tại các trường học, thông tin sai lệch về xu hướng tính dục và bản dạng giới vẫn còn khá phổ biến.
Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền được công bố năm nay, một số trẻ em Việt Nam được cả giáo viên và phụ huynh dạy rằng đồng tính luyến ái là một bệnh tâm thần.
Vương Khả Phong, cán bộ chương trình quyền LGBT tại tổ chức phi chính phủ iSEE ở Việt Nam, cho biết việc thúc đẩy sự hiện diện của cộng đồng giới tính thứ ba có thể tác động tích cực đến sự cởi mở trong nhận thức của người dân.
Tuy nhiên, những thành công bước đầu cho đến nay vẫn là chưa đủ.
Dù xuất hiện ngày càng nhiều trên các chương trình giải trí, cộng đồng LGBT vẫn là nhóm người chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống. Ảnh: SCMP.
“Có thể đa phần công chúng sẽ xem và chấp nhận việc người chuyển giới xuất hiện trên các chương trình giải trí. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn hay được chăm sóc sức khỏe tốt hơn”, Phong nhấn mạnh sự thiệt thòi của cộng đồng LGBT trong đời sống.
“Nếu chúng ta không chịu mở lòng để nhìn nhận thì người chuyển giới sẽ luôn là người giải trí”, anh bổ sung.
Đối với Nhã Vy thì lại khác. Cô còn chịu áp lực từ gia đình và hàng xóm vì đã có con với bạn gái, điều khiến họ coi cô như một người đàn ông.
Nhưng điều quan trọng nhất với Vy là có thể trở thành người mà con trai cô kính trọng.
“Khi có ai đó nói xấu về tôi, tôi mong thằng bé sẽ không sợ sệt mà kiêu hãnh đáp trả rằng: ‘Cha tôi là người chuyển giới’. Tôi mong nó có thể bay cao bay xa với tài năng của mình”, Nhã Vy xúc động chia sẻ.
Theo Zing