Kỹ năng sống có vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi học sinh
Khái niệm và tầm ảnh hưởng của kỹ năng sống
Theo UNICEF, giáo dục dựa trên Kỹ năng sống cơ bản là sự thay đổi trong hành vi hay một sự phát triển hành vi nhằm tạo sự cân bằng giữa kiến thức, thái độ, hành vi. Ngắn gọn nhất đó là khả năng chuyển đổi kiến thức (phải làm gì) và thái độ (ta đang nghĩ gì, cảm xúc như thế nào, hay tin tưởng vào giá trị nào) thành hành động (làm gì và làm như thế nào).
Theo UNESCO, kỹ năng sống (life skills) gắn với 4 trụ cột của giáo dục. Đó là: Học để biết; Học để làm ; Học để cùng chung sống; Học để làm người.
Mối quan hệ giữa kỹ năng sống và bình đẳng giới
Như vậy, kỹ năng sống đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ về các vấn đề xã hội, trong đó có các kiến thức về giới. Đối với học sinh tiểu học ở giai đoạn từ 6 đến 12 tuổi, các em thường chưa có đủ những kiến thức xã hội để hiểu, phân tích và bảo vệ bản thân trước những tình huống không may có thể xảy ra. Đây cũng là giai đoạn các em dần hình thành những hiểu biết cá nhân về cách thế giới xung quanh vận hành, bao gồm sự tương tác xã hội giữa nam giới và nữ giới.
Bên cạnh đó, đối với học sinh THCS và THPT, các em đang trong lứa tuổi hình thành những giá trị nhân cách, thích tìm tòi, khám phá. Tuy nhiên, các em chưa được trang bị đủ kiến thức về xã hội, thiếu kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo và kích động. Do vậy, việc giáo dục giới tính và các kiến thức về giới nói chung là nội dung quan trọng để các em tự tin bước vào cuộc sống tương lai.
Định hình lại khuôn mẫu giới thông qua môi trường giáo dục
Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em sẽ đồng nhất bản thân với những nhân vật cùng giới tính với mình. Theo nghiên cứu thực hiện bởi Janice McCabe, giáo sư Xã hội học tại Đại học Bang Florida, dựa trên gần 6000 đầu sách, truyện thiếu nhi xuất bản trong giai đoạn năm 1900-2000 cho thấy nhân vật chính là nam giới chiếm 57%, nữ giới chiếm 31%.
Định kiến giới được hình thành ngay từ khi các em còn nhỏ
Báo cáo Drawing the Future năm 2017 của tổ chức Education and Employers chỉ ra rằng, nguyện vọng của trẻ em từ 7 tuổi đang được định hình bởi những định kiến giới về cơ hội công việc: bé trai sẽ theo đuổi những ngành nghề chuyên môn vốn được coi là "lãnh địa của đàn ông" như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), trong khi đó, các bé gái quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh xã hội hay những vai trò liên quan đến nuôi dưỡng và chăm sóc người khác.
Có thể thấy ngay từ bé, các em học sinh đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các định kiến giới ở môi trường xung quanh. Những định kiến này vốn được hình thành trong vô thức, ngay từ khi các em còn rất nhỏ. Chính vì vậy, sự tháo gỡ những khuôn mẫu trên là điều hết sức cấp thiết và cần có sự tham gia không chỉ của gia đình mà cả phía nhà trường.
Nhà trường đã làm gì để giúp các em tháo gỡ định kiến giới?
Đối với học sinh THCS và THPT, các hình thức tổ chức các hoạt động nâng cao kỹ năng sống hết sức đa dạng với: hoạt động các câu lạc bộ; hoạt động nhân đạo, tình nguyện; tổ chức diễn đàn, giao lưu giữa các lớp và trường học; hội thi, cuộc thi; hoạt động tham quan, dã ngoại; tổ chức diễn đàn, sự kiện; hoạt động chiến dịch.
Triển khai chuyên đề Giáo dục giới tính và phòng tránh xâm hại tình dục ở trẻ em tại Trường tiểu học, THCS và THPT Victory (Buôn Ma Thuột)
Sau hai năm (2018-2020) thử nghiệm việc giảng dạy bộ công cụ "Hướng dẫn xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học: Chương trình phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới cho học sinh THCS từ 11-14 tuổi" của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), hơn 80% học sinh nữ và 65% học sinh nam cho rằng việc học các nội dung về bình đẳng giới, giới tính, xây dựng mối quan hệ tôn trọng, bình đẳng, không bạo lực là "quan trọng" và "rất quan trọng".
Bộ công cụ (được gọi là chương trình "Connect with Respect (CWR), tạm dịch "Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng") đã được triển khai ở nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong những quốc gia được chọn để thực hiện thử nghiệm chương trình CWR tại 7 tỉnh thành gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh với 15 trường THCS. "
Hiện nay, bên cạnh những hình thức nâng cao kỹ năng sống về phía nhà trường, các dự án cộng đồng đang dần trẻ hóa để tiếp cận kịp thời với các bạn học sinh. Trong đó, dự án Nhà Nhiều Cột đã và đang nỗ lực để cung cấp thêm cho các bạn trẻ kỹ năng sống, từ đó thay đổi các định kiến về giới.
Nếu bạn quan tâm đến chủ đề bình đẳng giới, đừng quên theo dõi những hoạt động thú vị cùng các chương trình sắp tới của Nhà Nhiều Cột tại fanpage https://www.facebook.com/NhaNhieuCot/ nhé! Nhà Nhiều Cột là một dự án xã hội được khởi xướng và thực hiện bởi Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam và TUVA Communication. Chiến dịch được tài trợ bởi Investing in Women, một sáng kiến của Chính phủ Úc. |
Quế Chi
Nguồn: Tự giới thiệu