Khi Thùy Dương điện thoại hỏi xin được ở nhờ nhà tôi một thời gian cho đến khi cháu tìm được chỗ ở riêng, tôi đã rất ngỡ ngàng.
Cháu là con gái của bạn thân tôi. Khi bạn ly hôn cách đây vài năm, Thùy Dương ở với mẹ. Mẹ con chật vật một thời gian dài mới ổn định được cuộc sống. Dạo gần đây, nghe nói vợ chồng bạn quay lại với nhau, chưa kịp mừng cho bạn thì tới chuyện con bé 14 tuổi kiên quyết không chấp nhận việc cha mình quay lại.
Một lần đi học về, thấy ba ở nhà, con bé đã xách ba lô ra khỏi nhà, tuyên bố mẹ chọn sống với ba hoặc sống với con, không có cả 2.
Thùy Dương sang tá túc nhà tôi, vì tôi cũng đang là người mẹ đơn thân nuôi con gái. Qua những câu chuyện cháu kể, tôi nhận ra những đứa trẻ đã vật vã, đau đớn nhiều thế nào khi buộc phải chấp nhận thực tế mà người lớn bắt chúng phải chấp nhận.
Khi bạn tôi phát hiện chồng ngoại tình, bạn đã đau đớn, giận dữ đến mức không thể kiềm chế. Cuộc dan díu của chồng bạn với người đàn bà kia kéo theo cả tổn thất tiền bạc. Chị ta trưng ra những bằng chứng trơ trẽn, dơ bẩn để chứng minh mình mới là người nắm giữ cả tinh thần và thể xác của chồng bạn. Quá đau, quá tổn thương, bạn xả hết tất cả ra với người thân, không giấu giếm bất cứ thứ gì.
Sau phiên tòa, những câu chuyện tồi tệ về chồng vẫn được bạn tiếp tục kể, tiếp tục cập nhật cho con. Con gái bạn không nhìn mặt cha, sử dụng những từ ngữ của mẹ để gọi cha. Bạn cho đó là thành công của mình, bạn được an ủi bởi sự đồng cảm của con gái.
Nhưng rồi tất cả chuyện đó lộ ra là một trò lừa. Khi tiền bạc tiêu tán hết, bị người đàn bà kia bỏ rơi, chồng bạn hối hận, nhiều lần đến xin lỗi vợ con và muốn quay trở về. Bạn tự nhủ, thôi thì đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại.
Nhưng sâu xa hơn, bạn tâm sự thật lòng, trong những lý do chấp nhận hàn gắn với chồng cũ, có 1 lý do cả 2 đều hiểu: dù sao đó cũng là cha của con mình. Điều bạn không nghĩ tới, cũng không ngờ tới: con mình từ lâu đã không coi người đàn ông ấy là cha nữa.
Nhiều cặp vợ chồng bỏ nhau rồi vẫn quay lại được, vẫn tiếp tục được cuộc hôn nhân cũ. Sức hấp dẫn gắn bó, khả năng chia sẻ với nhau, cả sự hiểu biết về tính tình, suy nghĩ giữa vợ chồng vẫn luôn là những hạt mầm không hẳn đã chết trong suốt thời gian họ chia tay. Bên cạnh đó là những trải nghiệm, sự chấp nhận cuộc sống và khả năng tự chữa lành…
Rõ ràng nhận thức của những người lớn - cha và mẹ, khác biệt nhiều so với nhận thức non nớt của những đứa trẻ. Người lớn biết lựa ra cái gì còn lại sau đổ vỡ, biết níu vào những gì còn có thể tiếp tục được. Con trẻ thì không. Trong thế giới của trẻ, nhiều điều lung linh đẹp đẽ một khi đã vỡ, đã hư hỏng là vĩnh viễn không bao giờ hồi phục được.
Một đôi có thể tự nhủ “gương vỡ lại lành”, nhưng chuyện đó đối với một đứa trẻ là hoàn toàn vô lý, không chấp nhận được.
Một đứa trẻ có thể không bao giờ quên được cảm giác tan vỡ, không quên được những điều cha mẹ chúng đã nói về nhau. Phản ứng tự nhiên là trẻ sẽ co mình lại, tự mình tìm cách lý giải cho mình, tự mình tìm một cách cư xử nào đó khả dĩ.
Nhiều trường hợp, chúng trở thành những đứa trẻ hư hỏng, ngỗ ngược bởi mất lòng tin vào người lớn hoặc dù phải chấp nhận, thế giới bên trong trẻ cũng trở nên phức tạp, mâu thuẫn hơn. Như thể một cây xanh còn quá non nớt đã bị vặn vẹo bởi gió bão, khó có thể lớn lên thẳng thớm, hài hòa sau những biến cố ấy.
Con gái bạn tôi hỏi tôi: tại sao mẹ con không sống một mình như dì? Mẹ con không thiếu thốn tiền bạc, mẹ con có công việc, có thời gian dành cho riêng mình. Năm ngoái mẹ còn có chú Hải, mẹ nói không còn thương ba nữa. Con đã quen sống vậy rồi, giờ con không muốn có ba này nữa.
|
|
Có những đứa trẻ ngỗ nghịch sau biến cố hôn nhân của cha mẹ (ảnh minh họa) |
Lý luận của đứa bé mười mấy tuổi, đơn giản, nhưng không dễ gì bắt bẻ được. Người mẹ nào khi phải tự mình bước ra gánh vác lấy cuộc sống riêng cũng phải tỏ ra mình mạnh mẽ, mình sống được, vừa tự nhủ mình vừa tâm sự với con.
Trong thân thể non nớt của đứa bé mà bạn tôi nuôi lớn đến tuổi này, có cả sự cứng cỏi, độc lập mà bạn tôi từng đan quyện vào tâm hồn, trí óc của con, từ những ngày tháng chỉ 2 mẹ con nương vào nhau mà sống.
Hành trình của con vốn mặc định có cả cha và mẹ. Khi cha mẹ chia đôi ngả, đường ai nấy đi, với đứa trẻ, dù chọn đi cùng người này hay người kia, chọn lựa đó vẫn là một sự mất mát. Phải một thời gian sau đó, trẻ mới có thể thay đổi suy nghĩ, để nhận biết rằng mình không thể đi cùng cha, bởi cha mình đã lên một chuyến xe khác, bắt đầu một hành trình khác.
Chắc hẳn nỗi mong muốn hàn gắn cha mẹ vẫn còn trong tâm trí con một thời gian lâu sau khi đổ vỡ, nhưng rồi thực tế buộc đứa con phải thay đổi, phải chấp nhận. Để tồn tại, đứa trẻ sẽ dựa cậy vào mẹ, coi mẹ như tất cả của riêng mình. Rồi khi tưởng như vết thương liền miệng, đứa trẻ một lần nữa lại đứng trước biến cố: phải đón nhận, phải biết ơn, phải yêu quý người cha đang lù lù trở về, chiếm mất một phần của mẹ, thiết lập một trật tự mới. Với trẻ, đây là những xáo trộn cơ bản, quá lớn, quá khó sắp xếp. Sự phản kháng của con, nếu có, cũng không thể nói ra, bởi cha mẹ là những người nắm quyền quyết định trong hành trình này.
Nhận cuộc điện thoại của tôi, bạn như trút đi một gánh nặng. Bạn mừng vì con vẫn đang ở một nơi mà bạn có thể yên tâm phần nào. Bạn biết con mình cần thời gian để suy nghĩ, để làm quen và có thể chấp nhận. Bản thân bạn cũng cần thời gian để thu xếp nhà cửa, tâm trí của mình.
Giữa 2 người đàn bà, chúng tôi nói chuyện với nhau một cách chân thành: ngay cả hạnh phúc, lúc này cũng cảm thấy thật khó để xếp nó vừa vặn vào trong cuộc đời mới này mà không làm tổn thương thêm ai đó. Cha và mẹ có thể hạnh phúc, nhưng với đứa trẻ, hạnh phúc ấy phải được định dạng trở lại, theo một kiểu khác, một dạng thức dễ chấp nhận, dễ dung nạp hơn. Việc này không dễ dàng gì. Chỉ mong sao con không giấu đi những tổn thương của mình, để cha mẹ còn có thể đồng hành và bù đắp, chữa lành được cho con.
Rồi bạn nói, đây là điều mà chắc những người cha người mẹ đang vùng vẫy quẫy đạp trong cuộc ly hôn không nhận biết được. Trên chuyến tàu gia đình, một khi đã xuất bến, có những hành khách mua vé trọn đời. Hãy nghĩ tới những đứa trẻ rời khỏi hành trình ấy khi bạn muốn dừng, muốn đổi tuyến, bẻ ghi; kẻo không, bạn mãi mãi không thể đồng hành cùng con cái của mình được nữa.
Theo phụ nữ TPHCM