leftcenterrightdel
 Lời ru nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ (ảnh minh họa)

Trong một dịp hội ngộ cùng nhau bên giai điệu trầm bổng của lời ru Bắc - Trung - Nam tại hội quán Các bà mẹ giữa mùa hè năm 2024, chị Ngọc Mỹ (quận 7, TPHCM) không ngăn được nước mắt vì nhớ bà nội. Tiếng ru của nội khắc chạm vào tiềm thức trong chặng đường lớn khôn của chị như câu “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”. Rồi chị cũng hát ru em từ 6 tuổi, sau đó là ru con, ru cháu…

Cho rằng hát ru là thiên chức của người mẹ nên anh Quốc Dũng (TP Thủ Đức, TPHCM) vẫn ngại khi cất tiếng ru con. Anh thường ru khe khẽ: “Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học mẹ đi trường đời”.

Một lần, con trai 4-5 tuổi thiu thiu ngủ bỗng khều anh, hỏi: “Sao khó đi mà ba không dắt con đi, ba để cho mẹ dắt vậy ba? Lúc đó ba ở đâu? Mà trường đời là gì, trường đời ở đâu vậy ba?”.

Câu hỏi ngây ngô của con khiến ban đầu anh lúng túng nhưng anh cũng kịp tận dụng cơ hội ấy để trò chuyện và dạy con. Anh hiểu rằng lời ru không chỉ tạo giai điệu, tần số êm êm đưa con vào giấc nồng mà nội dung lời ru cũng được con chú ý, nghiền ngẫm. Anh càng mở rộng thêm những lời ru mang ý nghĩa về tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, tránh những nội dung sáo rỗng hoặc bạo lực...

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, phân viện TPHCM - cho biết trong quá trình biên soạn cuốn sách Thai giáo, chị và nhóm tác giả đã được giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê chia sẻ những kinh nghiệm tuyệt vời về thai giáo mà ngày xưa mẹ thầy đã làm với thầy và thầy đã làm với con trai mình.

Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, hát ru có giá trị lớn trong đời sống tâm lý, hình thành nhân cách của con người Việt Nam. Thực ra, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng có hát ru, nhưng khi tìm hiểu về thai giáo, viết về thai giáo, chị mới thấy hát ru có ý nghĩa rất lớn với trẻ thơ. Thật may mắn cho ai được sinh ra, lớn lên trong tiếng hát ru. Thầy Khê từng nói hát ru là bài giáo dục âm nhạc, giáo dục đạo đức, giáo dục về ngôn ngữ đầu đời cho trẻ.

“Chúng ta hãy lan tỏa hát ru và thực hiện hát ru mỗi ngày với con trong giai đoạn mang thai và trong suốt quãng đời thơ ấu của trẻ, nhất là trong 6 năm đầu đời” - tiến sĩ Phạm Thị Thúy nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Tiếng ru ban trưa đọng mãi trong ký ức trẻ thơ - Ảnh: Diệu Hiền

Nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ Thảo Vy: Tiếng ru mai một vì điện thoại giành phần... dỗ trẻ

Mỗi khi về miền Tây, tôi cố lắng nghe tiếng ru vọng lại từ những mái lá ven sông, những cánh võng đong đưa dưới hàng tre. Nhưng thời đại 4.0 này khó tìm được, ở đô thị sầm uất như TPHCM càng hiếm. Từ lâu, âm thanh từ cát xét, ti vi, điện thoại đã giành phần dỗ trẻ ngủ. Nhạc trữ tình, dân ca, nhạc thiền, tài tử cải lương, nhạc nước ngoài... và cả nhạc “giật” đã lấn sân, tiếng ru dần mai một theo thời gian. Dù chưa có con, nhưng có một thời gian khá dài dạy âm nhạc tiểu học, tôi cảm nhận giá trị của tiếng ru và cách mà các thể loại âm nhạc thấm vào hồn của trẻ như thế nào. Giáo dục trẻ bằng thể loại âm nhạc nhẹ nhàng, êm ái sẽ hình thành tính cách trẻ cũng nhẹ nhàng, ôn hòa hơn.

Tiếng ru không chỉ giúp trẻ dễ chìm sâu vào giấc ngủ mà còn giúp trẻ cảm nhận hơi ấm, tình cảm của người bồng ẵm trẻ. Nghe gia đình kể lại hồi mới chào đời, tôi khóc gần 3 tháng mới chịu nín. Cả nhà phải thay nhau vỗ về. Vì quá nhỏ nên tôi chưa biết mình có được cha mẹ, ông bà ru nhiều không. Lớn lên, tôi nghe nhạc từ nhà hàng xóm và hát theo để tự ngủ vì cha mẹ bận bịu công việc, ít khi dỗ tôi ngủ. Giờ nghĩ lại, tôi vẫn thèm được sống những ngày thơ ấu thấm đẫm tiếng ru ban trưa.

leftcenterrightdel
 

Tôi mong có nhiều hơn những chương trình liên hoan được tổ chức trong đó có âm nhạc dân tộc, dân ca 3 miền, những thể loại ngâm, hò, vè, ru... Các chương trình đào tạo ca sĩ, nghệ sĩ, cần đưa học phần hát ru vào và truyền cho người học tình yêu nồng nàn với nghệ thuật dân gian này, để tiếng ru dần hồi sinh trong từng mái nhà, trong từng giấc ngủ em thơ, ở nông thôn cũng như thành thị.

Nguyễn Thị Thanh Thuý - Hội trưởng hội quán Các bà mẹ: Tiếp nối ầu ơ

Đến thời điểm này, tiếng hát ru không còn nhiều nữa. Thật đáng quý với những người mẹ rất trẻ nhưng có tâm huyết viết tiếp những lời ru, không chỉ hát ru cho con mình mà còn cho cháu.

Tôi quan sát 2 đứa trẻ ở trong chính gia đình mình. Khi mang bầu đứa con thứ hai, tôi thường xuyên áp dụng hát ru và mát xa nhè nhẹ cho con. Tôi thấy cách thể hiện bày tỏ tình thương của đứa con thứ hai cũng khác hơn so với đứa đầu tiên. Lời ru cũng giải tỏa bớt những căng thẳng trong lúc chăm con. Tâm trạng của người mẹ sau sinh có phần xáo trộn mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Chính những lúc chăm sóc, gần gũi con, cùng với âu yếm, vuốt ve, trìu mến thì lời ru cũng là liều thuốc bổ cho cha mẹ và con.

Chúng tôi có một tập cẩm nang, trong đó có những lời ru để xem và để tập ru. Chúng tôi tổ chức những chương trình để khơi gợi lại bằng nhiều hình thức hát ru 3 miền ngày thêm sinh động hơn. Tôi nghĩ rằng đó cũng là cách để nhen nhóm, khơi lại tiếng hát ru vốn đã không còn phổ biến như những thế hệ trước.

leftcenterrightdel
 Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (đứng) tại buổi giao lưu “Hát ru như gieo hạt bình an” - Ảnh: Hướng Vân

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Hát ru không khó

Tập hát ru không có gì khó, vì bất kỳ ai trong chúng ta cũng có tuổi thơ được nghe bà hay mẹ hát ru. Tiếng ru đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Hát ru vô cùng dễ. Đơn giản đó là những lời thơ văn, những câu ca dao tục ngữ được ngân nga trong giai điệu dịu êm, tiết tấu chậm rãi. Thời công nghệ, chúng ta lại dễ dàng có những bài hát ru trên mạng do những ca sĩ thu âm sẵn để chúng ta học theo. Còn có những lời hát ru của các thế hệ tích lũy lại và được đưa lên các phương tiện truyền thông, thậm chí chúng ta còn có thể tham khảo cách hát ru của các nước trên thế giới.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng dù tiếng ru có vẻ ít đi ở thời hiện đại nhưng sẽ mãi mãi được lưu truyền - Ảnh: Quỳnh Ngọc

Học hát ru không có gì khó, chỉ cần chúng ta muốn là sẽ làm được. Lưu ý rằng dù có học hát ru như thế nào, qua phương tiện nào, qua kênh nào thì bạn nhớ chính tiếng hát của bạn, từ trái tim bạn, từ ngôn ngữ của bạn đưa đến trẻ mới là quan trọng nhất. Tôi không khuyến khích cha mẹ mua đĩa hát ru sẵn hay mở những video trên mạng cho con nghe. Tôi mong chính chúng ta sẽ học hát ru, hãy hát ru bằng sự mộc mạc, chân thành. Đấy mới là bài giáo dục tuyệt vời nhất về nhân cách, về tình cảm cho con trẻ.

Theo phụ nữ TPHCM