“À… ơi…

Mẹ thương con qua cầu Ái Tử
Vợ trông chồng lên núi Vọng Phu
Một mai bóng xế trăng lu
Con ve kêu mùa hạ, biết mấy thu gặp chàng
À… ơi…”.

Tiếng ru ấy là của bà nội dành cho con của em trai tôi, cất lên giữa trưa hè. Nghe tiếng ru, tôi nhớ đến những năm tháng tôi và em lớn lên trong vòng tay của bà, vì ba mẹ vào Nam lập nghiệp.

leftcenterrightdel
 Bà nội tác giả trong một lần đi xem biểu diễn văn nghệ cùng con cháu ở UBND xã - Ảnh do nhân vật cung cấp
Bà không chỉ nâng niu, chăm chút, dạy chúng tôi những điều hay, lẽ phải mà còn cưng chiều, chở che. Những khi tôi buồn, khóc, bà luôn dỗ dành kề bên. Có lẽ bà muốn lấp đầy trái tim tôi bằng một tình yêu bao la, bù đi phần nào nỗi buồn khi không có mẹ bên cạnh.

Tôi nhớ, hồi ấy, tối nào đến bữa cơm, trong tiếng gió thổi vi vu, bà cũng kể cho chị em tôi nghe những câu chuyện ngày bà còn bé. Bà kể: “Ngày xưa, áo quần không đa dạng, màu sắc như bây giờ. Lũ con nít luôn mang mấy bộ đồ trắng xô được nhuộm màu vàng của củ nghệ. Còn người lớn thì đi lên rừng đào rễ cây sim mang về đập dập, nhuộm áo quần thành màu nâu”. Những câu chuyện tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng chị em tôi nghe rất say mê, hào hứng; đến đoạn hay, 3 bà cháu cùng cười vui vẻ.

Rồi những đêm trăng sáng, bà cháu nằm võng dưới những tán cây nhãn, cây khế, cùng đếm sao và mong ước những điều tốt đẹp trong tương lai. Chị em tôi mỗi đứa nằm 1 bên, được bà nhẹ nhàng xoa đầu. Đôi bàn tay bà nhăn nheo, ram ráp nhưng lại êm dịu đến kỳ lạ. Bà hát ru chị em tôi:

“Ru em, em théc cho muồi
Để mẹ đi chợ, mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh”.

Dù bận rộn tối ngày, bà vẫn có thể nhớ hàng chục, hàng trăm câu ca dao. Mỗi lời hát ru, mỗi câu tục ngữ chứa đựng nhiều ý nghĩa, thấm đẫm trong tâm trí chúng tôi.

Những ngày bên bà, với chúng tôi, đều là những ngày hạnh phúc. Những món ăn bà nấu, không đậm đà gia vị, không nhiều thịt cá, nhưng tôi yêu cái sự ngọt ngào, yêu thương bà gửi gắm trong từng món ăn. Chắc cũng nhờ vậy mà trông tôi mập mạp, đáng yêu. Tôi thích nhất món cháo bánh canh của bà.

Khi xa nhà học đại học, tôi đều trông chờ cuối tuần, cuối tháng được về nhâm nhi tô bánh canh bà nấu. Mỗi lần như vậy bà lại nhìn tôi, cười thật lâu. Bà ơi, cháu chỉ mong bà luôn vui khỏe, để mỗi lần trở về gặp bà, cháu lại như thấy cả một bầu trời tuổi thơ.

Theo phụ nữ TPHCM