Doanh số bán hàng của “Đèn làm bài tập thông minh” tăng đột biến kể từ khi công ty công nghệ ByteDance trình làng với mức giá 120 USD/cái hồi tháng 10/2020.
Chỉ trong tháng đầu tiên ra mắt, các bậc phụ huynh Trung Quốc đã mua 100.000 chiếc đèn, theo Wall Street Journal.
Độ nổi tiếng của chiếc đèn thông minh này không chỉ thúc đẩy công ty tăng cường tiếp thị, hay khiến cho các đối thủ của họ tung ra các phiên bản tương tự, mà còn “kiểm tra” mức độ chấp nhận của người dân Trung Quốc đối với camera theo dõi.
Tuy nhiên, không ít người phản đối sự tồn tại của chiếc đèn học thông minh này.
Đèn học thông minh cung cấp chức năng giám sát con cái từ xa cho phụ huynh. Ảnh: ByteDance.
Tiện ích giám sát trẻ học bài từ xa
“Đèn làm bài tập thông minh” được trang bị 2 camera tích hợp, bao gồm một cái quay về phía trẻ, cái còn lại quan sát từ trên cao, cho phép cha mẹ giám sát con mình từ xa trong lúc chúng học bài.
Thân đèn có một màn hình điện tử có kích cỡ bằng chiếc smartphone, được cài đặt ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hướng dẫn trẻ giải quyết các bài toán hoặc giải nghĩa từ vựng khó.
Ngoài ra, phụ huynh có thể thuê một người để “giám sát kỹ thuật số” con cái mình khi chúng làm bài tập.
Bên cạnh phiên bản thường, công ty sớm tung ra phiên bản nâng cấp trị giá 170 USD với tính năng gửi cảnh báo và hình ảnh thẳng tới điện thoại cha mẹ nếu con họ lười biếng, chểnh mảng học hành.
Không lâu sau khi xuất hiện, phiên bản đèn học nâng cấp đã cháy hàng trên mọi nền tảng thương mại điện tử ở xứ tỷ dân hồi đầu tháng 6.
Trẻ em Trung Quốc chịu áp lực học hành nặng nề. Ảnh: Getty Images.
Ni Ying (36 tuổi, Thượng Hải) đã bỏ tiền mua “Đèn làm bài tập thông minh” phiên bản thường vào tháng 3.
Thậm chí, cô trả thêm 350 USD để thuê 3 giáo viên giám sát từ xa trong suốt 3 tháng. Họ có nhiệm vụ quản thúc 2 tiếng làm bài tập của con gái vào mỗi buổi chiều.
“Tôi thấy dịch vụ này đem lại hiệu quả tốt. Con gái tôi sớm hoàn thành bài tập về nhà. Nếu nó cần trợ giúp, các giáo viên sẽ có mặt để giúp đỡ”, cô chia sẻ với Wall Street Journal.
Ni cho biết cô cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi không phải liên tục để mắt tới việc làm bài tập của cô con gái 10 tuổi.
“Tôi bớt nổi khùng về vấn đề bài tập về nhà của con bé. Nói cách khác, mối quan hệ giữa hai mẹ con được cải thiện hơn nhờ chiếc đèn thông minh”, cô nói.
Coi nhẹ quyền riêng tư của con cái
Wu Tong, một bà mẹ 30 tuổi ở thành phố Nam Kinh, đã mua chiếc đèn học thông minh này cho con gái 3 tuổi.
Cô cho biết các bậc phụ huynh Trung Quốc luôn chịu áp lực xã hội rất lớn về việc học của con. Giờ đây, với kinh tế khấm khá hơn, họ có nhiều khả năng chi tiêu cho con cái hơn.
“Các phụ huynh châu Á thường coi nhẹ về việc giám sát con cái. Thậm chí, họ coi việc đó là một hành động tốt”, Sunsun Lim, giáo sư tại Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore, cho biết.
Thành công của sản phẩm đèn thông minh cho thấy sự cởi mở của công chúng Trung Quốc đối với các sản phẩm công nghệ, nhất là khi sự giám sát ngày càng xâm nhập sâu vào đời sống nước này.
Trong những năm gần đây, các trường học Trung Quốc đã thử nghiệm vòng đeo tay theo dõi hoạt động sóng não và mức độ tập trung của trẻ em. Đồng phục học sinh cũng trang bị khả năng theo dõi vị trí. Robot mẫu giáo dùng để điểm danh, giảng dạy và phân tích hành vi học sinh.
“Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến một sản phẩm giám sát liên quan đến giáo dục được đưa vào tận nhà riêng của trẻ em Trung Quốc”, Ted Chen, một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ giáo dục ở Bắc Kinh, nói về chiếc “đèn làm bài tập thông minh”.
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy ngày càng nhiều người dân Trung Quốc nhận thức rõ về quyền riêng tư.
Tháng 3, một số tính năng trên chiếc đèn học thông minh đã vấp phải làn sóng phản đối trên mạng xã hội xứ tỷ dân.
Một tài khoản cho biết màn hình điện tử gắn trên đèn cho phép trẻ em tự đăng video của mình lên Internet. Người khác phàn nàn rằng sản phẩm này hiển thị thông tin tài khoản và video của những đứa trẻ khác, thường là người khác giới, làm bạn học trực tuyến.
Quyền riêng tư của trẻ em cũng cần được bố mẹ tôn trọng. Ảnh: Yinghao.
Một số hãng truyền thông Trung Quốc và các bậc phụ huynh cũng chỉ trích ý tưởng đặt màn hình cảm ứng trước mặt trẻ em trong lúc học bài, đồng thời cảnh báo rằng loại đèn thông minh này sẽ khiến con nhỏ quen với việc tìm kiếm đáp án bài tập dễ dàng từ Internet.
Sun Chang, một công chức 41 tuổi ở Thượng Hải, đã nghe các bậc cha mẹ khác thảo luận về việc mua “đèn làm bài tập thông minh”. Người mẹ có con trai đang học lớp 5 cho biết cô không thích ý tưởng xâm phạm quyền riêng tư của con, hoặc khuyến khích con phụ thuộc vào công nghệ.
“Trẻ em cũng có quyền riêng tư và đó không phải thứ mà cha mẹ có thể tước đoạt”, cô nói.
Theo Zing