Trong khoảng hơn một thập kỷ xây dựng Facebook, Zuckerberg nhiều lần thể hiện quan điểm ông không quan tâm đến chính trị và tuyên bố sẽ để chuyện chính trị cho người khác lo. Tuy nhiên, theo WSJ, giờ đây mọi chuyện đã khác.

Mark Zuckerberg hiện trở thành một nhân vật hoạt động chính trị tích cực. Ông ăn tối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thường xuyên nói chuyện với tư vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner, vận động hành lang nhằm một số công ty đối thủ như Apple.

Zuckerberg bằng cách nào đó đã thuyết phục được một số quan chức Mỹ rằng Apple đang chưa chịu nhiều sự giám sát như nền tảng mạng xã hội của ông mặc dù nhà sản xuất iPhone sở hữu một hệ điều hành được "một tỷ lệ lớn người Mỹ sử dụng".

Việc Zuckerberg củng cố mối quan hệ với các chính trị gia giúp đảm bảo vị thế thống trị của Facebook. Ảnh: AP.

Apple trước đó cũng trở thành mục tiêu của một số cuộc điều tra, như chiến lược "sao chép - thâu tóm - tiêu diệt" các đối thủ nhỏ, quản lý quá mức các ứng dụng và quyền lực gần như độc quyền của họ đối với App Store.

Tuy nhiên, Tim Cook, CEO Apple chủ yếu vẫn được điều trần theo nhóm cùng các công ty công nghệ khác như Facebook, Amazon và Google. Ngày 16/10, Bill Gates cũng nêu quan điểm rằng các công ty công nghệ nên được tách ra để điều trần riêng, giống cách chính phủ Mỹ từng làm với Microsoft những năm 90, để có thể tập trung vào những vấn đề cụ thể.

Zuckerberg được cho là đã hội đàm riêng với cố vấn cấp cao của Nhà trắng Jared Kushner và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin về TikTok và sự hiện diện của ứng dụng này tại Mỹ. WSJ cũng đề cập tới các cuộc trao đổi của Zuckerberg với Kushner qua WhatsApp liên quan tới những biện pháp để làm cho mạng xã hội này "có vẻ" trở nên phi đảng phái nhất có thể. Hành động này bao gồm hạn chế số lượng những quảng cáo chính trị có mặt trên Facebook trước thềm bầu cử và nỗ lực hạn chế tác động của thông tin sai lệch chính trị.

Cả Zuckerberg và CEO Twitter Jack Dorsey sẽ tham gia phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại Mỹ vào ngày 28/10.

Theo vnexpress