leftcenterrightdel
 Đức Sinh đam mê vẽ mọi thứ em thích

Phát hiện ra tài năng thiên bẩm về hội họa của con trai, vợ chồng anh Trần Thế Phục (42 tuổi) và chị Lê Thị Ngọc Quyên (40 tuổi, ở Nha Trang, Khánh Hòa) đã bắt đầu một hành trình du mục để nuôi dưỡng đam mê của con.
Nhờ vậy, cậu bé Trần Đức Sinh mới 10 tuổi đã sáng tác chuyên nghiệp.

Anh Phục chia sẻ: “Năm 2017, Đức Sinh mới biết đi. Con chơi tại xưởng nghệ thuật Hai Ve Chai của gia đình và đã biết dùng rất khéo léo những vật dụng như dao, kéo, kìm, búa… Lên 4 tuổi, con đã sử dụng bút chì để vẽ những thứ con thích”.

Có mẹ là họa sĩ đa chất liệu, năng khiếu nghệ thuật của Sinh được nuôi dưỡng và khuyến khích một cách khéo léo, bài bản. Thay vì mua đồ chơi, chị Quyên tự chuẩn bị nguyên vật liệu, dụng cụ để con sáng tạo đồ chơi cho mình. Chị chú ý đến việc rèn luyện kỹ năng và nuôi dưỡng cảm xúc nghệ thuật cho con. Mỗi khi đi đâu, Sinh thường xuyên mang theo quyển sổ cùng cây bút chì để được thỏa sức vẽ. Với sự hướng dẫn kiên trì, tận tâm của cha mẹ, khi 7 tuổi, tài năng hội họa của Sinh đã bộc lộ khá rõ nét. Những bức tranh của cậu chỉn chu về đường nét, bố cục, màu sắc và biểu đạt rõ ràng ý tưởng.

Để con được sống trọn vẹn với đam mê, đầu năm 2022, gia đình anh chị Phục - Quyên quyết định bắt đầu hành trình du mục mang tên “Tuổi thơ trong veo”.

Gần 2 năm, gia đình anh chị đã đến Bảo Lộc, Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu, Nha Trang và các tỉnh miền Tây… Mỗi điểm đến, gia đình sẽ ở lại vài tuần hay vài tháng để các con có cơ hội khám phá cảm xúc với nơi đó. Mỗi ngày, các thành viên đều ngồi cùng nhau ăn cơm, cùng nhau chơi bóng bàn, bơi lội, đạp xe… và nghệ thuật là hoạt động chính xuyên suốt.

Con gái Quyên Anh (7 tuổi) của anh chị có năng khiếu về hình thể: nhảy múa, yoga. Quyên Anh còn có khả năng giao tiếp rất tốt. “Con tiếp cận ngôn ngữ rất nhanh, có thể biểu diễn dễ dàng những điều mình suy nghĩ” - anh Phục nói về con gái.

2 bạn nhỏ được học tất cả kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Như một buổi đi chợ cùng mẹ có thể giúp con học cách lựa chọn thực phẩm tươi ngon, bài toán về khối lượng, bán hàng, trao đổi tiền bạc…

Việc học dựa vào quy trình: nghệ thuật - ngôn ngữ mẹ đẻ - ngoại ngữ. Các bạn sẽ tự vẽ, thiết kế và trình bày tác phẩm. Ví dụ, với chữ M trong từ “monkey” (con khỉ), các con sẽ được học qua 1 bức tranh dễ thương và bài thơ về con khỉ: “Ngồi yên là chuyện bất thường/ Trèo cây sang nhánh là đường em đi/ Không bao giờ có nghĩ suy/ Cần thì em hái, không thì em chôm”…

“Cả nhà học cùng nhau. Con vẽ tranh, ba mẹ làm thơ hoặc ngược lại. Chúng tôi kể những câu chuyện về các chữ cái, những sự vật xuất hiện trong cuộc sống. Nhờ vậy mà các con học rất hào hứng, tiếp thu rất nhanh” - anh Phục chia sẻ.

Gia đình anh Phục, chị Quyên trên hành trình “Tuổi thơ trong veo”
Gia đình anh Phục, chị Quyên trên hành trình “Tuổi thơ trong veo”

Sống trong môi trường thiên nhiên và nghệ thuật, nên 6 năm trôi qua, Đức Sinh coi hội họa là cách con sống. Động lực và cảm hứng sáng tạo luôn dồi dào trong tâm hồn cậu bé. Những hình ảnh bình dị của đời sống, một cách rất tự nhiên, chảy tràn vào tác phẩm của cậu bé, trở nên tươi mới, sống động.

Các chất liệu để sáng tạo của Đức Sinh từ giấy, giấy lụa, cát, phấn tiến đến đất sét, bìa các tông. Bộ sưu tập tranh minh họa bằng màu nước của Sinh khi đăng trên một trang web đã đạt 1.500 lượt thích. Những bức tranh lụa kimsa trên nền gỗ trong bộ sưu tập Animal 2 của cậu bé cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Sự thành công bước đầu của các con đã cổ vũ gia đình anh Phục, chị Quyên tiếp tục tin tưởng vào con đường mình đã chọn. Mỗi nơi dừng chân, gia đình anh chị lại tổ chức các buổi work shop. Anh chị hướng dẫn nhiều cha mẹ kết nối cùng con thông qua nghệ thuật, nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu, cái đẹp cho con, tạo động lực nhằm nuôi dưỡng tài năng cho con.

Ngoài ra, lớp học “365 ngày vẽ” được mở online lúc 19g hằng ngày với mẹ Quyên làm cô giáo, con trai Đức Sinh làm trợ giảng đang truyền cảm hứng hội họa cho các bạn nhỏ.

Những nghiên cứu chuyên sâu và trải nghiệm thực tế trên 2 đứa con giúp anh Phục, chị Quyên nhận ra bất kỳ đứa trẻ nào cũng có một nội lực đặc biệt.

Anh Phục chia sẻ: “Giai đoạn từ 0-7 tuổi là giai đoạn tìm ra nội lực cho trẻ. 7-10 tuổi là giai đoạn nuôi dưỡng tài năng. Sau 10 tuổi là thời điểm trẻ nên được sống trọn với đam mê của mình. Chúng tôi tin rằng chỉ cần cha mẹ dành thời gian và biết cách khơi gợi thì sẽ tìm ra, giúp con phát huy tối đa tiềm năng”. 

Nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của anh Phục, chị Quyên mà rất nhiều gia đình khác tin tưởng hơn vào lựa chọn học tập thông qua tự nhiên, tôn trọng khả năng riêng của mỗi đứa trẻ. Nhưng anh Phục cho rằng, việc gì liên quan đến con cái cũng nên có sự cẩn trọng trong việc quan sát, tích lũy, tạo môi trường.

“Không phải gia đình nào cũng giống nhau và mỗi đứa trẻ đều là một cá nhân đặc biệt. Hãy lựa chọn những điều phù hợp nhất với gia đình, để có những cách khích lệ, tạo động lực cho con sống trong đam mê” - anh Phục khuyên.

Cuối cùng, điểm đặc biệt nhất có lẽ là sự đồng điệu giữa vợ chồng anh Phục, chị Quyên trong những quan điểm về dạy con. Chính tình yêu, sự sáng tạo của cha mẹ đã chắp cánh cho ước mơ, hạnh phúc của các con được vươn xa. 

Theo phụ nữ TPHCM