Cung điện và Bảo tàng Beirut’s Sursock bị hư hại nặng nề sau vụ nổ
Tổng giám đốc phụ trách cổ vật tại Bộ Văn hóa Lebanon, ông Sarkis Khoury cho biết ít nhất 8.000 tòa nhà, chủ yếu tập trung ở các khu lịch sử của Gemayzeh và Mar Mikhael, đã bị ảnh hưởng. Khoảng 60 tòa nhà trong số 640 di tích lịch sử này có nguy cơ sụp đổ.
Khu phố phía Đông Achrafieh của Beirut, nơi có Bảo tàng Sursock nổi tiếng cũng bị ảnh hưởng. Các khu vực lân cận khác là nơi có Bảo tàng Quốc gia và Bảo tàng Khảo cổ học của Đại học Beirut của Mỹ cũng bị hư hại, UNESCO cho biết. Các cấu trúc bị hư hại khác bao gồm các phòng trưng bày nghệ thuật và địa điểm tôn giáo.
Ernesto Ottone Ramirez, trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về văn hóa cho biết: “Cộng đồng quốc tế đã gửi thông điệp ủng hộ mạnh mẽ tới Lebanon sau thảm kịch này. UNESCO cam kết sẽ có những phản hồi tích cực trong lĩnh vực văn hóa, vốn là một phần quan trọng của các nỗ lực tái thiết và phục hồi di sản văn hóa”.
Một căn phòng trong Cung điện Sursock bị hư hại
Từ nhiều năm nay, người ta đã lo ngại về việc các tòa nhà có ý nghĩa lịch sử với sự phát triển của Lebanon nói riêng và nhân loại nói chung sẽ bị bán đi, sau đó bị phá bỏ để thay thế bằng các tòa nhà cao tầng. Gần đây có báo cáo rằng những người trung gian đã liên hệ với chủ sở hữu các tòa nhà lịch sử bị hư hại và đưa ra giá cao để mua lại tài sản của họ.
Hôm thứ Tư vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Lebanon, ông Ghazi Wazni, đã ban hành một sắc lệnh ngăn chặn việc mua bán bất kỳ tòa nhà lịch sử nào khi không được Bộ Văn hóa cho phép.
Cung điện Sursock 150 năm tuổi hư hại nặng nề sau vụ nổ
Bộ trưởng Văn hóa Lebanon, ông Abbas Murtada cho biết, bộ của ông đang làm việc để ngăn chặn việc khai thác các tòa nhà này từ các doanh nhân, đồng thời lên kế hoạch cải tạo chúng. Ông cũng ước tính việc trùng tu các tòa nhà lịch sử bị hư hại có thể tốn khoảng 300 triệu USD.
Ngày 4/8, 2.750 tấn amoni nitrat được lưu trữ tại cảng của Beirut đã nổ tung, xóa sổ trung tâm thương mại chính của thành phố và làm hư hại nhiều vùng rộng lớn của thủ đô Lebanon. Vụ nổ, có sức hủy diệt lớn nhất trong lịch sử của đất nước này, khiến hơn 170 người chết, hơn 6.000 người bị thương và gây ra thiệt hại ước tính từ 10 tỷ - 15 tỷ USD, với gần 300.000 người mất nhà cửa
Trong một đánh giá sơ bộ, Ngân hàng Thế giới cho biết ngoài việc phá hủy cảng, khoảng 50.000 đơn vị dân cư bị hư hại và 80% các tòa nhà dân cư, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng bởi vụ nổ.
Thảm họa vừa qua ở Beirut xảy ra trong bối cảnh dân chúng đang nổi giận với vấn đề tham nhũng, quản lý yếu kém và bất ổn chính trị, điều này khiến cơn thịnh nộ của dân chúng đối với các nhà lãnh đạo của Lebanon dâng cao hơn khi đất nước này đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính chưa từng có, cộng thêm những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Theo phunuonline