Rất nhiều người đến tham gia ngày hội "tìm bạn trăm năm" (Ảnh Sohu)
Ngày 16/ 4, tại công viên Trường An của thành phố Thạch Gia Trang, nhiều người đeo khẩu trang, trên tay cầm điện thoại và “sơ yếu lý lịch” đến ngày hội “tìm bạn trăm năm”.
“Sơ yếu lý lịch” được đặt (dán) khắp nơi trong công viên: trên tường, trên lan can, trên cây... “Sơ yếu lý lịch” được viết ngắn gọn một số thông tin như tên tuổi, chiều cao cân nặng, giới tính, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tài sản hiện có, thu nhập hàng tháng, hộ khẩu...
"Sơ yếu lý lịch" được đặt ở khắp nơi (Ảnh Sohu)
Những cuộc chuyện trò làm quen, những lời giới thiệu khiến khung cảnh diễn ra rất nhộn nhịp. Điều đáng nói là người trẻ đến ngày hội “tìm bạn trăm năm” không nhiều, chủ yếu là những người đơn thân tuổi trung niên hoặc các bậc cha mẹ đến thay con tìm bạn đời.
Điều mà mọi người đều quan tâm ở ngày hội này chính là “sơ yếu lý lịch”. Bởi thế, “sơ yếu lý lịch” tuy được viết ngắn gọn nhưng có đủ thông tin cần thiết. Ngoài việc giới thiệu bản thân, bản “sơ yếu lý lịch” cũng đưa ra tiêu chí lựa chọn khá rõ về “đối tượng”.
Một trong những tờ "sơ yếu lý lịch" được đặt ở công viên Trường An với thông tin cơ bản như: Giới tính nữ, chưa kết hôn, sinh năm 1989, cao 160cm, nặng 46kg, đang học thạc sĩ, nhân viên công vụ, sống ở Thạch Gia Trang, có bố mẹ và em trai. Cần tìm bạn đời tuổi tương đương (có thể hơn 5 tuổi hoặc kém 3 tuổi), cao 170cm, tốt nghiệp địa học trở lên, có công việc ổn định, có nhà, có tính trách nhiệm, tính cách và phẩm chất tốt... (Ảnh Sohu)
Nhìn lướt qua các bản sơ yếu lý lịch, có thể thấy không ít những người ưu tú từ mọi tầng lớp: người trở về nước ngoài, bác sĩ, giám đốc điều hành công ty nước ngoài, ông chủ doanh nghiệp tư nhân, nhà hoạch định quảng cáo, kiến trúc sư, tiếp viên hàng không.
Một trong những tờ "sơ yếu lý lịch" được đặt ở công viên Trường An, thông tin cơ bản: Nam, sinh năm 1980, học vị tiến sĩ, cao 184cm, là con một, cần tìm bạn nữ cao 162cm... (Ảnh Sohu)
Nhiều người sống và làm việc ở Bắc Kinh, Thượng Hải hoặc nước ngoài, và cũng thử vận may ở đây. Những người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ cũng xuất hiện trên tờ khai lý lịch.
Người nước ngoài khá tò mò về những ngày hội tương tự như thế này ở Trung Quốc nói chung và ở thành phố Thạch Gia Trang nói riêng. Tuy nhiên, người Trung Quốc đã khá quen với điều này.
Thứ nhất, bởi đây là tập tục lâu đời của họ. Thời xưa, việc mai mối thông qua trung gian đã trở thành truyền thống trong phong tục cưới xin của người Trung Quốc.
Thứ hai, sự chênh lệch quá lớn về tỉ lệ nam nữ và phạm vi môi trường làm việc tách biệt nam nữ đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tìm bạn đời của các bạn trẻ. Xã hội công nghiệp khiến họ trở nên quá bận rộn với công việc và có ít cơ hội gặp gỡ người khác giới.
Nhiều người trẻ ở Trung Quốc cho biết, họ không chỉ chịu áp lực từ mong muốn làm giàu của bản thân mà còn chịu nhiều áp lực từ phía gia đình khi đến tuổi kết hôn. Vì thế, ngày càng nhiều người tìm bạn đời qua các trang mạng “mai mối” hoặc bố mẹ họ sẽ đến các ngày hội “tìm bạn trăm năm” để chọn “ý trung nhân” cho con mình.
Ngoài thành phố Thạch Gia Trang thì Thiên Tân, Nghi Xương cũng là những nơi nổi tiếng với ngày hội mai mối này. Bởi thế, đến hẹn lại lên, những ngày tháng tư này ở công viên Trường An lại đông đúc khác thường, mặc cho tình hình dịch bệnh ở đây vẫn chưa thực sự chấm dứt.
Công viên Trường An vào ngày hội "tìm bạn trăm năm" (Ảnh Sohu)
Trong công viên Trường An, khoảng 500 người đến dự chủ yếu là các bậc phụ huynh. Mỗi người đều cầm trên tay tờ “sơ yếu lý lịch” và đi một vòng đọc hết thông tin giới thiệu từ các “đối tượng” khác.
Các bậc phụ huynh đang "chọn lọc" thông tin từ những tờ "sơ yếu lý lịch" (Ảnh Sohu)
Một phụ huynh đang lưu lại thông tin (Ảnh Sohu)
Nếu tìm thấy “sơ yếu lý lịch” phù hợp, họ sẽ dùng giấy bút ghi lại, dùng điện thoại chụp thông tin hoặc gọi điện cho “bên kia”. Nếu bố mẹ cả hai bên đều đang có mặt (hoặc đang dẫn con đi cùng mình) thì họ sẽ tìm một nơi vắng người để trò chuyện kỹ càng hơn.
"Hai bên" trao đổi số điện thoại để thuận tiện cho việc tìm hiểu về sau (Ảnh Sohu)
Tình trạng bố mẹ tìm vợ (chồng) cho con khá phổ biến và cấp thiết ở Trung Quốc. Vì thế, ngay cả trong thời kỳ dịch bệnh, những bậc cha mẹ này vẫn bảo hộ cẩn thận đến ngày hội “tìm bạn trăm năm” cho con sau chuỗi ngày nóng lòng chờ đợi.
Theo phunuonline