'Sống như tia nắng mặt trời' - sáng tác mới của Đình Bảo đang được lan tỏa mạnh trên mạng xã hội
Không phải ngẫu nhiên mà giữa đại dịch, âm nhạc vang lên từ khắp mọi nơi, khi là thánh đường ở Milan (Ý) hay trên những ban công của khu phố bị phong tỏa ở Pháp, Tây Ban Nha...; lúc trên cây cầu ở trung tâm Los Angeles (Mỹ)..., hay tại các bệnh viện điều trị Covid-19 ở TP.HCM hoặc trên ban công của một chung cư ở TP.Thủ Đức...
Theo nhạc sĩ Phạm Hải Âu, âm nhạc mang tính trị liệu hay chữa lành đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ lâu. “Âm nhạc có khả năng tác động đến thần kinh và giúp sản sinh những tế bào tốt. Âm nhạc còn tạo những phản ứng giúp ta nhớ về một thời điểm, một khoảng ký ức trong quá khứ, đôi khi hiệu ứng ký ức từ âm nhạc mang lại còn mạnh hơn từ hình ảnh hay những câu chuyện... Và ai cũng biết, mỗi khi buồn hay vui, một bài hát hợp tâm trạng, hợp cảm xúc làm ta thổn thức hay phấn khởi hơn rất nhiều. Khi chìm đắm vào âm nhạc, ta cũng dễ quên đi những căng thẳng, khó khăn ngoài cuộc sống...”, anh nói.
Hãy là nhân tố thúc đẩy niềm lạc quan
Là người vừa sáng tác 3 ca khúc chỉ trong vòng một tháng tham gia làm tình nguyện viên chống dịch: Việt Nam stay strong, Tình nguyện viên, Việt Nam đứng lên, ca sĩ Lê Minh (nhóm MTV) cho rằng âm nhạc trong thời bình và thời chiến (cuộc chiến chống đại dịch Covid-19) luôn có sự khác biệt về nội dung và hình thức. Thường những tác phẩm “thời chiến” sẽ có độ thực tế rất cao cũng như mang tính cộng đồng, khí chất mạnh mẽ, chính vì vậy sự lan tỏa sẽ rất lớn. Người sáng tác cần thẩm thấu được tất cả những gì đang diễn ra xung quanh, chắt lọc, chiêm nghiệm để có thể hoàn thành tác phẩm của mình như mong muốn. Vì thế theo anh, vai trò của người viết ca khúc trong thời điểm cả nước chống dịch này rất quan trọng, bởi họ góp phần lớn trong việc xoa dịu, chữa lành, hàn gắn những vết thương tinh thần.
Bài hát Chỉ tình thương ở lại do nhạc sĩ Hồ Tiến Đạt (được yêu thích với Xin lỗi, Nhắm mắt thấy mùa hè...) viết từ ý thơ của thầy Minh Niệm
Theo Lê Minh, các ca khúc khích lệ tinh thần người nghe không chỉ cần thiết trong mà cả sau đại dịch. “Sau dịch, cuộc sống sẽ lại bình thường, đường phố tấp nập, hàng quán lên đèn, mọi người được trở về với công việc... Đó là điều tất cả đều mong đợi. Nhưng sâu thẳm trong mỗi chúng ta, vẫn còn đó những lo âu, suy nghĩ về tương lai, khi dịch bệnh này đã lấy đi quá nhiều rồi; vậy nên cần lắm những sáng tác để khích lệ tinh thần người nghe, thay vì những dòng nhạc tâm sự ỉ ôi vì mất người yêu hay bị phụ tình. Điều này phụ thuộc rất lớn vào những người viết trẻ, các bạn nắm giữ bánh lái con tàu nhạc Việt. Với năng lượng, kiến thức trẻ trung tươi mới, hãy cùng thay đổi vì cộng đồng, hãy là một nhân tố thúc đẩy những điều tích cực, sự phấn khởi, yêu đời, chứ không chỉ là bi lụy, buồn bã...”.
Âm nhạc của tình yêu thương rộng lớn
Nhạc sĩ Hoài An cho rằng thời gian giãn cách dài và nhiều đợt làm thay đổi từng người, gia đình và xã hội; mục đích của cuộc sống sẽ được điều chỉnh tùy mỗi người, khi nhận ra được ai, điều gì là quan trọng với mình. “Ở góc độ người viết, ghi nhận lại cảm xúc của mình cũng như xã hội để gửi gắm những thông điệp là tất yếu. Trong thời gian vừa qua, cũng đã có nhiều tác phẩm ra đời và đều có góc nhìn riêng. Những tác phẩm sắp tới từ nhiều thế hệ nhạc sĩ chắc chắn sẽ phong phú hơn về đề tài”, anh nhìn nhận.
Nhận xét này có lẽ đúng với nhiều nhạc sĩ đã trực tiếp chứng kiến, trải nghiệm những biến động to lớn của cuộc sống trong đại dịch. Nhạc sĩ Phạm Hải Âu cho biết: “Những ca khúc trong dự án đang thực hiện sẽ khác nhiều so với Phạm Hải Âu trước đây mà các bạn biết qua Vệt nắng, Tìm một người như thế, Vì em nhớ anh... Không còn là những sáng tác nhẹ nhàng, lãng mạn nữa mà thay vào đó mang tính tự sự hơn, lý tưởng hơn và phần sản xuất cũng công phu hơn”. Hay những album sắp tới của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, như anh chia sẻ, sẽ mang tinh thần âm nhạc của không gian rộng lớn, tình yêu rộng lớn và mang thiên nhiên đến gần với mọi người hơn.
Võ Thiện Thanh cho rằng khi đứng trước lằn ranh sinh tử, con người sẽ tỉnh ngộ nhanh nhất, và sẽ biết được những giá trị đích thực của cuộc sống. “Khi bạn thật sự khốn đốn, bạn sẽ nhận ra chỉ có tình yêu giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên mới có thể vỗ về, xoa dịu và chữa lành cả tâm hồn và thể xác cho bạn. Tôi nghĩ với giới nghệ sĩ sáng tác, sự tìm kiếm và quay về với âm nhạc của tình yêu thương rộng lớn xuất phát từ thiên nhiên, trước tiên là nhu cầu tự chữa lành cho tâm hồn họ. Sau những tháng ngày thật mệt mỏi của đại dịch, họ biết phải làm gì cho bản thân và lan tỏa năng lượng ấy cho cộng đồng”, anh chia sẻ.
Theo thanhnien