Vun Liem hiện đang là sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử K62
Từ bỏ ngôi trường kỹ thuật hàng đầu của Campuchia để tới Việt Nam
Vun Liem (sinh năm 1997) bắt đầu sang Việt Nam từ tháng 9/2016. Chưa từng học tiếng Việt, nhưng vì 'trót yêu tha thiết Việt Nam' thông qua lời kể của một người anh đồng hương, cậu quyết định từ bỏ ngôi trường mình đang theo học - Viện Khoa học và Công nghệ Campuchia để tới đây.
“Đó có lẽ là một quyết định liều lĩnh nhất của em vì vốn dĩ, Viện Khoa học và Công nghệ Campuchia là ngôi trường đào tạo kỹ thuật hàng đầu tại Campuchia. Em cũng đã giành được một suất học bổng hỗ trợ khi theo học tại ngôi trường này.
Thời điểm đó, bố mẹ băn khoăn liệu có thực sự rằng em muốn đi, nhưng nhiều điều về đất nước Việt Nam đã khiến em tò mò và mong muốn được trải nghiệm”.
Đó là lý do khi Bộ Giáo dục Campuchia thông báo tuyển sinh đi học tại Việt Nam theo diện học bổng Hiệp định, Vun Liem quyết định đăng ký tham gia và được lựa chọn trong số khoảng 600 người.
Lần đầu tiên tiếp xúc với tiếng Việt là khi theo học tại Trường Hữu Nghị 80, Vun Liem sốc vì không thể nghe nói được.
“Tiếng Việt quả thực quá khó để học do đây là thứ ngôn ngữ có nhiều dấu. Em phải mất khoảng 2 tháng đầu tiên chỉ để phân biệt 5 loại dấu khác nhau. Thời điểm ấy, em chủ yếu giao tiếp bằng tay và ngôn ngữ cơ thể”.
Trong khi các bạn chọn cách ngồi học thuộc từ vựng, Vun Liem lại nghĩ đến việc một mình đi ra chợ mua đồ để được học cách giao tiếp sao cho tự nhiên nhất. Giai đoạn đầu, Vun Liem nói nhưng không ai hiểu. Thậm chí, cậu còn dùng sai rất nhiều từ.
“Nhưng điều đó không làm em thấy ngại”, Vun Liem nói.
Dần dần, nam sinh người Campuchia đã biết mặc cả khi mua đồ; thậm chí, hiếm ai phát hiện ra Vun Liem là người Campuchia vì cậu nói tiếng Việt khá thành thạo.
Năm 2017, Vun Liem bắt đầu theo học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Đến khi được lựa chọn ngành học, Vun Liem không mất nhiều thời gian suy nghĩ và đã đăng ký vào ngành Kỹ thuật cơ điện tử của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
“Đó là một ngành học rộng bao gồm các lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật điện tử, Công nghệ thông tin và cả Tự động hóa. Dự định của em sau khi tốt nghiệp sẽ kinh doanh về máy móc nên em nghĩ ngành học này sẽ cho mình một nền tảng tốt hơn, dù có thể áp lực hơn so với các ngành học khác”.
Tuy nhiên, chỉ có một điều khiến cậu băn khoăn là chương trình học của Bách khoa quá khó. “Em từng nghe các anh chị người Campuchia kể lại, nhiều sinh viên Việt Nam khi theo học tại đây cũng rất khó ra trường đúng hạn. Vì thế, khi được chấp thuận theo học tại trường, em đã phải lên cho mình chiến lược học tập cụ thể ngay từ năm đầu tiên”.
Nhưng buổi học đầu tiên vẫn là một cú sốc lớn với Vun Liem. Vốn đã sử dụng thành thạo tiếng Việt, nhưng khi theo học tại trường, cậu chỉ hiểu được 40% bài giảng của thầy cô do có quá nhiều từ ngữ chuyên ngành.
“Em hiếm khi dám nghỉ học, trừ khi là việc cực kỳ gấp. Từ ngữ chuyên ngành khá khó, nên khi ở trên lớp, có từ nào không hiểu, em sẽ nhờ thầy cô hoặc các bạn giải thích giúp luôn. Nhiều khi không chép kịp bài, các bạn cũng sẵn sàng giúp đỡ bằng cách cho em mượn vở và giảng lại bài ngay sau buổi học hôm đó”.
Là du học sinh đầu tiên giành học bổng khuyến khích của Bách khoa
Nhận được học bổng toàn phần theo học tại Việt Nam, Vun Liem không nghĩ tới việc đi làm thêm mà dành toàn bộ thời gian cho việc học.
“Nếu các bạn Việt Nam phải cố gắng một, những du học sinh như chúng em phải cố gắng gấp nhiều lần vì khi làm bài tập, chúng em cũng phải cố gắng dịch và hiểu nội dung câu hỏi mới có thể làm được bài”.
Từng học một năm đại học ở Campuchia, Vun Liem nhận thấy nhiều điểm khác biệt. Cho dù nhiều môn chuyên ngành ở Viện Khoa học và Công nghệ Campuchia có tên gọi giống như tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhưng khối lượng chương trình học ở Việt Nam vẫn nặng hơn rất nhiều.
Ngoài ra, cậu cũng cảm thấy khó khăn gấp bội với các môn Triết học Mác – Lê nin hay Tư tưởng Hồ Chí Minh – vốn có nhiều từ, câu khó.
Năm đầu tiên, do ngôn ngữ còn hạn chế và chưa có phương pháp học tập phù hợp, cậu xếp loại trung bình. Đây là điều “khó tiếp nhận” với cậu học trò vốn luôn xếp top đầu của lớp thời còn học phổ thông.
Vì thế, Vun Liem quyết tâm phải cải thiện điểm số bằng cách lên một chiến lược học tập thích hợp.
“Để có được kết quả tốt, em luôn cố gắng phân bố đều các môn học khó và dễ qua các kỳ. Em thường tham khảo các anh chị đi trước để biết môn học nào khó và sắp xếp môn học ấy vào cuối tuần thay vì đầu tuần để bớt gây áp lực về tâm lý.
Với từng môn học, em thường chia các phần và ôn luyện dần thay vì dồn toàn bộ nội dung kiến thức vào thời điểm sắp thi. Đặc biệt, em dành nhiều thời gian hơn để luyện giải bài tập các môn thiên về tính toán.
Một yếu tố khác, em cũng phải tham khảo trước cách dạy của từng thầy cô và điều chỉnh cách học từng môn sao cho phù hợp”.
Nhờ vậy, đến năm thứ 3, Vun Liem cảm thấy việc học các môn chuyên ngành trở nên dễ thở hơn vì “bản thân đã quen với cái khó nên gặp những vấn đề khó cũng không còn cảm thấy nản”. Thậm chí, cậu còn từng đạt điểm 9 môn Giải tích 1, cũng là điểm số cao nhất lớp.
Đến năm 4, Vun Liem đạt điểm GPA là 3.84/4.0, trở thành du học sinh đầu tiên giành học bổng khuyến khích học tập của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Từng không nói sõi tiếng Việt, Vun Liem vốn chỉ mong sẽ ra được trường đúng hạn. Nhưng giờ đây, nam sinh người Campuchia lại đặt ra mục tiêu cao hơn là sẽ tốt nghiệp sớm tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vào tháng 2 năm sau, sau đó quay trở lại Campuchia để thực hiện ước mơ kinh doanh của mình.
“Nhà em có 5 người, trong đó em là con út. Các anh chị của em, người học cao nhất cũng chỉ hết cấp 2. Mọi người sau đó sẽ sang Thái Lan để làm việc hoặc sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động.
Em là người đầu tiên trong xã Banteayneang (huyện Mongkolborey, tỉnh Banteaymeanchey) được đi du học. Do đó, động lực lớn nhất của em là bước ra khỏi Campuchia để trau dồi, học tập, sau đó quay trở về phát triển quê hương mình", Vun Liem nói.
Theo vietnamnet