leftcenterrightdel
Nguyễn Phương Thảo - sinh viên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế (ĐH Erasmus). 

Vì thực phẩm quá đắt đỏ, Nguyễn Phương Thảo - sinh viên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế ở ĐH Erasmus - thường đi nhiều siêu thị khác nhau để xem xét giá thành. Sau đó, cô sẽ lựa chọn siêu thị có giá thành phù hợp với ví tiền của sinh viên.

"Tỷ lệ lạm phát ở Hà Lan đang tăng nhanh. Vì vậy, tất cả siêu thị đều liên tục thay đổi giá thành. Những siêu thị được xem là có giá thành rẻ cũng đã tăng chi phí lên nhiều. Nếu tháng trước, tôi tốn 1 euro (khoảng 24.000 đồng) để mua 2 quả dưa chuột, bây giờ, với số tiền này, tôi chỉ mua được 1 quả", Phương Thảo chia sẻ với Zing.

"Cứ ra đường là tốn tiền"

 Sinh sống ở thành phố Rotterdam (Hà Lan), Phương Thảo luôn chi tiêu tiết kiệm trong việc ăn uống. Nữ sinh sống cùng hai người bạn khác. Mỗi lần đi siêu thị, cả 3 chỉ cho phép mình mua thực phẩm với tổng số tiền tối đa là 80 euro (khoảng 2 triệu đồng).

Thỉnh thoảng, khi họ muốn thực hiện chế độ eat clean (chế độ ăn ưu tiên thực phẩm tươi, lành và sạch, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn), Thảo lại đau đầu vì giá thành để mua rau củ, trái cây quá đắt đỏ.

"Lần nào mua nhiều rau và trái cây, số tiền đi siêu thị của chúng tôi lại tăng từ 80 euro lên 100 euro (khoảng 2,4 triệu đồng). Trái cây là thực phẩm đắt nhất ở đây. Có lần, tôi chỉ mua một quả dưa hấu nhỏ đã tốn 4 euro (khoảng 96.000 đồng). Trong khi đó, ở Việt Nam, để mua 1 kg dưa hấu, tôi chỉ cần 12.000 đồng", Thảo nói.

Ngày trước, khi ở Việt Nam, Phương Thảo ăn uống rất thoải mái. Nữ sinh thường đi ăn bên ngoài, vui chơi với bạn bè ở quán cà phê. Du học Hà Lan được một năm, Thảo thay đổi thói quen này.

Cô thường xuyên ở nhà, tự nấu ăn. Nếu đi chơi, Thảo lựa chọn đến nhà bạn bè thay vì ra quán cà phê.

"Ở Hà Lan, chỉ cần đi ra ngoài, tôi đã tốn tiền. Ngay cả chi phí sử dụng phương tiện di chuyển công cộng cũng rất đắt. Với quãng đường 3 km từ nhà đến trường, tôi mất 2 euro/lần di chuyển bằng tàu điện. Tôi còn không dám quy ra tiền Việt vì sợ tiếc tiền", Thảo nói.

Để tiết kiệm chi tiêu, khi đi học, Phương Thảo thường mang theo đồ ăn chuẩn bị trước ở nhà. Đối với Thảo, đồ ăn ở canteen trường là quá xa xỉ. Trung bình một bữa ăn ở canteen - nơi Thảo học tập - dao động từ 10 euro (khoảng 240.000 đồng) đến 15 euro (khoảng 360.000 đồng).

Tương tự Phương Thảo, Lê Nam Huy - sinh viên ngành Văn hóa và Truyền thông tại ĐH Amsterdam - không bao giờ mua đồ ăn ở canteen. Nam sinh cho biết giá một chiếc sandwich bán trong trường học là 5 euro (khoảng 120.000 đồng). Với số tiền này, Huy có thể mua một phần thịt gà để chế biến thành 2 bữa ăn.

Mỗi tuần, chi phí đi chợ của Huy dao động từ 25 euro (gần 600.000 đồng) đến 50 euro (khoảng 1,2 triệu đồng). Khi muốn mua thêm đồ dùng khác, Huy phải đợi đến dịp Black Friday (ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm).

"Thi thoảng, tôi đi ăn với bạn bè ở bên ngoài. Số tiền chi trả cho các buổi ăn này khoảng 15 euro/người (gần 400.000 đồng). Vì vậy, chúng tôi thường tụ tập tại nhà của nhau rồi mua đồ ăn về nấu nướng", Huy nói.

leftcenterrightdel
 Lê Nam Huy (áo đen, ở giữa) thường cùng bạn bè tụ tập nấu ăn thay vì đi ra ngoài ăn uống.

Tiền nhà và tiền gas tăng liên tục

So với năm đầu tiên sinh sống ở Hà Lan, Nguyễn Trọng Tín - sinh viên ngành Truyền thông, ĐH Khoa học Ứng dụng HAN - cho biết tổng chi tiêu hàng tháng của cậu đã tăng thêm 50%. Trong đó, tiền thuê nhà và tiền gas là 2 khoản tốn nhiều nhất. Hiện tại, tiền thuê nhà của Tín là 350 euro/tháng (khoảng 8,4 triệu đồng).

Chia sẻ với Zing, Trọng Tín còn rõ nhớ bức thư được gửi qua email của chủ nhà với nội dung: "Vì giá năng lượng tăng gấp đôi, tôi phải tăng giá thuê nhà lên thêm 5 euro mỗi tháng (khoảng 120.000 đồng)".

Tín cho biết mức tăng này là "tình nghĩa lắm rồi". Bạn bè của nam sinh viên ở khu vực khác phải đóng thêm tiền thuê nhà từ 20 euro (khoảng 480.000 đồng) đến 30 euro/tháng (khoảng 720.000 đồng).

leftcenterrightdel
Nguyễn Trọng Tín nhận được thông báo tăng tiền thuê nhà từ đầu năm nay. 

Đồng quan điểm, Nam Huy cũng nhận thấy tiền nhà là chi phí tăng nhiều nhất tại Hà Lan.

Năm ngoái, ở thủ đô Amsterdam, nơi Huy sinh sống, giá thuê nhà trung bình là 600 euro/tháng (khoảng 14,4 triệu đồng). Năm nay, chi phí cho dịch vụ này tăng lên 800 euro/tháng (khoảng 19,2 triệu đồng).

"Số tiền chi tiêu cho điện, nước của tôi cũng tăng lên đáng kể sau một năm. Trước đây, tôi chỉ trả 100 euro (khoảng 2,4 triệu đồng) cho khoản này. Bây giờ, con số tăng lên 180 euro (khoảng 4,3 triệu đồng). Tổng tiền nhà và điện, nước luôn chiếm hơn một nửa tiền chi tiêu hàng tháng", Nam Huy nói.

Không chỉ tăng tiền điện, Nam Huy cho biết tiền gas ở đất nước này cũng tăng thêm rất nhiều. Gas là nhiên liệu chính để sử dụng máy sưởi nhưng Huy chỉ dùng để tắm rửa, nấu ăn. Đến mùa đông, nam sinh viên sẽ sử dụng máy sưởi điện. Đối với Huy, đây là giải pháp tốt nhất vì tiền điện rẻ hơn tiền gas.

Cũng giống như Huy, Trọng Tín và Phương Thảo đều chọn thiết bị khác để thay thế máy sưởi gas.

Phòng của Tín cách nhiệt kém, máy sưởi gas không hoạt động được tối đa công suất. Hệ thống sưởi này cũng thường bị tắt đột ngột vào ban đêm do đường dây gặp vấn đề. Đôi khi, chủ nhà trọ của Tín cũng "chơi ăn gian", tắt máy sưởi ban đêm để tiết kiệm chi phí.

Vì vậy, mỗi khi nhiệt độ hạ thấp, Tín sẽ ở trong phòng, đóng kín cửa và mặc áo khoác dày, sau đó sử dụng máy sưởi điện. Trong khi đó, Phương Thảo chi 50 euro (khoảng 1,2 triệu đồng) để mua chăn điện và áo giữ nhiệt.

Theo zingnews