Cuối tháng 3, trước tình hình Covid-19 căng thẳng ở Mỹ, trường chuyển sang học online, Thùy Dung, sinh viên năm cuối Đại học Vanderbilt (trường top 15 ở Mỹ), quyết định về Việt Nam. Vì xin được việc ở công ty Airbnb của Mỹ từ tháng 10/2019, việc học năm cuối lại nhẹ nhàng, Dung nghĩ về Việt Nam để đảm bảo an toàn lại được ở bên gia đình là lựa chọn hợp lý.
Đến đầu tháng 4, Dung được công ty thông báo lùi thời gian nhận vào làm một năm do ảnh hưởng của Covid-19. Người trúng tuyển như Dung vẫn được giữ mức lương như đã thỏa thuận. Thế nhưng Dung phải từ bỏ công việc bởi sinh viên quốc tế không được phép ở lại Mỹ nếu không có việc làm trong một năm sau khi ra trường. Điều này khiến Dung bắt đầu lo lắng.
Trong tháng 4 và 5 ở Việt Nam, Dung phải làm song song hai việc. Một là học online để hoàn thành chương trình kịp thời gian tốt nghiệp. Hai là tìm kiếm việc làm mới. "Sinh viên năm cuối chỉ còn vài tín chỉ tốt nghiệp, thầy cô lại dễ tính nên em chỉ dành 20% cho việc học. 80% thời gian còn lại em tìm việc, tham gia các cuộc phỏng vấn", Dung nói.
Do ảnh hưởng Covid-19, nhiều công ty Mỹ ngừng tuyển dụng hoặc đã tuyển dụng đủ, Dung không có nhiều lựa chọn công việc tốt. Thêm nữa do các công ty đều làm việc ở nhà, mọi thứ đều chậm hơn. Bình thường chỉ mất ba tuần để các công ty trả lời kết quả của ứng viên thì bây giờ lên tới 1-2 tháng.
Đang ở Việt Nam, Dung còn bị lệch múi giờ. Ngày nào, em cũng ngồi bên máy tính từ 10h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, sau đó ngủ tới 11h trưa rồi lại tiếp tục công việc tới giờ ăn tối. Không than phiền, Dung còn cảm thấy may mắn vì đã về Việt Nam. "Những bất ngờ trên khiến em bị sốc nhưng nhờ có bố mẹ và bạn bè giúp đỡ, em có động lực để vượt qua", Dung nói.
Dung kết nối với nhiều bạn bè đang làm ở Mỹ, nhờ họ theo dõi thông tin nội bộ xem còn vị trí nào có thể giới thiệu cho mình. Em nhắn hàng trăm tin nhắn tới những người Việt Nam và nước ngoài để nhờ họ giới thiệu mình vào công ty, trong đó có rất nhiều người Dung không quen.
Trường hợp đã được công ty lớn nhận nhưng phải bỏ như Dung rất hiếm nên nhiều người nhiệt tình giúp đỡ. Đã có kinh nghiệm thực tập ở Google và Airbnb cũng như được Airbnb nhận vào làm, Dung tự tin hơn với khả năng của mình. Những nỗ lực kết nối đã giúp Dung nhận trái ngọt. Cách đây một tháng, em trúng tuyển vào làm cho Amazon.
"Có thể nói trong cái rủi có cái may. Em nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc kết nối, tạo dựng các mối quan hệ sau đợt dịch này. Cũng từ Covid-19, em cảm thấy mình thích nghi với hoàn cảnh tốt hơn, biết tìm ra các phương án, hướng đi phù hợp với tình hình thực tế", Dung nói.
Về nước vào tháng 3 khi là sinh viên năm cuối Đại học Vanderbilt, không rơi vào trường hợp "éo le" như Dung nhưng Nguyễn Đình Chương cũng gặp trở ngại. Từ tháng 11/2019, Chương đã nộp hồ sơ và nhận được học bổng tiến sĩ tại Đại học Washington. Việc chắc chắn được học tiến sĩ tại Mỹ khiến Chương mất động lực học online khi ở Việt Nam bởi tâm lý "có tiến sĩ rồi thì học làm chi nữa".
Nam sinh đã phải tự tạo động lực bằng cách đọc thật nhiều nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực mình quan tâm, từ đó đọc và học nhiều hơn. Chính việc phải học online thời Covid đã luyện cho Chương khả năng tự tạo động lực tốt hơn.
Đã được học bổng tiến sĩ nhưng để nhận được hỗ trợ tài chính từ trường, Chương phải tham gia làm nghiên cứu với thầy cô. Do Covid-19, trường học và phòng thí nghiệm không biết có mở cửa hay không, có mở cũng không cho phép nhiều người vào cùng lúc, thầy cô ít nhận sinh viên hơn bình thường.
May mắn khi làm hồ sơ học tiến sĩ, Chương đã đi hội nghị rất nhiều để giao lưu với thầy cô trường khác, trong đó có Đại học Washington. Khi mở lời nhờ 3-4 thầy cô cho tham gia nghiên cứu, Chương đã được nhận. Nhờ vậy, Chương không bị ảnh hưởng bởi thông báo bất lợi với sinh viên quốc tế nếu học online 100% mà Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo hôm 6/7.
Từ trải nghiệm của bản thân, Chương cho rằng việc mở rộng các mối quan hệ là rất quan trọng. Em sẽ tiếp tục giao lưu, kết nối trong thời gian tới.
Khác với Chương và Dung, Ngô Hoàng Anh mới là sinh viên năm hai của Đại học Pennsylvania. Hồi tháng 3, khi trường yêu cầu rời khuôn viên và chuyển các lớp học sang online, Hoàng Anh có phần lo lắng. Thế nhưng, khi về Việt Nam và học online, dù lệch múi giờ, nữ sinh tìm thấy nhiều điều thú vị.
Việc học online giúp Hoàng Anh có cơ hội học những thứ trước giờ không thể vì quá bận rộn với công việc ở trường, như học thêm lập trình. Về Việt Nam, Hoàng Anh xin được hai vị trí thực tập ở ngân hàng, phù hợp với ngành Tài chính đang học. Em cho rằng những cơ hội này không thể có ở Mỹ. Em cũng giúp đỡ những học sinh sẽ nộp hồ sơ du học Mỹ vào năm tới thực hiện một dự án.
"Covid-19 làm mọi thứ chậm lại vô tình lại trở thành cơ hội tốt cho em hoàn thiện mình", Hoàng Anh nói, dự định tiếp tục ở Việt Nam học online trong kỳ mùa thu tới nếu nhà trường hỗ trợ để sinh viên quốc tế không bị ảnh hưởng bởi thông báo của ICE.
Bà Trần Phương Hoa, sáng lập viên, Giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục Summit, cho biết nhiều học sinh đang học ở các quốc gia khác cũng chia sẻ đã rút ra nhiều bài học khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn bởi Covid-19. Chẳng hạn, nhiều học sinh ôn tập rất kỹ và xác định thi SAT vào tháng 3 hay 5. Nhưng vì Covid-19, lịch thi bị hủy. Các em nhận được bài học nên chuẩn bị sớm hơn, thi sớm hơn để đề phòng bất trắc.
"Từ nhỏ, nhiều học sinh trải qua mọi thứ quá thuận lợi và luôn có sự trợ giúp của bố mẹ. Covid-19 khiến các bạn nhận ra có những thứ bản thân hay bố mẹ khó kiểm soát được, từ đó hiểu rằng cần biết tự điều chỉnh và thích nghi", bà Hoa nói và cho rằng sau ba tháng nhiều học sinh, sinh viên cũng nâng cao khả năng tự học, chú ý đến việc chuẩn bị nhiều phương án dự phòng.
Việt Nam hiện có khoảng 190.000 du học sinh, trong đó châu Á đông nhất khoảng 70.000; châu Mỹ 50.000; châu Âu 40.000; Australia và New Zealand khoảng 30.000. Từ khi Covid-19 lan rộng, nhiều du học sinh đã về nước và thực hiện học online.
Theo vnexpress