|
|
Chan Elina Lamovna (Lina), sinh viên năm nhất, Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Không chỉ là một quốc gia đáng đến và đáng sống với du khách và các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế, với nền giáo dục đang ngày càng phát triển cả về chất và lượng, đặc biệt là giáo dục đại học, Việt Nam còn là điểm đến của nhiều du học sinh quốc tế.
Nếu như trước kia, lượng sinh viên quốc tế tới Việt Nam du học chủ yếu đến từ các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc…; thì vài năm gần đây, sinh viên quốc tế tới từ các quốc gia phát triển như Canada, Hàn Quốc, Úc, Pháp, Nga… không ngừng tăng nhanh.
Chan Elina Lamovna (Lina), sinh viên đang theo học cử nhân Ngôn ngữ Anh tại Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Việt Nam (năm thứ nhất) bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú với môi trường đào tạo chuyên nghiệp, đội ngũ giáo viên trẻ tài năng, nhiệt huyết, và cả cuộc sống giàu trải nghiệm tại Việt Nam.
Bị thu hút bởi sự tôn trọng và nhiệt thành
Lina sinh năm 2004, lớn lên tại Nga. Bố cô là người Việt Nam, mẹ là người Nga. Mang trong mình dòng máu lai Việt – Nga, cô sở hữu hết nét đẹp của bố mẹ. Dáng cao, gương mặt thon dài, đôi mắt hai mí to, lông mày đậm, Lina vừa có sự sắc sảo, thông minh phương Tây, vừa có nét hiền dịu Á Đông pha trộn hài hòa.
Lina chia sẻ, cơ duyên dẫn lối cho cô trở thành sinh viên Trường Quốc tế thật bất ngờ. “Có lẽ là khó tin nhưng chính chuyến du lịch kết hợp thăm bà nội và họ hàng đang sống tại Hải Phòng, Việt Nam hai năm trước đã thôi thúc tôi đến học tập tại “đất nước hình chữ S”. Đó là điều mà rất nhiều năm trước đó tôi chưa từng nghĩ tới, ngay cả khi có bố là người Việt”, Lina kể và cho biết, những ngày tháng sống tại nhà bà nội và khám phá một số điểm đến nổi tiếng tại Việt Nam đã khiến cô ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp độc đáo và tuyệt vời tại nơi đây.
“Tất nhiên, tôi cảm nhận về Việt Nam không chỉ với tư cách là “một vị khách quá cảnh” hay khách du lịch bình thường mà còn với tư cách như một người dân địa phương khi sống tại nhà bà nội”, Lina tâm sự.
Thế rồi, khi trở lại Nga, những hình ảnh, kỷ niệm ở “đất nước hình chữ S” đã khiến Lina nhớ Việt Nam rất nhiều. Vì thế, cô bắt đầu có khát khao trở lại Việt Nam để tìm hiểu thêm về quê hương của bố, học tiếng Việt, và thoát ra khỏi vùng an toàn để thử thách bản thân.
“Một ngày nọ, chính mẹ đã gợi ý cho tôi học Đại học tại Việt Nam. Điều này thật đúng với tâm nguyện của tôi nên tôi lập tức lên kế hoạch trở thành du học sinh tại Việt Nam”, Lina cười tươi, đôi mắt long lanh ánh lên niềm tự hào về mẹ.
Thế rồi, Lina gửi thư điện tử cho Trường Quốc tế (Trường Đại học Quốc gia Việt Nam) và ngay lập tức nhận được phản hồi. “Lúc đó, tôi rất ngạc nhiên về sự hỗ trợ nhanh chóng của nhà trường nên đã bị thuyết phục ngay. Tôi đã không cân nhắc thêm bất kỳ trường đại học nào khác và chọn theo học ở Trường Quốc tế”, Lina khẳng định.
Điều khiến cô sinh viên đến từ nước Nga xa xôi bị hấp dẫn và quyết định theo học tại Trường Quốc tế chính là công tác vận hành của Phòng Đào tạo rất chuyên nghiệp. Các thầy cô luôn sẵn sàng giúp đỡ sinh viên. “Khi tôi gửi thư điện tử đến trường với đơn xin nhập học, các thầy cô đã trả lời rất nhanh và hướng dẫn, giúp đỡ để tôi hoàn thành đầy đủ hồ sơ. Ai cũng sẽ bị thu hút khi được đối xử với sự tôn trọng và nhiệt thành như thế”, Lina đặt tay lên ngực bày tỏ sự trân quý.
|
|
Lina cho biết, rất ngạc nhiên về sự hỗ trợ nhanh chóng của Trường Quốc tế nên đã bị thuyết phục ngay và không cân nhắc thêm ngôi trường nào khác. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Những điều khác biệt đầy trân quý
Sau thời gian học tập tại Trường Quốc tế, Lina đặc biệt thích thú với phương pháp dạy học chú trọng làm việc theo nhóm tại Trường Quốc tế. Bởi đây là “điều hiếm thấy ở trường học tại Nga”, như cô chia sẻ.
Lin cũng bày tỏ sự biết ơn tới các thầy cô và nhà trường khi được rèn luyện kĩ năng tư duy phản biện và thuyết trình trước đám đông. “Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng, là nền tảng để tôi có thể xây đắp một sự nghiệp thành công trong tương lai”, Lina tin tưởng.
Mặc dù thời gian học tập tại Trường Quốc tế chưa lâu, nhưng Lina đã có rất những trải nghiệm thú vị, những kỷ niệm, ấn tượng khó quên ở ngôi trường này.
“Đối với tôi, khoảnh khắc không thể quên là lần đầu tiên tham gia cuộc thi tranh luận do trường tổ chức. Trong tôi, khi đó đầy ắp những lo lắng nhưng cũng thật thú vị, vì đây là lần đầu tiên tôi dự thi bằng tiếng Anh. Tôi đã có một trải nghiệm đáng kinh ngạc”, Lina chia sẻ.
Khi học tập tại Trường Quốc tế, điều Lina thấy vô cùng khác biệt là giáo viên làm việc trong các cơ sở giáo dục của Nga thường ở độ tuổi cao, trong khi giáo viên ở trường đại học Việt Nam lại trẻ hơn nhiều. Các giảng viên của chương trình cử nhân Ngôn ngữ cô theo học không chỉ có kiến thức chuyên ngành giỏi, tài năng, mà còn có hiểu biết rất rộng về các lĩnh vực xã hội. “Tôi rất ngưỡng mộ các thầy, cô giáo. Họ có thể làm thỏa mãn bất cứ thắc mắc nào của bạn kể cả trong và ngoài lĩnh vực chuyên môn”, Lina bày tỏ và không quên chia sẻ sự thích thú khi bật mí: “Chi phí học tập, sinh hoạt tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với tại Nga”.
Lina ví cuộc sống tại Việt Nam mỗi ngày trôi qua luôn ghi dấu những kỷ niệm, khoảnh khắc đáng nhớ. Đó có thể là cuộc gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè ở quán cà phê hay cùng họ thăm thú những địa điểm tại Hà Nội. Hay đơn giản là đọc một cuốn sách về tâm lý học, học ngoại ngữ, học về tâm lý xã hội, may vá, trình diễn thời trang, chơi guita… “Tôi thực sự thích việc người Việt Nam thức dậy và đi ngủ sớm, đó là một thói quen tuyệt vời và tôi cũng đang luyện tập theo thói quen này”, Lina cười.
|
|
Lina đặc biệt thích thú với phương pháp dạy học chú trọng làm việc theo nhóm tại Trường Quốc tế. Bởi đây là “điều hiếm thấy ở trường học tại Nga”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Việt Nam rất đẹp và khác biệt
Tại Việt Nam, Lina đã có cơ hội khám phá Hà Nội, Hải Phòng, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng và Hội An. Kế hoạch của cô gái 18 tuổi này là đi thăm nhiều nơi nhất có thể. Sài Gòn và Đà Lạt là những nơi cô đang ao ước được đặt chân đến.
“Thiên nhiên của “đất nước hình chữ S” thật tuyệt vời, rất phong phú và đa dạng. Điều tôi cảm thấy vô cùng yêu thích ở Việt Nam là cây xanh có mặt ở khắp mọi nơi, dù ở nông thôn hay thành phố”, Lina bày tỏ và bật mí điều cô cảm thấy ấn tượng sâu sắc nhất khi sống ở Việt Nam là người Việt vô cùng thân thiện, luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ nhau.
“Tôi nhận thấy, họ là những con người sống rất thật, chân thành và không có xu hướng giả vờ. Dù mới đến Việt Nam được 4 tháng, nhưng tôi đã có những người bạn thân thiết. Tôi rất tin tưởng họ”, đôi mắt Lina sáng ngời.
Không chỉ cảnh đẹp hay tình người ấm áp, ẩm thực tinh tế cũng góp thêm sức hấp dẫn khiến Lina muốn học tập và sinh sống ở Việt Nam. Món ăn Lina yêu thích nhất là bún chả. “Từng sợi bún trắng nhỏ, thả vào bát nước chấm màu hổ phách chứa chả nướng và dưa góp thơm lừng, thêm chút rau sống, gắp một miếng đủ vị chua cay mặn ngọt, dậy thơm mùi tinh dầu cà cuống… hương vị ấy cứ lưu luyến mãi không thể nào quên”, Lina kể và bảo, có lẽ tối nay cô sẽ đi ăn món này.
|
|
Lina hy vọng, sau khi tốt nghiệp, sẽ may mắn tìm được vị trí phù hợp với bản thân để tiếp tục học tập và làm việc tại Việt Nam- một quốc gia vô cùng đáng sống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Ngoài ra, Lina cũng đặc biệt thích món bún bò Huế, với sợi bún to, nước lèo màu đỏ cam cay nồng và rất nhiều “topping” như thịt bò, giò heo, chả cua, tiết, hoa chuối, rau sống... “Mùa đông, được ăn bát bún bò Huế nóng hổi thì còn gì tuyệt vời hơn”, Lina cười tít mắt.
Sở hữu một nửa dòng máu Việt nên Lina rất yêu văn hóa Việt Nam. Lúc nào cũng có một chiếc áo dài truyền thống trong tủ trang phục của cô. “Áo dài Việt Nam không chỉ tôn lên vóc dáng người phụ nữ mà còn thể hiện sự chỉn chu, sang trọng và tính ứng dụng. Có thể nói là hội tụ đủ những yếu tố tôi thường chú ý khi chọn trang phục nên tôi rất yêu thích áo dài”, Lina bày tỏ.
Hàng ngày, Lina thường gửi cho gia đình tại Nga những bức ảnh ghi lại cuộc sống ở Hà Nội hoặc chia sẻ lên Instagram. “Mẹ bày tỏ rất nhớ tôi và mong ngóng đến Việt Nam. Còn người thân, bạn bè của tôi thì rất thích thú với những hình ảnh đó và khen Việt Nam rất đẹp và khác biệt. Gia đình tôi đã lên kế hoạch cho một chuyến du lịch Việt Nam, còn có cả những người bạn của tôi nữa. Họ sẽ đến đây để nghỉ đông ngay trong năm nay”, Lina cũng đang mong ngóng đến kỳ nghỉ đông này để được khám phá Việt Nam cùng những người thân yêu.
Lina sẽ học tại Trường Quốc tế thêm 3 năm nữa. Sau đó cô dự định học tiếp chương trình Thạc sĩ tại đây. Dù chưa có kế hoạch cụ thể cho nơi làm việc trong tương lai nhưng Lina mong muốn bắt đầu con đường dịch thuật của mình vào một ngày không xa. Đôi mắt long lanh hướng ra cửa sổ, Lina trải lòng: “Tôi hy vọng sau khi tốt nghiệp Đại học, sẽ may mắn tìm được vị trí phù hợp với bản thân để tiếp tục học tập và làm việc tại Việt Nam- một quốc gia vô cùng đáng sống”.
Theo baodautu