Đoàn Trung Thành, học thạc sĩ tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết vẫn đang tiếp tục cách ly ở ký túc xá - ẢNH NVCC
Đàm Anh Thư (Hà Nội), sinh viên năm nhất ngành Truyền thông tại Đại học Thể thao Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết khu chợ xuất hiện ổ dịch Covid-19 mới cách trường Thư học 5 km. “Có nhiều tin nói tháng 7 hoặc tháng 9 là học sinh có thể đi học trở lại nhưng với tình hình dịch như thế này thì chưa biết được ngày quay lại trường học. Em đã ở nhà hơn nửa năm rồi. Em thật sự rất nhớ và muốn quay trở lại trường”.
Thư cho biết thêm, mặc dù ở nhà học trực tuyến nhưng với Thư học thế này không đảm bảo chất lượng bằng học trực tiếp trên lớp. Hơn nữa, đâu chỉ học kiến thức, lý do em muốn quay trở lại trường sớm vì có thể tham gia nhiều hoạt động cùng sinh viên quốc tế.
Tương tự, Vũ Thị Thu Hường (Bắc Ninh), sinh viên năm thứ nhất Khoa Phiên dịch (Trường đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Trung Quốc), cho biết với đặc thù ngành học về ngôn ngữ, việc học trực tuyến không thực sự hiệu quả. Dù giáo viên dạy rất nhiệt tình nhưng không có môi trường thực hành tiếng nên Hường cảm thấy khả năng giao tiếp tiếng Trung của mình có phần giảm sút.
“Bài tập ngày càng nhiều và khó hơn kỳ 1, lại không có môi trường để rèn luyện nên em chỉ mong được quay lại trường sớm để học tập cho hiệu quả. Bắc Kinh có ổ dịch mới, không biết khi nào mới có thể quay trở lại trường nữa”.
Tăng Thị Thu Uyên, sinh viên năm 2 chuyên ngành Văn học Hán ngữ tại Trường đại học Dân tộc Quý Châu (Trung Quốc), cũng cho rằng: "Một số môn học khá trừu tượng cần lên lớp nghe thầy cô giảng trực tiếp mới có thể hiểu được phải lùi vào kỳ sau. Việc dời môn học như vậy sẽ kéo theo lịch học kỳ sau nặng hơn và có thể ảnh hưởng đến thành tích khi tốt nghiệp”.
Uyên cho biết thêm, trường Uyên học vẫn chưa có lịch cụ thể quay lại trường. Chỉ có thông báo của thầy cô nhắc nhở học sinh giữ gìn sức khỏe và tuyệt đối không quay lại Trung Quốc khi chưa có thông báo chính thức của trường.
Tiếp tục cách ly phòng dịch
Theo chia sẻ của một số du học sinh đang ở Bắc Kinh, các trường đại học vẫn đang thắt chặt, tiếp tục đóng cửa trường, hạn chế cho sinh viên ra ngoài và vẫn tổ chức học trực tuyến.
Đoàn Trung Thành (quê Thái Nguyên), đang học thạc sĩ ngành Quản trị du lịch tại Học viện Ngoại ngữ Bắc Kinh số 2, cho biết trường mà Thành học đóng cửa từ ngày 9.2. Lưu học sinh mua đồ trong trường hoặc mua trực tuyến và không được phép ra ngoài cổng trường. Từ tháng 3 đến nay, ký túc xá kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày. Cách đây mấy hôm, nhà trường và thầy giáo thông báo Bắc Kinh có ổ dịch mới, nhắc nhở sinh viên phải chú ý an toàn.
Theo Trung Thành, hiện trường vẫn chưa mở cổng, sinh viên chỉ ở trong khuôn viên trường và đa số lưu học sinh vẫn sinh hoạt bình thường. "Nhân tiện thời gian cách ly trong trường, mình cố gắng tự học và trau dồi thêm tiếng Trung”, Thành cho hay.
Thu Trang, hiện đang theo học tại Đại học Thể thao Bắc Kinh, cho biết ngay từ khi có dịch, trường đã nghiêm cấm sinh viên đi lại. Khi có thông tin về ổ dịch Covid-19 mới, trường vẫn tiếp tục đóng cửa và duy trì các biện pháp phòng dịch, đảm bảo an toàn cho sinh viên.
Hoàng Thị Nhật Lệ (quê Hải Phòng), đang du học tại Trường đại học Sư phạm Hàng Châu (Trung Quốc), cho biết hiện trường nơi Lệ học bảo hộ du học sinh rất tốt, không cho sinh viên ra ngoài nên nguy hại tiếp xúc với bệnh dịch rất thấp.
Như Thanh Niên đã thông tin, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 15.6 thông báo có 39 ca nhiễm Covid-19 trong nước trong ngày 14.6, trong đó 36 trường hợp tại Bắc Kinh, ngang với con số của 1 ngày trước đó. Đợt bùng phát tại thủ đô Trung Quốc liên quan đến chợ Tân Phát Địa ở quận Phong Đài, chợ bán sỉ rau củ quả và thịt, chiếm 80% nguồn cung nông sản cho Bắc Kinh, theo Reuters. Từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ngày 11.6, đến nay có tổng cộng 79 ca liên quan đến ổ lây nhiễm mới. Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan ngày 14.6 cho rằng, ổ lây nhiễm mới có nguy cơ lây lan rất cao. Đến nay, đã xuất hiện các ca nhiễm tại 3 tỉnh Liêu Ninh, Hà Bắc và Tứ Xuyên liên quan đến các ca nhiễm mới ở Bắc Kinh. Nhiều tỉnh đã cảnh báo công dân tránh đến Bắc Kinh. |
Theo thanhnien