leftcenterrightdel
 Một du học sinh đã nhận được thư của cảnh sát Đức, yêu cầu lên làm việc về vấn đề quay và đăng video lên TikTok. Ảnh minh họa:Gian Cescon

Mới đây, trên diễn đàn du học sinh Việt tại Đức, một du học sinh đã chia sẻ câu chuyện của bản thân.

Theo đó, du học sinh này mới đến Đức gần một năm, đang là học viên học nghề điều dưỡng. Đầu tháng 3, trong ca làm việc tại một viện dưỡng lão, du học sinh này đã thực hiện một trend trên TikTok, có sự tham gia của một cụ cao tuổi trong viện.

Sau một tuần đăng tải lên TikTok, video này có gần 100.000 lượt xem và gần 20.000 lượt yêu thích. Tuy nhiên sau đó, du học sinh này nhận được cuộc gọi của người hướng dẫn thực hành tại viện, thông báo những người trong viện đã xem video và báo cảnh sát cũng như lãnh đạo bệnh viện.

Người hướng dẫn thực hành tại viện yêu cầu du học sinh này lập tức gỡ video trên TikTok, đồng thời cảnh báo người này đã vi phạm luật bảo mật thông tin của Đức.

Sau đó, du học sinh này cũng nhận được thư của cảnh sát, yêu cầu lên làm việc về vấn đề trên. Theo chia sẻ, du học sinh này rất rối và lo sợ, nhất là khi giao tiếp tiếng Đức chưa tốt.

"Mình rất sợ nghĩ tới trường hợp bị cắt hợp đồng, đuổi việc và phải về nước. Hiện tại, tạm thời mình không được phép làm việc tại viện nữa", du học sinh này chia sẻ.

Biết luật nhưng vẫn vi phạm

Không riêng trường hợp trên, khi tìm kiếm từ khóa "một ngày làm điều dưỡng ở Đức", "du học Đức"... trên TikTok, nhiều video về cuộc sống sinh hoạt, học tập của du học sinh Việt tại Đức xuất hiện, trong đó có cả các video của các trung tâm tư vấn du học.

Tuy nhiên, tại một số video, ngoài hình ảnh cá nhân, chủ tài khoản lại vô tư đăng tải hình ảnh của người khác. Thậm chí, giống như trường hợp trên, tài khoản TikTok @hoa150900 còn đăng tải video ghi lại cảnh làm việc tại viện dưỡng lão, trong đó có chứa hình ảnh các cụ già ở viện.

Dù nhiều bình luận khuyên rằng không nên quay mặt các cụ, nên xóa video hoặc cảnh báo việc sử dụng điện thoại trong giờ làm việc, chủ tài khoản này vẫn giữ video từ năm 2021.

leftcenterrightdel
 Ngoài hình ảnh cá nhân, một số du học sinh Việt tại Đức lại vô tư đăng tải hình ảnh của người khác. Ảnh:TikTok.

Thanh Huyền (du học sinh ngành điều dưỡng tại Đức) cho biết thông thường, hợp đồng lao động quy định học viên, nhân viên điều dưỡng không được phép dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim khi làm việc, đồng thời không được đăng tải hình ảnh của cá nhân hoặc viện dưỡng lão lên mạng xã hội.

Ngoài ra, trong quá trình học tập, du học sinh như Huyền cũng được học về pháp luật của Đức, thậm chí được học, nhắc nhở ngay từ Việt Nam. Tuy nhiên, Huyền cho biết khi sinh sống tại Đức, nhiều bạn vẫn vi phạm.

"Mình rất ngạc nhiên khi thấy một số video các bạn du học sinh thực hiện trend TikTok với các cụ trong viện bởi tại Đức, những vấn đề về bảo mật thông tin bệnh nhân rất nghiêm ngặt", Huyền chia sẻ.

Với kinh nghiệm 4 năm làm phiên dịch viên, hỗ trợ du học sinh Việt tại Đức, chị Mai Anh (sinh sống và làm việc tại khách sạn bang Rheinland-Pfalz, Đức) cho biết trong quá trình hỗ trợ, chị gặp nhiều trường hợp du học sinh vô tình vi phạm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo luật pháp Đức.

Các lỗi phổ biến bao gồm quay chụp, sử dụng hình ảnh người khác trên mạng xã hội mà không xin phép, sử dụng thông tin cá nhân của người khác với mục đích cá nhân mà không được đồng ý, thậm chí sử dụng, download phim, nhạc có bản quyền...

"Khi làm công việc phiên dịch cho các bạn tại tòa án hoặc hỗ trợ tư vấn, mình gặp rất nhiều trường hợp các bạn đăng ảnh lúc cãi nhau lên mạng xã hội, chỉ đích danh người khác, nói xấu, nêu rõ họ và tên, công khai thông tin lên mạng... Các bạn đó có thể phải đối mặt với những nguy cơ như bị nhắc nhở, bị kiện, hoặc nhận hình phạt nặng hơn nếu vi phạm nghiêm trọng và liên tục tái phạm", chị Mai Anh cho biết.

Theo chị Mai Anh, việc vi phạm này có thể xuất phát từ nguyên nhân nhiều du học sinh chưa hiểu hết luật và văn hóa nơi họ sinh sống. Thậm chí, nhiều người không tìm hiểu luật pháp, hoặc biết luật nhưng vẫn vi phạm vì nghĩ hành vi của mình không bị phát hiện.

Lời cảnh tỉnh

Trao đổi với Zing, luật sư Tuấn Anh Delarber, CEO Văn phòng Luật sư Delarber, Đức, cho biết năm 2016, Nghị viện châu Âu đã ban hành Quy định chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó mục tiêu hướng tới là bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của cá nhân tại Liên minh châu Âu (DSGVO/GDPR). Quy định này được áp dụng trực tiếp trên lãnh thổ các quốc gia thành viên, có hiệu lực từ năm 2018. Trong đó, Đức là quốc gia rất khắt khe trong việc thi hành GDPR.

Căn cứ theo những thông tin chia sẻ trong bài đăng, luật sư Tuấn Anh nhận định hành vi quay video sau đó đăng tải lên mạng xã hội của du học sinh trên đã vi phạm GDPR, đồng thời vi phạm hợp đồng lao động.

leftcenterrightdel
 Luật sư Tuấn Anh nhận định hành vi của du học sinh trên đã vi phạm GDPR và hợp đồng lao động. Ảnh:NVCC.

Trong trường hợp này, phía viện dưỡng lão và cụ già (người bị xâm phạm quyền bảo vệ thông tin cá nhân) có quyền yêu cầu du học sinh này xóa video.

Nếu hợp tác và xóa video trên TikTok, du học sinh này có thể không bị ảnh hưởng gì. Ngược lại, nếu không xóa, thứ nhất, về phía cụ già, nếu trước đó có sự đồng ý cho phép quay và đăng tải lên TikTok, du học sinh này nên đến xác nhận lại với bà cụ. Trong trường hợp không có sự đồng ý trước đó, cụ già có quyền khởi kiện du học sinh.

Thứ 2, theo Luật Lao động của Đức, nếu cố tình không xóa video, du học sinh này sẽ bị viện dưỡng lão nhắc nhở, cảnh cáo, cấm được tái phạm. Nếu tái phạm, du học sinh này có nguy cơ bị đuổi việc.

Tuy nhiên, việc nhắc nhở, cảnh cáo này sẽ bị ghi vào hồ sơ, ảnh hưởng đến quá trình làm việc sau này. Đồng thời nếu bị đuổi việc và không thể tiếp tục học tập, du học sinh này có nguy cơ bị tước thẻ cư trú và phải về nước.

Vì vậy, luật sư Tuấn Anh khuyên du học sinh này nên xóa video trên TikTok, đồng thời gửi lời xin lỗi đến cụ già và lãnh đạo viện dưỡng lão, cam kết sẽ không tái phạm.

Luật sư Tuấn Anh cho biết hiện tại, rất nhiều trường hợp du học sinh vi phạm GDPR, bao gồm các hành vi như quay, chụp ảnh, video và đăng tải lên Facebook, TikTok… Dù vậy, hầu hết trường hợp có thể thỏa thuận giảng hòa, chưa đến mức đưa ra luật pháp. Tuy nhiên, trường hợp của du học sinh trên sẽ là lời cảnh tỉnh cho những bạn vẫn vô tư vi phạm, nhất là những du học sinh mới sang.

Bên cạnh đó, luật sư cũng lưu ý để không vi phạm GDPR, trước khi sử dụng hình ảnh, dữ liệu cá nhân của người khác trên mạng xã hội, du học sinh phải nhận được sự đồng ý của chủ nhân, đồng thời trình bày rõ mục đích sử dụng hình ảnh đó. Để chắc chắn, người sử dụng phải đảm bảo có được chữ ký đồng ý của người bị sử dụng hình ảnh.

Ngoài ra, nếu quay chụp bản thân nhưng vô tình có hình ảnh, lời nói của người khác, du học sinh nên làm mờ mặt và chỉnh sửa giọng nói của họ.

Đồng quan điểm trên, chị Mai Anh bổ sung du học sinh cần lưu ý một số vấn đề sau để tránh vi phạm GDPR:

  • Tôn trọng quyền riêng tư của người khác, bao gồm không chụp ảnh, quay video hoặc đăng thông tin cá nhân của người khác lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý. Nhất là những công ty du học hay đăng tải visa của khách hàng lên mạng.
  • Không cãi nhau trên các diễn đàn, không đưa tên, tuổi, hình ảnh người khác lên mạng.
  • Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm không sử dụng tài liệu, ảnh, video, âm nhạc... của người khác mà không xin phép hoặc trích dẫn nguồn.

Ngoài ra, chị Mai Anh khuyên khi gặp các vấn đề liên quan đến pháp luật, du học sinh có thể tìm đến các văn phòng luật của thành phố, của bang - những địa chỉ tư vấn luật miễn phí hoặc chi phí thấp hơn các văn phòng luật bên ngoài.

Theo zingnews