Đầu tháng 9, Bùi Thị Thùy Linh, 25 tuổi, hoàn thành nốt những việc còn dở tại Việt Nam để sang Italy nhập học. Hai năm tới, cô gái Thanh Hóa sẽ theo học chương trình Thạc sĩ Kinh tế về Toàn cầu hóa và Hội nhập châu Âu theo học bổng toàn phần Erasmus Mundus, trị giá khoảng 47.000 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng). "Mình đã đi con đường rất dài, thậm chỉ là đường vòng để đến được đây", Linh nói.
Thùy Linh yêu thích ngành Kinh tế từ khi còn là học sinh THPT. Cô ấn tượng với các chương trình phân tích tài chính, kinh tế trên truyền hình. Hơn nữa, Linh cho rằng mình học tương đối đều các môn tự nhiên và xã hội, nếu theo kinh tế, cô có cơ hội vận dụng kết hợp lý luận và tính toán. Do vậy, dù gia đình động viên theo lĩnh vực giáo dục, Linh vẫn lựa chọn ngành Kinh tế Đầu tư của Đại học Kinh tế Quốc dân.
Xác định mục tiêu du học từ sớm, cô gái sinh năm 1996 tập trung, hướng tới việc đạt điểm học tập (GPA) cao. Linh cũng tham gia nghiên cứu khoa học và hoạt động ngoại khóa để tích lũy trải nghiệm.
Năm 2018, Thùy Linh tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân với bằng xuất sắc, đứng đầu lớp. Tràn đầy năng lượng, sở hữu thành tích ấn tượng và có kinh nghiệm tham gia các dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế, Linh kỳ vọng sớm đạt mục tiêu du học. Tuy nhiên, mọi thứ không suôn sẻ.
Ngay trong năm đó, Linh nộp hồ sơ vào chương trình Các Mô hình và Phương pháp phân tích định lượng trong kinh tế (Models and Methods of Quantitative Economics) của học bổng Erasmus Mundus. Cô biết tới học bổng châu Âu này từ khi còn ở đại học. "So với các chương trình khác, Erasmus Mundus là học bổng dạng tài năng (merit-based), đề cao khả năng học thuật, phù hợp với những người theo đuổi nghiên cứu kinh tế như mình", cô nói.
Sau hai tháng chờ đợi, Linh nhận được email, báo đã trúng tuyển và được hỗ trợ 75% học phí. Thế nhưng, bố mẹ Linh là giáo viên ở nông thôn, thu nhập chỉ vừa đủ sống, không thể chi trả phần còn lại. Cô biết nếu mình mở lời, bố mẹ vẫn sẵn sàng và tìm cách hỗ trợ nhưng Linh không muốn tạo thêm gánh nặng tài chính cho gia đình. Do đó, cô gái trẻ luôn tự nhủ "phải giành được học bổng toàn phần".
Sau Erasmus Mundus, Linh giành thêm một học bổng bán phần khác của Đài Loan nhưng cũng đành từ chối. Thời gian đó, Thùy Linh bị ảnh hưởng tâm lý khá nặng nề.
Để tìm cách cân bằng, cô phải xin làm việc online tại nhà một tháng. Trong thời gian đó, Linh hiểu rằng mỗi người sẽ có một "dòng thời gian" của riêng mình, không cần cảm thấy quá áp lực hay vội vàng khi bạn bè du học sớm hơn. Cô quyết tâm chinh phục Erasmus Mundus một lần nữa.
Thế nhưng, khi nộp lại chương trình Các Mô hình và Phương pháp phân tích định lượng trong kinh tế vào năm sau, kết quả của Linh không khác gì lần đầu tiên. Trải qua cảm giác thất bại một lần nên cô đối diện với việc này bình tĩnh hơn. Sau nhiều ngày tìm hiểu lý do, Linh nhận ra những người giành học bổng toàn phần của chương trình này đều có giải thưởng Toán quốc gia, quốc tế hoặc những chứng chỉ Toán học. Trong khi đó, thành tích môn Toán của cô ở đại học không thực sự nổi bật.
Tìm được nguyên nhân, Thùy Linh tiếp tục đợi thêm một năm, học khoá dự bị thạc sĩ để trau dồi năng lực, chuyển hướng đến chương trình thạc sĩ Kinh tế về Toàn cầu hóa và Hội nhập châu Âu. Với bài luận chính, Linh cho rằng các nước đầu tư nguồn vốn FDI vào Việt Nam rất nhiều, giúp nâng cao năng lực xuất khẩu nhưng năng suất lao động chưa cải thiện, vẫn thuộc nhóm thấp nhất châu Á. Đây là một nghịch lý. Cô bày tỏ mong muốn được nghiên cứu sâu về vấn đề này cũng như theo đuổi nghiên cứu kinh tế để phục vụ xã hội.
Bài luận được Thùy Linh phát triển dựa trên những nghiên cứu đã thực hiện và nền ý tưởng đã xây dựng trong những lần nộp hồ sơ trước. Với kinh nghiệm ba năm chuẩn bị, cô cho rằng các bài luận không cần quá dài hay phải dùng nhiều từ học thuật, hoa mỹ. Làm sao để viết luận với dung lượng vừa phải, đơn giản để người đọc nắm bắt vấn đề là điều ứng viên cần làm.
Ở vòng phỏng vấn, dù đã luyện tập kỹ càng, Linh vẫn bất ngờ vì hội đồng tuyển sinh có tới bốn giáo sư, thay nhau hỏi. "Mình chỉ nghĩ có một đến hai giáo sư thôi, chưa kể mỗi thầy lại nói tiếng Anh với một ngữ điệu khác nhau nên lúc đầu mình hơi hoảng, sau vài phút mới bình tĩnh được", cô nói.
Vì đã hai năm liên tiếp không giành học bổng toàn phần, Thùy Linh gặp rào cản tâm lý "nếu tiếp tục thất bại thì sao?". Để chuẩn bị cho tình huống này, cô quyết định chuyển từ Hà Nội và TP HCM để theo đuổi một công việc cho thu nhập tốt hơn. Linh nghĩ, nếu năm nay vẫn không được học bổng toàn phần, có thể cô sẽ học một chương trình bán phần nên cần tranh thủ tích lũy và dự trù tài chính.
Một ngày tháng 4/2021, Thùy Linh nhận được email phản hồi của hội đồng tuyển sinh. Nhìn thấy dòng chữ chúc mừng cùng thông báo hỗ trợ học bổng toàn phần, cô "mừng phát khóc". Trong gần 800 hồ sơ từ khắp thế giới nộp vào năm nay, chỉ 15 ứng viên nhận học bổng, xác suất được chọn là 1,88%.
Chương trình thạc sĩ của Linh sẽ kéo dài hai năm tại hai đến bốn quốc gia châu Âu. Kỳ đầu tiên, cô sẽ học tại Đại học Bari (Italy), kỳ hai sẽ đến Đại học Ghent (Bỉ), những kỳ còn lại sẽ được lựa chọn sau. "Sau rất nhiều nỗ lực, phải tìm các con đường khác nhau, cuối cùng mình cũng thực hiện được ước mơ du học với học bổng toàn phần. Ai bảo vừa nghèo, vừa không quá xuất sắc, lại cứng đầu nữa", cô nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách sách (VEPR), biết tới Thùy Linh khi cô tham dự chương trình Summer School vào mùa hè 2017. Ông Thành đánh giá, Linh là một trong những sinh viên xuất sắc của chương trình, sở hữu kiến thức kinh tế và kỹ năng phân tích nổi bật.
Khi Linh làm việc tại Viện, ông Thành ấn tượng với khả năng xử lý khối lượng công việc dưới áp lực cao cùng những phát hiện thú vị trong quá trình nghiên cứu của cô. "Tôi rất tự hào về Thùy Linh. Quá trình học thạc sĩ tại châu Âu sẽ là cơ hội tuyệt vời để cô mang đến những góc nhìn mới, đóng góp vào lĩnh vực hoạch định chính sách kinh tế", ông Thành chia sẻ.
Nhìn lại thành quả, Thùy Linh cho rằng bài học quan trọng khi nộp hồ sơ xin học bổng là chọn được chương trình phù hợp. Để làm được điều đó, ứng viên cần hiểu bản thân và các thế mạnh của mình.
Thời gian tới, Linh sẽ tạm gác các dự định cá nhân để tập trung cho việc học. Sau khi ổn định, cô muốn tham gia các chương trình kết nối du học sinh, tư vấn cho những bạn đang mong muốn giành học bổng du học như mình trước kia. "Hy vọng với những gì đã trải qua, mình có thể phần nào hỗ trợ, giúp hành trình du học của các bạn bớt trắc trở hơn. Mình nghĩ, dù đi con đường nào, nếu kiên trì và cố gắng thì mọi con đường đều dẫn đến thành Rome", Linh nói.
Theo vnexpress