Học xong lớp 10 tại trường THPT Gia Định, TP HCM, Trương Thời Tiến du học Mỹ ở tuổi 15, trở thành học sinh trường tư thục Memorial Hall School. Sau 5 năm, Tiến tốt nghiệp phổ thông, học trường Cao đẳng cộng đồng Lone Star.

Mới đây, Tiến trúng tuyển hai trường của hệ thống Đại học California là Berkeley (top 7 thế giới 2021, theo THE) và Los Angeles (top 15 thế giới). Trải nghiệm du học sớm, Tiến nhận thấy ba thử thách du học sinh phải vượt qua.

Trước khi du học Mỹ, mình chỉ biết đến đất nước này qua phim ảnh, chưa hề có định hướng hay dành thời gian tìm hiểu một cách nghiêm túc. Khi gia đình gợi ý du học Mỹ, mình không duy nghĩ nhiều, nhanh chóng đồng ý và điều đó khiến mình gặp một số cú sốc.

Ngoại ngữ

Tại Mỹ, trường cấp ba công lập hầu hết dành cho những bạn có quốc tịch Mỹ, thẻ xanh hoặc sang học theo chương trình trao đổi văn hóa. Mình theo học tại Memorial Hall School, bang Texas, một trường tư thục nhỏ, chỉ khoảng 100 học sinh và đa số là người ngoại quốc. Thời điểm đó, tiếng Anh của mình không có gì nổi bật nếu không muốn nói hơi kém so với bạn bè.

Vì trường không bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ, mình đã không thi IELTS hay TOEFL trước khi du học. Vì vậy, mình tham gia lớp học tiếng Anh đầu vào của trường. Trình độ ngoại ngữ hạn chế trở thành rào cản của mình trong quá trình học, giao lưu, kết bạn. Mình không nghe, hiểu được những gì giảng viên nói, rụt rè không dám kết bạn và tham gia hoạt động xã hội trong và ngoài trường.

Trừ môn Toán, chủ yếu yêu cầu tính toán và học nhẹ hơn so với kiến thức mình đã biết tại Việt Nam, các môn đọc và viết nhiều như Địa lý, Lịch sử, Chính trị, Kinh tế... đều là thử thách lớn với mình. Dù thời khóa biểu không quá nặng, điểm số của mình vẫn rất lẹt đẹt. Mình tự động viên là qua một vài tháng mọi thứ sẽ ổn, nhưng tình hình không thực sự được cải thiện.

Mất vài tháng đầu khủng hoảng, mình nhận ra bản thân phải chấp nhận sự thật là đang bị sốc văn hoá, không nên tự đánh lừa rằng đã thích nghi được với môi trường mới. Từ sự thật đó, mình không giải quyết phần ngọn của vấn đề là cố gắng nhồi nhét tài liệu học trong khi vốn từ và các kỹ năng tiếng Anh đều hạn chế. Thay vào đó, mình luyện ngoại ngữ bằng các bài giảng trên Youtube, Ted talk. Thời gian đầu, mình vẫn mở phụ đề, dần dần quen và nghe được.

Ngoài ra, mình cũng bắt đầu kết bạn, tích cực giao tiếp và chia sẻ với mọi người để cải thiện phản xạ nghe, nói; chăm chỉ hỏi thầy cô về những gì chưa hiểu, xin tư vấn về cách học cũng như một số rắc rối nhỏ trong cuộc sống. Khi mình cảm thấy tự tin hơn, việc tiếp thu kiến thức và hòa nhập với môi trường mới cũng tốt hơn.

Mình nghĩ gặp trở ngại trong việc sử dụng ngoại ngữ là vấn đề chung của du học sinh, đặc biệt là những bạn du học ở độ tuổi 15 như mình. Sở dĩ, khi qua một đất nước mới, việc thành thạo ngoại ngữ là điều khó khăn, nhất là với những học sinh Việt Nam chủ yếu học đọc, viết tại trường phổ thông.


                                                                             Trương Thời Tiến trong thời gian sông và học tập tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cách học

Mỹ chú trọng giáo dục khai phóng, đánh giá cao yếu tố cá nhân và tư duy của học sinh. Trước một vấn đề, mình có thể thích hoặc không, miễn đưa ra ví dụ chứng minh cho quan điểm bản thân. Một tuần, mình chỉ học bốn ngày, buổi sáng bắt đầu từ 7h, chiều đến 16h30, cả kỳ chỉ học 7 môn.

Về kiến thức, đa số môn tự nhiên hầu hết đã được học trong chương trình THCS ở Việt Nam nên mình không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với các môn xã hội phải đọc và viết nhiều, bạn cần thay đổi tư duy và cách học.

Chẳng hạn, trường mình dạy một số môn về tâm lý. Phần thi cuối khóa không có đề cương nên không thể áp dụng cách học vẹt, học thuộc. Thay vào đó, mỗi bài sẽ có ghi chú, thầy cô nhấn mạnh ý nào thì bạn nên học theo những phần đó. Không chỉ vậy, bài thi cũng có nhiều hình thức như trắc nghiệm, tự luận, viết tiểu luận. Những bài dạng viết sẽ không có đáp án đúng sai cụ thể, miễn là bạn có thể đưa ra quan điểm và trình bày thuyết phục.

Do đó, nếu vẫn giữ cách học vẹt hoặc ôn tủ như cũ, bạn sẽ không vượt qua được những bài kiểm tra này. Bạn cần chủ động, tìm kiếm thông tin để có thêm kiến thức nền hoặc tổ chức các buổi học nhóm, vừa rèn luyện khả năng giao tiếp, vừa dễ trao đổi nội dung bài. Nếu gặp khó khăn trong ôn tập, bạn nên hỏi giáo viên. Các thầy cô cởi mở sẽ là một kênh tư vấn hữu ích cho du học sinh khi mới ra nước ngoài.

Tự lập

Mình nghĩ một trong những yếu tố quan trọng khi du học độ tuổi 15 chính là yếu tố tự lập. Mình cũng từng là học sinh đang được bố mẹ chăm lo, chỉ cần ăn và học nhưng phải thay học cách thích nghi, tự lập khi đến Mỹ. Bạn có thể ở nhà của người bản ngữ, giáo viên trong trường (theo dạng host, homestay) nhưng vẫn cần tự lập.

Những việc vốn lặt vặt như mấy giờ ngủ dậy, đồ dùng sinh hoạt sắp xếp ra sao cũng do bạn quyết định chứ không còn nhờ đến mẹ như lúc còn ở Việt Nam. Thời gian đầu, bạn có thể "nhớ trước quên sau", làm mọi thứ rối tung lên, không thể nấu ăn..., mình cũng từng như vậy. Tuy nhiên, mình nghĩ ai cũng cần trải qua quá trình này thì mới trưởng thành và thích nghi được với môi trường mới.

Ngoài ra, một vài điều thú vị ở Mỹ mà khi đến nơi mình mới nhận ra quan điểm trước kia của bản thân là sai lầm. Khi xem phim, mình thấy Mỹ có rất nhiều nhà cao tầng và nghĩ ở đâu trên đất nước này cũng như vậy. Hóa ra, người Mỹ thường sống ở ngoại ô, nơi có các căn nhà san sát nhau, thấp tầng và trông rất giản dị, còn thành phố là nơi làm việc.

Khi qua Mỹ, mình nghĩ sẽ không có cơ hội được ăn đồ Việt Nam vì lúc đó trình độ nấu ăn của mình cũng chưa tốt lắm. Tuy nhiên, mình được biết ở Mỹ có khu người Việt với cộng đồng người Việt Nam hoặc gốc Việt sinh sống. Tại đây, bạn có thể thưởng thức mọi món ăn Việt Nam với chất lượng tương đương quê nhà. Lúc mới sang, việc được ăn những món này giúp mình đỡ nhớ nhà và quen thêm nhiều người Việt Nam tại Mỹ hơn.

Theo vnexpress