Từng học cử nhân Kế toán và thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Victoria, Melbourne, chị Trương Nguyễn Thoại Giang (48 tuổi, quê Bình Dương, hiện làm việc cho Chính phủ Australia) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc khỏe khi du học.

Trước khi mua bảo hiểm y tế (Overseas Student Health Cover, gọi tắt là OSHC), bạn nên tham khảo review trên mạng, so sánh các gói OSHC để chọn sản phẩm phù hợp với tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh của mình. 

Đa số du học sinh chọn gói standard (tiêu chuẩn) gồm những hạng mục cơ bản. Nhưng nếu bạn có tiền sử bệnh hay con nhỏ thì nên chọn gói essential (thiết yếu) hay comprehensive (toàn diện). Những gói này chi trả nhiều hạng mục cần thiết với mức bồi hoàn cao hơn. Bạn cũng nên chọn nhà cung cấp OSHC lớn và uy tín.

Sau khi đến Australia, bạn hãy khởi động (activate) thẻ bảo hiểm (membership) của mình càng sớm càng tốt vì có thể cần dùng đến nó nay mai. Hãy tải app của công ty bảo hiểm vào điện thoại để tiện sử dụng.

Nếu bạn không vừa ý với gói bảo hiểm (policy) hiện tại thì cũng có thể đổi sang gói khác của cùng công ty hoạc đổi hẳn sang công ty khác. Thủ tục chuyển đổi tương đối dễ và nhanh. Nhưng phải đảm bảo là bạn được bảo hiểm liên tục, không bị gián đoạn.

Mỗi công ty bảo hiểm có danh mục các bác sĩ đa khoa (general practitioner, gọi tắt là GP) mà họ liên kết. Những GP này tính giá sàn khám bệnh (bulk billing) của chính phủ nên bạn chỉ cần quẹt thẻ bảo hiểm và không phải trả thêm chi phí gì ngoại trừ phí admin (phí quản lý) không đáng kể.

Tuy nhiên, những phòng mạch này thường không có bác sĩ người Việt và đôi khi quá xa nên nhiều bạn chọn đi GP gần nhà. Trường hợp này bạn phải trả tiền trước, lấy hóa đơn rồi claim (đòi tiền) lại.

GP bên ngoài có thể lấy cao hơn giá sàn nên bạn phải trả thêm phần chênh lệch. Ví dụ đối với một lần khám bệnh ngắn (short consultancy) bảo hiểm chi trả cho GP $36.30. GP người Việt ở Footscray lấy du học sinh khoảng $50, GP người Australia ở City có thể lấy $90 hay nhiều hơn, nhưng dù cho GP tính giá bao nhiêu thì bạn cũng chỉ claim lại được $36.30 và phải chịu phần còn lại.

Trước khi sử dụng dịch vụ, nếu có gì chưa rõ bạn nên điện thoại hỏi để không vô tình sử dụng sản phẩm không được bảo hiểm vì phí chăm sóc y tế ở Australia rất cao. Những công ty bảo hiểm lớn sẽ có nhân viên trực 24h/7 để giải đáp kịp thời thắc mắc của khách hàng. Tùy theo điều khoản của gói OSHC mà bạn được hỗ trợ những chi phí khám và chữa trị nào. Có những hạng mục được chi trả 100%, nhưng cũng có mục chỉ được trả 85% hoặc ít hơn.

Ngược lại, bạn cũng nên tận dụng hết quyền lợi bảo hiểm của mình. Bạn tôi đều đặn mỗi năm khám sức khỏe tổng quát, thử máu, chụp X quang đều được chi trả. Bạn cũng có thể được khám mắt mỗi năm một lần.

Khám mắt tại phòng nhãn khoa M&M Optix, Footscray, Australia. Ảnh: Thoại Giang.

Khám mắt tại phòng nhãn khoa M&M Optix, Footscray, Australia. Ảnh:Thoại Giang.

OSHC không bao gồm chi phí nha khoa như trám, nhổ răng. Nếu muốn bạn phải mua thêm gói extra (phụ). Tuy nhiên, nha sĩ không được nhà nước trợ giá nên rất mắc. Trám một cái răng có thể mất vài trăm đô nên đa số du học sinh thường tranh thủ mỗi dịp về Việt Nam thì làm răng. Nếu bất đắc dĩ phải đi nha sĩ, bạn nên tham khảo ý kiến các du học sinh khác trên Facebook Hội sinh viên Việt Nam Australia để tìm phòng nha khoa bình dân, và nhớ hỏi giá trước.

Trường hợp khẩn cấp cần trợ giúp ngay, bạn có thể gọi số 000 và yêu cầu ambulance (xe cứu thương). Đứa con thứ hai của tôi đẻ rớt ở nhà, gọi ambulance 10 phút là họ có mặt, cắt dây rốn và chở hai mẹ con đi bệnh viện phụ sản. Tới nơi tôi đã thấy chị nữ hộ sinh phụ trách chờ sẵn ở Emergency (Khoa cấp cứu) với đầy đủ giấy tờ và đẩy băng ca thẳng lên phòng. Tuy nhiên, nếu không phải cấp cứu mà sử dụng xe cứu thương thì bảo hiểm sẽ không chi trả, bạn phải bỏ tiền túi ít nhất $1,265 cho một lần gọi.

Nếu bạn chỉ bị hắt hơi, sổ mũi thì có thể mua thuốc cảm ho thông thường ở nhà thuốc tây. Nhiều nhà thuốc tây mở cửa 24h/7.

Khi bệnh nặng hơn bạn nên đi gặp GP. Nếu không nghiêm trọng GP sẽ kê toa cho bạn ra nhà thuốc mua. OHSC chi trả tiền cho thuốc kê toa nằm trong hạng mục quy định (Pharmaceutical Benefits Scheme) khi giá trị toa thuốc của bạn lớn hơn $40.30. Công ty bảo hiểm trả phần chênh lệch với mức tối đa là $50 một toa, và không quá $300 một năm nếu bạn độc thân.

GP sẽ cho bạn đi thử máu, chụp X quang, quét CT (scan), MRI nếu cần. Trường hợp bệnh tình của bạn nằm ngoài khả năng của GP thì họ sẽ viết thư giới thiệu (referral letter) vào bệnh viện hay gặp specialist (bác sĩ chuyên khoa). Thông thường OSHC sẽ trả hoàn toàn chi phí bệnh viện. Bạn tôi mổ chỉnh mắt không tốn một đồng. Nhưng để lấy được lịch hẹn với bệnh viện đôi khi phải chờ cả 6 tháng. Cho nên nhiều bạn chọn trả thêm tiền và đi specialist bên ngoài. Trường hợp này, bạn phải chịu phí chênh lệch, cao hay thấp tùy specialist.

Bạn cũng nên tìm hiểu xem bảo hiểm của mình có chi trả cho Home Doctor (bác sĩ đến nhà) hay không. Nếu có, bạn nên tải app của Home Doctor sẵn, đêm hôm trái gió trở trời chỉ cần vào app đặt cuộc hẹn, rồi ngồi nhà đọc sách, xem tivi hoặc ngủ khi nào bác sĩ sắp tới sẽ nhắn tin. Dịch vụ này mở cửa từ 6h chiều tới 8h sáng hôm sau các ngày trong tuần, thứ bảy từ 12h trưa, chủ nhật và ngày lễ thì 24h. Tôi có con nhỏ nên là khách hàng thân thiết, thường xuyên.

Nếu bạn bị tai nạn, hay bệnh nặng, nguy kịch thì hãy trực tiếp đến bệnh viện. Tại Emergency y tá sẽ thăm khám sơ và chỉ định bạn gặp bác sĩ ngay nếu bị tim mạch hay hô hấp. Đối với những triệu chứng ít khẩn cấp hơn thì tùy mùa, tùy ngày bạn có thể phải chờ nhiều giờ mới được gặp bác sĩ.

Khi tới bệnh viện, việc đầu tiên là bạn phải đóng tiền thế chân. Hiện nay Bệnh viện Nhi đồng Melbourne lấy $560. Nếu sau khi bác sĩ khám và cho bạn nhập viện thì phải đóng thêm cho đủ $1450. Khi xuất viện, bệnh viện sẽ hoàn lại tiền thừa. Bạn đem hóa đơn về claim bảo hiểm sau. Em họ tôi bị bỏng, đến bệnh viện ngồi chờ mòn mỏi vẫn chưa gặp được bác sĩ, nghĩ cũng không nghiêm trọng lắm liền lấy tiền lại ra về, hôm sau đi GP cho đỡ mất thời gian.

Nếu bạn đi bệnh viện có liên kết với công ty bảo hiểm thông qua thư giới thiệu của GP thì không phải đóng tiền thế chân. Nếu bạn có tiền sử bệnh thì phải có thời gian chờ sau khi mua bao hiểm, không thể vừa mua là sử dụng ngay.

Để được bảo hiểm khi sinh con, bạn phải mua trước 12 tháng. Bạn tôi mới đổi công ty bảo hiểm thì phát hiện mang thai. Nhờ đã mua OHSC với công ty cũ liên tục đủ 12 tháng nên vẫn được công ty bảo hiểm mới cover. Bạn ấy chỉ cần xin giấy chứng nhận (clearance certificate) từ công ty cũ. Gói bảo hiểm của bạn tôi chi trả hoàn toàn chi phí sinh con ở bệnh viện kể cả khám thai, siêu âm.

Sau khi có em bé, bệnh viện sẽ giới thiệu bạn và cháu đến Maternal and Child Health (Sức khỏe bà mẹ và trẻ em) ở địa phương nơi bạn cư ngụ. Tại đây, y tá mẫu nhi sẽ thăm khám định kỳ và chích ngừa cho các bé từ sơ sinh cho tới 5 tuổi. Dịch vụ này được nhà nước tài trợ cho tất cả bà mẹ và trẻ em ở Australia không phân biệt người dân bản xứ hay ngoại quốc. Trước đây con tôi hay khóc đêm nên được giới thiệu đi trường ngủ (Sleeping school) miễn phí hoàn toàn.

Chính phủ Australia cũng cung cấp dịch vụ sức khỏe tình dục miễn phí cho du học sinh. Tại Melbourne, bạn có thể tìm đến Melbourne Sexual Health Centre (Trung tâm Sức khỏe tình dục) để được tư vấn, cung cấp lời khuyên về các vấn đề tế nhị liên quan đến an toàn tình dục, như: ngừa thai, cách phòng tránh các bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường tình dục.

Ngoài ra, sức khỏe tinh thần là vấn đề đang được quan tâm ở Australia. Du học sinh mới sang thường đối mặt với những nỗi lo lắng về việc học, việc làm, tiếng Anh, cô đơn, nhớ nhà dẫn đến căng thẳng, trầm cảm. Bạn không nên nghĩ quẩn mà hãy liên hệ văn phòng hỗ trợ sinh viên của trường, Hội Sinh viên Việt Nam Australia để được giúp đỡ nhanh chóng. Bạn cũng có thể gọi đường dây nóng của Beyond Blue, Lifeline bất cứ lúc nào, những tổ chức này hỗ trợ miễn phí về tinh thần cho du học sinh bằng nhiều ngôn ngữ.

Có thể nói rằng y tế công cộng của Australia nằm trong nhóm tốt nhất thế giới. Du học sinh cũng được đối xử công bằng và tử tế. Gần đây, trước sự lây lan dịch Covid-19, chính phủ đã có những hành động thích ứng và cụ thể để trấn an người dân. Từ nhiều năm nay, Australia đã thiết lập những kho dự trữ thuốc kháng sinh, thuốc cấp cứu, trang thiết bị y tế để đối phó với khủng hoảng y tế như nguy cơ lan truyền dịch bệnh. Trước Covid-19, chính phủ tuyên bố có sẵn 20 triệu khẩu trang phát cho dân chúng khi cần thiết.

Theo vnexpress