Du học để góp phần kiến giải thực tế
Năm 2012, Thanh Tùng là một trong ba sinh viên được ĐH Y Hà Nội chọn tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại Học viện Karolinska – Thuỵ Điển. Đó là lần đầu tiên, chàng trai 9X được tận mắt chứng kiến một môi trường giáo dục, nghiên cứu và hệ thống chăm sóc sức khỏe của một đất nước phát triển, lần đầu tiên nhận thấy một hệ thống dự phòng tốt có thể tạo ra những thay đổi to lớn với người bệnh…
Trong những buổi hội thảo tại trường, khi các sinh viên Y khoa đến từ Châu Âu trình bày về những thành tựu của chương trình sàng lọc và phòng chống ung thư của nước họ, Tùng chỉ có thể ngồi lặng thinh vì chúng ta chưa hề có nhưng chương trình như vậy.
Những trải nghiệm đó đã thay đổi sâu sắc quan điểm của chàng trai Việt về giáo dục y khoa, nghiên cứu cũng như thực hành lâm sàng. Những câu hỏi nảy ra trong đầu nam sinh Việt: Việt Nam sẽ phát triển như thế nào nếu có một hệ thống giáo dục và y tế như nước bạn? Với Tùng, việc đi du học là một bước đầu tiên trong cuộc hành trình đầy cam go để góp phần bé nhỏ trong việc tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó.
Phạm Thanh Tùng nhận 2 học bổng thạc sĩ ĐH Y danh giá nước Mỹ.
Định hướng bản thân thông qua bức tranh về y tế nước nhà
Trong bài luận gửi ĐH Y khoa tại Mỹ, Tùng đã viết về khởi nguồn của ước mơ du học ngành Dịch tễ học. Anh chàng cũng nói về thực trạng hiện tại của Việt Nam thông qua con mắt của một sinh viên Y khoa: những bệnh viện ung thư chật kín bệnh nhân ở giai đoạn cuối, những bệnh nhân đang phải sử dụng hết những khoản tiền mà cả gia đình họ dành dụm để chữa bệnh khi chương trình bảo hiểm của chúng ta chưa thể chi trả hết mọi chi phí, hệ thống dữ liệu và theo dõi ung thư quốc gia chưa được xây dựng.
Chính những khó khăn đó lại tiếp tục tạo thêm động lực để thực hiện ước mơ xây dựng một chương trình sàng lọc và phòng chống ưng thư cho Việt Nam của Thanh Tùng. Động lực đó cũng thúc đẩy Tùng tham gia nhiều dự án nghiên cứu, đồng thời khởi động một số dự án nhỏ nhằm giúp sinh viên Y sẵn sàng trong việc đối mặt với sự gia tăng của các bệnh mãn tính tại Việt Nam.
“Mình nghĩ việc mình sẵn sàng khởi động các dự án mới chứ không chỉ tham gia vào các dự án đã có nền tảng cùng là một trong những yếu tố mà các trường Đại học Mỹ tìm kiếm – Khả năng lãnh đạo và tư duy đổi mới”, Tùng bật mí.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Thanh Tùng đã “lăn xả” vào các hoạt động nghiên cứu từ khoa học cơ bản, nghiên cứu lâm sàng trong lĩnh vực loãng xương, hoạt động thể lực và cả các nghiên cứu về giáo dục Y khoa.
Tùng trong ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp.
Nhờ có sự giúp đỡ của thầy cô và nhóm nghiên cứu, anh chàng đã tích cóp các kỹ năng nghiên cứu cần thiết cho việc tiếp tục theo học ở nước ngoài và từng bước hình dung bức tranh toàn cảnh về các hoạt động nghiên cứu và học thuật ở Việt Nam, đặc biệt là trong Y học. Theo Tùng, việc hiểu rõ nước mình đang thiếu những gì giúp ứng viên dễ dàng định hướng bản thân hơn khi tìm kiếm các chương trình học sau này.
Tốt nghiệp Đại Học Y Hà Nội vào Hè năm 2015 với điểm 8.14/10 (Đứng thứ 37 toàn khoá), Tùng trau dồi và vượt qua các kì thi chuẩn hóa để gửi hồ sơ du học. Hồ sơ của chàng trai Việt với khát khao cháy bỏng góp sức cho nền y tế nước nhà được nhiều trường ĐH Y hàng đầu thế giới chấp nhận.
Đáng nói nhất trong đó là Đại Học Harvard, Đại Học Johns Hopkins và Học viện Karolinska. Do được cấp học bổng VEF (trị giá 54.000 USD) nên Thanh Tùng sẽ phải đàm phán với trường để có hỗ trợ tài chính bổ sung.
Tùng cho biết, hiện tại thì Đại Học Johns Hopkins đã trao thêm học bổng trị giá 28.000 USD để đối ứng với học bổng VEF (Tổng cộng là 82.000 USD chưa bao gồm vé máy bay và 1 số khoản khác mà học bổng VEF sẽ chi trả).
Tại Thuỵ Điển, 9X Việt cũng nhận được học bổng toàn phần của chính phủ Thuỵ Điển bao gồm vé máy bay, chi phí sinh hoạt và học phí trị giá 294,000 SEK cho năm đầu tiên. Học bổng này sẽ được cấp tiếp vào năm thứ 2 nếu kết quả học tập năm thứ nhất đạt yêu cầu.
Bí quyết để chinh phục học bổng thạc sĩ của Thanh Tùng là “bớt chút thời gian đi ngủ và đi chơi để tập trung vào công việc học tập và nghiên cứu”.
Dịch tễ học – mảnh ghép ước mơ
Thanh Tùng lựa chọn học ngành Dịch tễ, một chuyên ngành của Y tế công cộng và tập trung vào dịch tễ học ung thư khi học thạc sĩ tại Mỹ.
“Kiến thức về dịch tễ học sẽ cung cấp cho mình phương pháp để thực hiện các nghiên cứu còn đang ấp ủ. Các môn học khác của chuyên ngành Y tế công cộng trải dài từ chính sách y tế, kinh tế y tế đến giáo dục sức khoẻ cũng đều là các kiến thức cần thiết để mình thực hiện mục tiêu của mình”.
Anh chàng cũng rất háo hức vì sẽ có cơ hội làm việc với các giáo sư và nhóm nghiên cứu đã xây dựng nên các chương trình sàng lọc và tầm soát ung thư tại nhiều nước trên thế giới.
Bí quyết để một sinh viên trường Y vốn bận rộn với lịch học tập, nghiên cứu dày đặc vừa hoàn thành tốt chương trình ĐH vừa thành công trong việc chinh phục học bổng thạc sĩ của Thanh Tùng chính là “bớt chút thời gian đi ngủ và đi chơi để tập trung vào công việc học tập và nghiên cứu”.
Thêm vào đó, “các trường ĐH và chương trình học bổng luôn tìm kiếm những nhà lãnh đạo tiềm năng và có sức ảnh hưởng trong chuyên ngành, họ tìm kiếm những người hiểu bản thân mình muốn làm gì và sẵn sàng thực hiện mục tiêu của bản thân kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Điều đó thể hiện qua kinh nghiệm của ứng viên, những việc họ đã làm, những thành công và cả thất bại… Bạn cần cho trường và các chương trình học bổng thấy rằng học bổng đó và tấm bằng đó là mảnh ghép còn thiếu, là mảnh ghép bạn đang tìm kiếm để bạn đạt được ước mơ và dự định của bản thân”, Tùng chia sẻ.
Theo Dân trí