Du học sinh như "bò sữa"?

Tại nhiều nước, giáo dục đang được phát triển như một ngành xuất khẩu mũi nhọn, đem lại khoản thu khổng lồ cho nền kinh tế. Đa phần các nước đều áp dụng chế độ học phí riêng cho du học sinh, cao hơn nhiều so với học sinh bản địa.

Du học sinh đang bị 'vắt kiệt' sau đại dịch? - Ảnh 1.

Du học sinh tại nhiều quốc gia đang phải đóng mức học phí cao hơn nhiều so với học sinh bản địa

PEXELS

Vì thế, khi trào lưu du học ngày càng phổ biến, nguồn thu từ sinh viên quốc tế được ví như "gà đẻ trứng vàng", hay thậm chí là "bò sữa" (cash cow, tức sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại lợi nhuận lớn, lâu dài một cách dễ dàng), khi cần thì "vắt" và có thể "vắt" càng lâu càng tốt.

Theo đó, một cuộc thăm dò mới đây do hai tổ chức Navitas và Nous Group phối hợp thực hiện với hơn 100 nhà lãnh đạo giáo dục quốc tế ở Úc, Canada và Anh cho thấy các trường ĐH đang ưu tiên hai việc: tăng cường tuyển sinh du học sinh và đẩy cao doanh thu. Điều này diễn ra bất chấp các nguy cơ có thể mang lại trong môi trường hậu đại dịch "siêu cạnh tranh".

Cụ thể, hầu hết đại diện các trường được hỏi đều có kế hoạch tăng học phí, thường là 4-5% ở Úc và có thể trên 5% ở Anh. Dù mức tăng không quá cao, nhưng việc các trường ĐH theo đuổi số lượng, doanh thu bằng cách đánh đổi chất lượng, sự đa dạng đã cho thấy những rủi ro đáng báo động liên quan đến việc đảm bảo trải nghiệm học tập và kết quả đào tạo của sinh viên quốc tế, những yếu tố phải được chú trọng tuyệt đối.

Du học ngày càng đắt đỏ

Không chỉ các trường ĐH, chính phủ một số quốc gia cũng hướng đến việc chuyển gánh nặng chi phí sang du học sinh bằng các chính sách khác nhau.

Ở Anh, Thủ tướng Rishi Sunak hôm 13.7 thông báo những người sống, làm việc và học tập ở quốc gia này nhưng không có quốc tịch Anh sẽ chịu mức phí tăng đáng kể. Điều này nhằm huy động hơn 1 tỉ bảng Anh để tăng lương cho công chức nước này, với mong muốn chấm dứt phong trào đình công của giáo viên, bác sĩ và y tá kéo dài nhiều tháng qua tại Anh, theo trang tin The PIE News.

Việc đẩy các chi phí cho người nước ngoài, trong đó có du học sinh, đã vấp phải nhiều bất bình. Tuy nhiên, ông Rishi Sunak xem đây là giải pháp duy nhất vì không muốn yêu cầu người dân Anh phải chi tiền và không muốn tăng thuế hay vay mượn thêm.

Vì lẽ đó, du học sinh muốn đến Anh thời gian tới sẽ phải trả phụ phí y tế (Immigration Health Surcharge) là 776 bảng Anh/năm (khoảng 23 triệu đồng, tăng 65% so với trước đó là 470 bảng Anh). Phí thị thực đối với sinh viên quốc tế cũng sẽ tăng khoảng 20% (con số cụ thể chưa được công bố).

Du học sinh đang bị 'vắt kiệt' sau đại dịch? - Ảnh 3.

Sinh viên quốc tế đang theo học tại Anh

UCL

Ngoài Anh, một số nước châu Âu trước đây nhận được sự quan tâm của sinh viên quốc tế nhờ chính sách học phí gần như miễn phí, hiện nay cũng bắt đầu có hướng tiếp cận thực dụng hơn.

Tại Phần Lan, các trường ĐH cho biết sẽ tăng học phí đối với du học sinh, theo các chính sách được công bố gần đây của chính phủ mới. Các cộng đồng du học sinh tại Phần Lan cũng đang chỉ trích chính phủ về việc cắt giảm hỗ trợ về nhà ở.

Ngoài ra, Phần Lan cũng sẽ kiểm soát chặt hơn vấn đề nhập cư trong một loạt đề xuất sắp tới. Theo đó, thẻ cư trú sẽ bị thu hồi nếu sinh viên quốc tế xin trợ cấp xã hội, trong khi những người đang nộp đơn xin thường trú nhân phải trải qua một bài kiểm tra ngôn ngữ và chứng minh rằng họ chưa xin trợ cấp thất nghiệp khi ở Phần Lan, ngoại trừ trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Du học sinh đang bị 'vắt kiệt' sau đại dịch? - Ảnh 4.

Du học sinh đã và đang học tập tại Pháp chia sẻ kinh nghiệm học tập, sinh hoạt tại quốc gia này hồi tháng 7.2023

NGỌC LONG

Chung động thái, Na Uy hồi tháng 6.2023 cho biết sẽ chính thức đóng lại chính sách học miễn phí dành cho sinh viên quốc tế không đến từ các nước thuộc khối Liên minh châu Âu, bất chấp lo ngại sẽ khiến các trường ĐH tại Na Uy gặp khó khăn trong quá trình quốc tế hóa cũng như tuyển sinh kém đa dạng hơn.

Mô hình "đa cấp" ở Úc

Tại Úc, điểm đến du học đang chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng có về số du học sinh, nhiều chuyên gia giáo dục đã chỉ trích chiến lược của chính phủ hiện nay giống như "mô hình Ponzi" (mô hình đa cấp kim tự tháp, có điểm nổi bật là hứa hẹn lãi suất đầu tư rất lớn nhưng thực tế không hẳn như vậy), theo trang tin Macro Business.

"Mô hình Ponzi" đã tạo ra nhiều "kẽ hở" cho các đơn vị tư vấn du học kém chất lượng, khiến họ thẳng tay "bào" sinh viên quốc tế bằng cách thổi phồng quá mức các quyền lợi trong khi thực tế không "màu hồng" như hứa hẹn.

Hệ quả là nhiều du học sinh tại Úc đang học các chương trình kém chất lượng mà nhà tuyển dụng không đánh giá cao. Và giá thuê nhà ở các thành phố lớn như Sydney, Melbourne, Adelaide... cũng có mức tăng hàng năm 11-15%, khiến sinh viên quốc tế thêm nặng gánh chi phí.

Du học sinh đang bị 'vắt kiệt' sau đại dịch? - Ảnh 5.

Người học Việt Nam tìm hiểu về học bổng chính phủ Úc trong một sự kiện tư vấn hồi tháng 2.2023

NGỌC LONG

Mặt khác, nhờ quyền lợi được ở lại làm việc sau tốt nghiệp, số lượng cựu sinh viên có thị thực tốt nghiệp tạm thời đã tăng gần 52,5%, từ 95.259 lên 144.694 người trong năm 2022. Tuy nhiên, trong một khảo sát của Trung tâm lao động nhập cư (Migrant Workers Centre) công bố vào năm 2021, 64,8% người có thị thực tạm thời cho biết đã bị "ăn cắp" tiền lương khi làm việc tại Úc, hầu hết là sinh viên quốc tế.

Theo Thanh niên