Adeline Leng dự kiến bắt đầu học tại một trường ngôn ngữ ở Nhật Bản hồi tháng 4 năm ngoái, nhưng đến giờ vẫn chưa thể sang vì chính sách kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.

Adeline, 26 tuổi, nộp hồ sơ cách đây 16 tháng. Kể từ đó, nữ sinh người Singapore chỉ biết chờ đợi. Trong cuộc phỏng vấn với Kyodo News mới đây, Adeline cho hay cô căng thẳng vì thời gian trôi qua mà không thể tới Nhật học.

Du học sinh ngóng Nhật Bản mở cửa biên giới

Adeline Leng trả lời phỏng vấn online hãng Kyodo News từ nhà ở Singapore hôm 14/1. Ảnh chụp màn hình

Nhật Bản cấm nhập cảnh với người nước ngoài không phải là công dân hay thường trú nhân từ cuối tháng 11/2021, vài ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định Omicron là một biến thể đáng lo ngại và dễ lây lan.

Adeline có bà nội là người Nhật. Cô sinh ra ở Singapore nhưng chuyển đến Australia năm 10 tuổi. Trước đó rất lâu, Adeline đã muốn đến Nhật sống. Cô nhớ từng nói ra mong muốn ấy với bố mẹ từ khi 13, 14 tuổi nhưng được bảo rằng sẽ phải đối mặt với những rào cản ngôn ngữ và văn hóa do "không phải người Nhật 100%".

Dù vậy, Adeline vẫn mong tới Nhật. Cô đã bắt đầu học ngôn ngữ này khi còn học trung học. Adeline có bằng thạc sĩ về kiến trúc và thiết kế đô thị nhưng chuyển sang thiết kế kỹ thuật số khi đại dịch bắt đầu vì cảm thấy "ngành xây dựng đang hoạt động không tốt".

Cũng trong thời gian này, cô có bạn trai người Australia đang sống và kinh doanh tại Nhật Bản. Mục tiêu của Adeline là ngày nào đó được làm việc cho một công ty công nghệ Nhật Bản.

Theo Adeline, các hạn chế nhập cảnh của Nhật Bản đối với người nước ngoài quá nghiêm ngặt.

Trong khi một số người bạn cùng chí hướng đã chuyển sang các nước châu Âu, Anais Cordeiro de Medeiros, ở Brazil, vẫn trung thành với lựa chọn của mình. Cô không từ bỏ Nhật Bản, dù kế hoạch du học tới xứ sở Phù Tang của cô đã tan thành mây khói.

Cô gái 29 tuổi dự kiến học cao học ở Tokyo trong hai năm kể từ tháng 4/2020. Cô đã thôi việc, bán ôtô và thu dọn đồ đạc ở nhà tại thành phố Rio Branco, khi tình hình đại dịch diễn biến theo chiều hướng tồi tệ, nhưng cuối cùng vẫn chưa thể sang Nhật.

Du học sinh ngóng Nhật Bản mở cửa biên giới - 1

Anais Cordeiro de Medeiros (trái) chụp ảnh cùng người thân tại nhà ở thành phố Rio Branco tháng 2/2020. Ảnh: Anais Cordeiro de Medeiros

Chênh lệch múi giờ đến 14 tiếng nhưng cô quyết định học trực tuyến các lớp của trường tại Tokyo. Anais cho rằng, lệnh cấm đi lại "chắc chắn sẽ có "tác động xã hội tiêu cực".

"Tôi không phải là một mối đe dọa. Tôi chỉ là một sinh viên", nữ sinh Brazil cho hay.

Sau khi hoàn thành luận văn thạc sĩ bằng cách nghiên cứu từ xa trong gần hai năm và đặt vé máy bay đi Nhật Bản "hơn 10 lần", lễ tốt nghiệp của cô đang đến gần. Nếu lệnh cấm được nới lỏng, cô có thể tham dự lễ tốt nghiệp ở Tokyo vào giữa tháng ba.

Davide Rossi, hiện điều hành một công ty có trụ sở tại Tokyo giúp các du học sinh học tập tại Nhật Bản, lên án các chính sách "tiêu chuẩn kép" là "hoàn toàn không công bằng" và "khá vô nghĩa".

"Chính phủ giải thích lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh nhằm ngăn chặn Omicro, như thể chỉ những người nước ngoài mới có thể mang Omicron vào", Rossi, 39 tuổi, nói, cho hay những sinh viên anh biết đều sẵn sàng cách ly miễn là được yêu cầu.

Năm 2008, Rossi rời Italy tới Tokyo học ngôn ngữ. Anh thành lập một hiệp hội mang tên "Mở cửa biên giới để học tập an toàn" vào mùa xuân năm ngoái để hỗ trợ sinh viên nước ngoài bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát biên giới của nước này và chia sẻ thông tin với họ.

"Tôi không thể tự mình thay đổi mọi thứ, bởi điều này quá lớn nhưng tôi đã quyết định làm điều gì đó cho các sinh viên", Rossi chia sẻ.

Theo Rossi, ngày càng có nhiều sinh viên từng yêu mến Nhật Bản đã "thay đổi thái độ thành ghét bỏ".

Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết có khoảng 147.000 người đang chờ đợi để nhập cảnh vào Nhật, nhưng "một số lượng đáng kể" trong số họ được cho là không còn muốn đến nữa.

Lệnh cấm nhập cảnh của Nhật Bản bị quốc tế chỉ trích, trong đó có WHO. Tổ chức này đã thúc giục các quốc gia thành viên dỡ bỏ hoặc nới lỏng các lệnh cấm đi lại quốc tế vào giữa tháng một.

Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng lên tiếng, lo ngại những bước đi như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế về lâu dài do giảm lượng lao động nước ngoài và các nhà nghiên cứu tài năng.

Tuy nhiên, chính sách siết chặt biên giới lại được phần lớn người dân Nhật Bản ủng hộ. Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho hay chính phủ sẽ duy trì kiểm soát biên giới "cho đến cuối tháng hai".

Rossi cho rằng chính phủ nên đưa ra một "tiêu chí và thời gian rõ ràng" về cách thức và thời điểm cho phép người nước ngoài nhập cảnh để sinh viên quốc tế có thể chuẩn bị cho phù hợp.

"Trong thời đại toàn cầu hóa này, việc cấm đi lại không có lợi cho người dân Nhật Bản, cho cả nước Nhật và thế giới", Adeline bày tỏ.

Theo vnexpress