Thư làm thêm ở tiệm KFC thuộc trung tâm thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia. Hôm qua cũng như mọi ngày, có ít nhất hai khách hàng không đeo khẩu trang khi vào tiệm. Một người cho biết được miễn vì dị ứng, khó thở. Người kia nói khỏe mạnh, không cần khẩu trang. Thư đã quá quen thuộc trước những lý do biện hộ kiểu này, nhưng không thể từ chối.

Từ đầu tháng 8, tiểu bang Victoria phong tỏa Melbourne. Người dân chỉ được ra khỏi nhà trong vòng 5 km để mua thực phẩm, đi khám bệnh, tập thể dục và đi làm. Người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, nếu không sẽ bị phạt A$200 (hơn 3 triệu đồng). Nhưng vẫn có không ít người bất hợp tác, chống đối. Họ lập luận chính phủ tước mất quyền tự do cá nhân, thậm chí "nhân quyền".

Thư kể dù rất bất mãn với nhóm khách hàng không chấp hành đeo khẩu trang vẫn phải chịu đựng. Hồi cuối tháng 3 khi Australia đang vào đỉnh dịch Covid-19 đợt một, Thư là nhân viên duy nhất mang khẩu trang ở tiệm KFC. Có khách ngần ngại, có khách phản ứng, suy đoán Thư bị bệnh nên mới cần đeo khẩu trang. Và bệnh thì nên nghỉ ở nhà để không lây cho đồng nghiệp, khách hàng.

Thời điểm đó giới chức y tế Australia cho rằng khẩu trang không giúp ngăn ngừa Covid-19. Lại có ý kiến chỉ trích những người như Thư vơ vét khẩu trang nên không đủ cung cấp cho nhân viên y tế. Để tránh xung đột, sếp đề nghị Thư không mang khẩu trang ở chỗ làm.

Làm việc ở tiệm bánh, hai bàn tay Thư đầy vết phỏng, phồng rộp, đau rát. Theo quy định của KFC, mỗi khi nhận tiền của khách hàng, nhân viên phải rửa tay với xà phòng trong 20 giây. Tuy nhiên, đa phần Thư không có thời gian cho việc này vì bồn rửa tay ở cách xa.

"Những lúc tiệm đông khách, nhân viên hầu như chỉ dùng nước rửa tay khô. Ngoài ra cứ 30 phút, em phải dùng nước khử trùng lau chùi vật dụng trong tiệm. Những loại nước này có cồn nên dễ bắt lửa, sơ suất khi chế biến thức ăn có thể bị cháy da", Thư lý giải cho những vết phòng rộp ở tay.

                      Nhà ga xe lửa Southern Cross vắng như chùa Bà Đanh. Ảnh: Minh Thông

Thành phố Melbourne bị giới nghiêm từ 8h tối đến 5h sáng, không ai được ra đường vào giờ này ngoại trừ một số ít người có giấy phép đi làm như Thư. Nếu vi phạm những biện pháp giới hạn trên sẽ bị phạt A$1.652 (khoảng 27 triệu đồng). Khi tiệm KFC đóng cửa lúc 8h, Thư bắt đầu ra về thì Melbourne như thành phố ma. Nhà ga vắng tanh, cả toa xe lửa chỉ có một mình Thư và chỗ ngồi yêu thích của em là cạnh nút báo động.

Tới nơi, Thư chạy một mạch về nhà khi đã dòm trước ngó sau và đảm bảo không có ai bám đuôi. Mặc dù Melbourne là một trong những thành phố an toàn trên thế giới, trong gần một giờ di chuyển từ chỗ làm về nhà Thư luôn cảm thấy lo lắng.

Trường chuyển sang học online nên Thư cũng muốn về Việt Nam. Nhưng mỗi tháng chỉ có 2 chuyến bay trong khi có hơn 3.000 công dân đăng ký. Em cũng không thuộc diện ưu tiên được cứu xét. Bạn Thư về hồi đầu tháng 9, tiền vé máy bay một chiều là US$1.250 (khoảng 29 triệu, cao gấp đôi bình thường).

"Em đang chạy ăn từng bữa nên không thể kiếm được tiền mua vé. Hơn nữa, về rồi không biết lúc nào sang được để học tiếp", Thư lý giải việc phó mặc số phận mấy tháng nay.

Tương tự Nguyễn Tuấn, sinh viên trường Victoria University, cũng đang chật vật làm thêm. Ngoài giờ học online, Tuấn làm vận hành máy ở một nhà máy xử lý rác. Để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, Tuấn đeo hai lớp kính vừa cận vừa bảo hộ. Mỗi lần thở ra do khẩu trang bịt kín hơi nước không thoát được, bám vào kính làm mờ nên Tuấn phải tập trung cao độ hơn bình thường.

Công việc thường xuyên bị gián đoạn vì những việc lặt vặt nhưng mất thời gian như thường xuyên phải rửa tay, chùi kính. Khẩu trang làm mờ mắt, vướng víu khi Tuấn vận hành máy, không cẩn thận có thể gây tai nạn.

                    Nguyễn Tuấn làm thêm ở một nhà máy xử lý rác. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vì dịch bệnh, công ty cho nhân viên văn phòng nghỉ nên ngoài vận hành máy, Tuấn phải đảm trách luôn khâu tiếp khách, đo nhiệt độ cho họ. Một số khách thấy Tuấn ở châu Á thì lập tức yêu cầu được đổi người. Họ cho rằng người châu Á không có kiến thức phòng bệnh, không có ý thức cộng đồng.

Điều này bắt nguồn từ việc Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc. Thứ hai đợt bùng nổ dịch lần hai này ở Australia lây lan từ những người lao động nhập cư gốc Á. Từ đó nhiều người Australia kỳ thị cho rằng người châu Á là nguồn bệnh.

Do ảnh hưởng dịch bệnh, hầu như tất cả lao động thời vụ đều bị cắt giờ làm thêm. Trước đây khi nghỉ giữa học kỳ, Tuấn được làm toàn thời gian nhưng hiện nay chỉ được một hoặc hai ngày. Thư trước làm ba ca mỗi tuần, nhưng lúc này chỉ được chia một ca. Thư dù sao cũng có thể xoay xở vì chỉ có một mình, Tuấn còn phải nuôi vợ thất nghiệp nửa năm nay và hai con chó nên tuần nào ít giờ làm là "căng như dây đàn".

Đi làm mùa dịch gặp nhiều khó khăn, nhưng Thư và Tuấn vẫn thấy may mắn vì còn giữ được việc làm. Ước tính Việt Nam có 25.000 du học sinh ở Australia, nhưng hiện chỉ 10% có việc làm, còn lại phải sống nhờ tiền trợ cấp của gia đình hay vay mượn từ bạn bè, người thân. Ngoài lý do chính là trang trải chi phí sinh hoạt, đi làm thêm còn giúp giải tỏa tâm lý, gặp gỡ đồng nghiệp, giao tiếp với khách hàng, và thư giãn sau giờ học online.

Theo vnexpress