Đối với những tín đồ xê dịch quyết định đi chơi vào thời điểm này, ngoài những mối lo thường thấy, cộng thêm các quy định liên quan đến tình hình dịch bệnh, họ còn phải đối mặt với thách thức mới: sự xấu hổ khi đi du lịch.

Sarah Archer (27 tuổi, Boston, Mỹ) đã trải nghiệm điều này.

"Tôi có bạn trai ở Thụy Sĩ nên đã cố gắng tìm đường vào châu Âu mùa dịch. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản", cô nói.

Cuối tháng 5 vừa qua, Serbia đã mở cửa đón du khách trở lại, bao gồm cả người Mỹ. Vì vậy, Sarah và bạn trai quyết định cùng bay đến đó vào ngày 10/7 để gặp nhau thay vì cố gắng đến quốc gia nơi đối phương sinh sống.

Khi hai người đến Serbia, Croatia cũng mở cửa cho những người mang hộ chiếu Mỹ. Vì vậy, đôi trẻ đã thuê một chiếc ôtô và lái qua biên giới. Đến 1/8, khi chính phủ Thụy Sĩ cho phép người từ Croatia được nhập cảnh vào nước này, Sarah chính thức có thể đoàn tụ cùng người yêu.

Trong suốt quá trình, cô gái 27 tuổi cho biết luôn cố gắng hết sức làm mọi thứ một cách an toàn và hợp pháp. Sarah đã chia sẻ hành trình của mình qua một bài đăng trên Instagram. Tuy nhiên, cô nhận được tin nhắn từ vài người bạn và hỏi liệu cô “có thấy thực sự cần thiết để đi du lịch” vào lúc này hay không.

“Họ cho rằng việc tôi đi du lịch vào thời điểm này là vô trách nhiệm và ích kỷ. Đến mức, tôi phải tự hỏi bản thân: 'Mình có đang làm gì sai không?'”, cô nói.

du lich mua dich anh 2

Sarah tuân thủ các quy định khi đến thăm bạn trai ở Thụy Sĩ.

Sarah cũng cho biết điều trớ trêu là hầu hết người xung quanh cô ở Serbia, Croatia và thậm chí bây giờ ở Bern (Thụy Sĩ), nơi cô sống với bạn trai, đều không đeo khẩu trang khi đi trên đường phố hay thậm chí trong các cửa hàng tạp hóa.

Trong khi đó, cô và bạn trai đeo khẩu trang bất cứ khi nào đến nơi công cộng, dù đôi khi họ là những người duy nhất làm vậy.

“Mọi thứ ở Thụy Sĩ vẫn bình thường. Nhưng vì đến từ Mỹ và biết sức ảnh hưởng của Covid-19, tôi nhận thức rõ hơn, cảm thấy nên có trách nhiệm tự bảo vệ để khiến virus không lây lan”.

Sarah không phải là người duy nhất hoài nghi bản thân về lựa chọn đi du lịch do sự phán xét, miệt thị của cộng đồng mạng.

Sức ảnh hưởng của mạng xã hội cay nghiệt

Theo Krista Thomason, phó giáo sư ngành Triết học tại Đại học Swarthmore (Mỹ), lời miệt thị của dân mạng nhiều khi đến từ sự tức giận, ghen tỵ.

“Nhiều người đã hủy kỳ nghỉ hoặc chuyến đi thăm người thân do đại dịch. Khi họ thấy những người khác tận hưởng chuyến du lịch không cần thiết, họ cảm thấy không công bằng, buồn khi những người khác không hy sinh, từ bỏ như vậy”, bà Krista nói.

Tuy nhiên, ngay cả khi không bị người khác tấn công, một số người đi du lịch mùa dịch vẫn tự cảm thấy tội lỗi, xấu hổ về hành động của mình.

du lich mua dich anh 3

Cuối tháng 8, Kylie Jenner bị chỉ trích vì du lịch giữa đại dịch và không đeo khẩu trang chụp ảnh cùng bạn bè. Ảnh:Kylie Jenner.

Đó là trường hợp của nhà văn Mosaka Williamson (30 tuổi). Từ tháng 3, cô trải qua đại dịch hầu như một mình trong căn hộ ở New York, Mỹ.

"Tôi ở trong căn hộ của mình gần như toàn bộ thời gian, liên lạc qua Zoom và điện thoại. Tôi chán nản đến mức chỉ muốn được ra ngoài, đâu cũng được miễn là đi khỏi nhà”, cô cho biết.

Sau khi cân nhắc và nghiên cứu xem có thể đến những tiểu bang nào mà không phải cách ly trong 14 ngày khi trở về, Mosaka và chồng - người phần lớn kẹt ở ngoại ô New York trong thời gian phong tỏa - quyết định dành vài ngày ở thành phố Atlantic, New Jersey vào tháng 8.

Nhưng sự chạy trốn này không giúp cô thấy thoải mái như mong đợi.

"Nó giống như một kỳ nghỉ trong bệnh viện vậy, tôi lúc nào cũng cảnh giác, luôn rửa tay. Khi chồng tôi đi ăn sau khi chạm vào cánh cửa, tôi còn nói: 'Không! Đừng làm thế!'".

Đến hồ bơi khách sạn, sau khi xếp hàng sau loạt người, Mosaka cũng chỉ đi ra giữa rồi quay lại ngay lập tức. Hồ bơi không đông đúc, nhưng cô cảm thấy ngại vì là người duy nhất đeo khẩu trang.

"Tôi đã xem những bức ảnh trên mạng về các hồ bơi đông đúc người và từng lên án họ. Nhưng rồi tôi lại hành động tương tự họ. Tôi không muốn đăng những bức ảnh trong kỳ nghỉ vì hầu hết người xung quanh không đeo khẩu trang và tôi không muốn bị gộp chung với họ”, cô nói.

Không phải ai cũng sợ

Đối với những người như travel blogger Lee Abbamonte (42 tuổi), người đã đến thăm mọi quốc gia trên thế giới và kiếm sống nhờ lượng follower đông đảo, những lời chỉ trích của dân mạng không mấy khiến anh sợ hãi.

“Tôi đã qua cái tuổi để ý đến mọi phản ứng của người khác. Ngoài thực tế rằng du lịch là cuộc sống, niềm đam mê và công việc của tôi, tôi làm điều đó một cách an toàn và có trách nhiệm”.

Lee cho biết anh đã không rời khỏi căn hộ của mình gần 80 ngày trong thời gian xảy ra đại dịch, trừ lúc cần thiết. Vào cuối tháng 5, anh bay đến Las Vegas để "chơi golf, leo núi và thực hiện những hoạt động ngoài trời mà về cơ bản là giữ khoảng cách với người khác”.

du lich mua dich anh 4

Lee Abbamonte thường xuyên chia sẻ những bức ảnh trong chuyến đi.

Trong chuyến đi kéo dài 2 tuần, Lee đã chia sẻ với 68.000 người theo dõi trên Instagram những bức ảnh chụp đang chơi golf trước Wynn Las Vegas, hình ảnh quanh Công viên tiểu bang Snow Canyon ở Utah và nhiều khung cảnh tuyệt đẹp khác.

Theo Lee, đó là những điều tốt nhất anh có thể làm cho sức khỏe tinh thần của mình.

“Mọi người đều rất vui khi thấy tôi đi du lịch trở lại, điều đó mang cho họ hy vọng”, anh nói, cho biết thêm rằng anh vẫn chưa thấy xấu hổ cho bất kỳ chuyến du lịch nào vào mùa hè này.

Cần nhận định đúng

Michael Trager, làm việc cho trang web TravelZork, cũng bị phàn nàn sau chuyến đi từ nhà ở London (Anh) đến Las Vegas (Mỹ) vào tháng 6 để làm việc.

"Mỗi khi tôi đăng gì đó trên mạng, ai đó ở Anh sẽ nói kiểu như: 'Anh phải cách ly khi quay lại đấy’ hay đại loại vậy. Mọi người cứ nhắc nhở giống như là không tin tôi sẽ tuân thủ quy định vậy”.

Theo PGS Krista, sự nhầm lẫn xung quanh các quy tắc và chuẩn mực có thể ảnh hưởng đến cách mọi người nhận định, chỉ trích trên mạng xã hội cũng như mức độ của hành vi đó.

“Một phần của vấn đề là nó liên quan đến các chuẩn mực chung. Vì vậy, mọi người cần xác định rõ”.

du lich mua dich anh 5

Michael cho rằng miễn là mọi người tuân thủ các quy định, không ai phải cảm thấy ngại ngùng khi chia sẻ hình ảnh trong chuyến đi như bình thường. Ảnh:Contiki.

Michael nói anh biết mình đang làm mọi thứ một cách đúng đắn, từ việc đi lại một cách hợp pháp và an toàn từ Anh đến Mỹ cho đến việc cách ly khi trở về nước.

“Sự khác biệt bây giờ là chúng ta được phép đi du lịch. Vậy thì, nếu được phép đi du lịch, tại sao chúng ta không thể chia sẻ kỷ niệm theo cách mà chúng ta thường làm trước đây?", anh bày tỏ.

Michael cho rằng miễn là mọi người tuân thủ các quy định, không ai phải cảm thấy ngại ngùng khi chia sẻ hình ảnh trong chuyến đi như bình thường cả.

Theo chuyên gia du lịch Gary Leff, hiện tượng xấu hổ khi du lịch đã giảm đáng kể so với cuối tháng 3 và tháng 4, nhưng vẫn có người lo sợ việc đăng ảnh trên mạng xã hội vì có khả năng bị phản ứng dữ dội.

"Nếu bạn nói rằng bạn đã đi đâu đó, vẫn sẽ có những người chỉ trích. Nhưng nó không ồn ào và phổ biến như hồi tháng 4 hay tháng 5", Gary nói.

"Nếu chúng ta đang sống với virus, chúng ta sẽ tiếp tục phải làm vậy. Một trong những điều cần chấp nhận là việc đi du lịch".

 

Theo Zing