Gửi cả thùng cherry, lúc nhận chỉ có một nửa

Nguyễn Vy Nhật Dương, 20 tuổi, du học sinh tại American University, Mỹ, cho hay: “Tôi bay từ Mỹ về sân bay Nội Bài, Hà Nội trong chuyến bay hồi tháng 6.2018 , đến lúc nhận vali thấy nó không bị rạch cũng như không gặp vấn đề gì. Tuy vậy, không hiểu do vận chuyển sao mà vali bị hỏng, gãy bánh xe, cũng như đồ bên trong dễ vỡ như nước hoa là vỡ hoàn toàn. Tôi cũng không dám trách ai nữa, đành đổ lỗi cho mình là gặp xui xẻo”.
Mọi người nên cẩn trọng với hành lý máy bay của mình
Lê Ngọc Nguyên Anh, du học sinh đang sinh sống và làm việc tại Phần Lan và Đức, chia sẻ câu chuyện về hành lý mà chị và bạn bè đã từng gặp phải hồi tháng 5.2016: “Bạn tôi ký gửi một thùng cherry 23 kg đầy kín thùng. Khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM thì nửa số cherry trong thùng đã bay biến không dấu vết”.

Mất cắp ngay trước sân bay

Nguyễn Minh Anh, 23 tuổi, du học sinh năm thứ 3 tại thành phố Saint Petersburg, Nga vẫn chưa quên lần cô bị “chôm” đồ ngay lúc chờ người nhà ra đón tại sân bay Nội Bài hồi tháng 1.2019: “Khi tôi xếp hành lí lên xe đẩy và đẩy ra phía ngoài, mọi thứ vẫn còn nguyên. Hành lý tôi mang về khá nhiều, lại có một số thùng các tông che mất tầm nhìn của cái vali xách tay.
Chiếc vali bị gãy bánh xe - Ảnh: Nhật Dương

Trong lúc tôi nói chuyện với người nhà và chờ xe đến đón bỗng thấy một nhóm người lạ mang chiếc vali giống của mình lên một chiếc ô tô rất nhanh rồi lập tức bỏ đi. Khi xe ô tô đón mình tới nơi, tôi xếp đồ lên thì mới biết mình đã bị mất chiếc vali, trong đó có một số đồ vật giá trị như trang sức hay nước hoa. Tôi rất hoảng loạn, nhờ an ninh sân bay kiểm tra hệ thống camera thì mới biết là đã có người ăn cắp vali xách tay của mình thật. Đây là sự cố khá đáng tiếc, nên hy vọng những bạn du học sinh về nước cần để ý hành lý của mình hơn, phải luôn để trong tầm kiểm soát của mình”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hùng, 35 tuổi (trú đường Dương Văn Đông, quận 8, TP.HCM) lại mất đồ "hài hước" hơn, chỉ một chai nước hoa đã dùng dở, câu chuyện xảy ra năm 2016.
Anh Hùng cho hay, anh bay chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM tới sân bay Nội Bài, Hà Nội, hành lý ký gửi là một chiếc túi du lịch dài, loại bằng vải mềm có khóa kéo. Nghĩ rằng bên trong chỉ có ít đồ quần áo, giày thể thao và một chai nước hoa dùng dở thì ai thèm để ý, ai ngờ về tới khách sạn, tìm chai nước hoa, chỉ có mỗi chiếc hộp. "Họ lấy đồ tinh vi đến mức, chỉ lấy chai bên trong, còn hộp để lại y nguyên, để nếu mình mở ra nhìn thấy cũng chủ quan. Cảm giác mất cắp thật khó chịu, đó chỉ là một chai nước hoa dùng dở thôi mà. Từ đó, tôi không dám dùng túi vải khi ký gửi hành lý nữa, tôi dùng vali cứng, có khóa mật mã", anh Hùng nói.
Chiếc vali của Minh Anh khi nó chưa bị mất
NVCC

Kinh nghiệm bảo vệ hành lý an toàn

Lê Ngọc Huy, 25 tuổi, du học sinh đang học tập và làm việc tại Osaka, Nhật Bản, đưa ra lời khuyên: “Các bạn học sinh tránh mang nhiều quà có giá trị lớn hoặc mệnh giá cao như đồ hiệu, đồ điện tử đắt tiền trong hành lý… Thường nếu mang những đồ như vậy thì cần phải khai báo trước với hải quan. Nếu không khai báo sẽ bị nghi ngờ và giữ lại để kiểm tra, thậm chí nếu lý do khai báo không hợp lý thì sẽ tịch thu đồ”.
Phạm Thị Mai Ly, 29 tuổi, thực tập sinh tại Singapore, cho hay cô thường sử dụng vali loại bằng vật liệu cứng, có khóa mã số an toàn, không sử dụng túi du lịch, vali vải vì dễ bị rạch hay mở khóa. “Tôi có một mẹo nhỏ đó là nếu mang theo nước hoa hay mỹ phẩm đắt tiền trong vali thì xếp đồ lót, nội y của mình lên trên, để những đồ giá trị phía sâu bên trong. Nếu ai đó có ý đồ xấu, muốn lấy đồ của mình thì sẽ mất thời gian hơn...”, Ly nói.
Võ Trung Nghĩa, 22 tuổi, du học sinh Trường ĐH điện ảnh và truyền hình Saint Petersburg, Nga, chia sẻ anh đã di chuyển bằng máy bay rất nhiều lần, qua nhiều quốc gia và chưa lần nào bị xảy ra sự cố đáng tiếc như mất, thất lạc hay hư hỏng hành lý.
“Kinh nghiệm của tôi là bọc kỹ hành lý máy bay bằng ni lông và khóa cẩn thận. Nếu bạn có đồ dễ vỡ cần di chuyển, hãy bọc nó bằng quần áo hoặc bọc chống xốc vì va đập khi vận chuyển hành lý trên máy bay là điều khó tránh. Những đồ có giá trị lớn thì nên xách tay theo bên mình để đảm bảo. Nếu bạn là du học sinh đi một mình thì nên cần cẩn thận hơn, bằng cách cất tiền và thẻ tín dụng trong túi kín hoặc túi bao tử đeo phía trước, đồng thời phải báo tiếp viên hàng không hoặc nhân viên sân bay ngay nếu có phát hiện bất kỳ tình huống gì", anh Nghĩa nói.
                                                                                                    Theo Thanh Niên