leftcenterrightdel
 Hải đã học online sang năm thứ hai, vẫn chưa được đặt chân đến trường ở Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nguyễn Mỹ Duyên, 25 tuổi, ở Quảng Ninh, đang học thạc sĩ ngành Quản lý Du lịch, Đại học Nông Lâm Phúc Kiến, thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Hồi tháng 1/2020, Duyên tính về nghỉ Tết vài tuần rồi quay lại nhưng không ngờ kẹt ở Việt Nam và phải học online cho đến nay.

Duyên được thầy cô động viên chắc chỉ lỡ dở mất một kỳ, đến tháng 9/2020 sẽ có thể trở lại. Nhưng đã qua thêm một tháng 9 nữa, cô vẫn đang ở nhà. "Chờ đợi cũng không sao nhưng tôi không biết phải chờ đến lúc nào. Tôi rất hoang mang", Duyên nói.

Nguyễn Thị Hải, ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội, vừa bắt đầu những tuần học đầu tiên của năm thứ hai ngành Thương mại Quốc tế, Đại học Khoa học và Công nghệ Chiết Giang. Sau khi giành học bổng bán phần chính phủ Trung Quốc năm ngoái, Hải chưa từng đến trường và phải học online từ đó đến giờ.

Một tuần Hải học ba buổi, vào các ngày thứ hai, ba, sáu. 7h hàng ngày, em vào lớp nghe giảng, có hôm đến hơn 12h. Lớp Hải sĩ số gần 40 nhưng chỉ có 5 sinh viên đang phải học online. Nhiều hôm mạng trục trặc, lúc vào lại được, Hải không biết thầy đang nói đến đâu. Không có sách hay giáo trình bản mềm, một số thầy cô không gửi bài giảng trình chiếu, Hải buộc phải nhờ bạn quay video và gửi sang cho mình.

"Video nghe không rõ và nếu nghe được cũng khó hiểu. Em phải liên tục nhắn tin hỏi lại thầy cô nhưng hỏi nhiều quá cũng ngại nên không hiểu thì đành thôi", Hải chia sẻ.

Đến đợt thi, Hải và các bạn học online được gửi bài tập vào nhóm riêng, làm xong, Hải chuyển cho thầy cô. Ngành kinh tế có quá nhiều thuật ngữ chuyên ngành, lại học chay online nên đến năm thứ hai, Hải vẫn chưa thu nhận được nhiều kiến thức. Hải lo khó bắt kịp với bạn bè khi thời gian đại học chỉ bốn năm mà hai năm đã trôi qua ở Việt Nam. Nhưng cô cũng không nỡ bỏ ngang vì không muốn mất thời gian bắt đầu lại ở một đại học khác.

Những sinh viên du học Trung Quốc như Duyên và Hải không thể đến trường kể từ khi đại dịch bùng phát. Trung Quốc đóng cửa biên giới với phần lớn người nước ngoài từ tháng 3/2020.

Tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc khởi động lại visa cho sinh viên Hàn Quốc, vốn chiếm đông nhất (10%) trong số các du học sinh ở nước này. Phần lớn trong nửa triệu sinh viên quốc tế đến từ các nước đang phát triển vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào về việc trở lại. Hồi tháng 2, hàng nghìn sinh viên Y Ấn Độ đã tổ chức một chiến dịch bày tỏ sự tức giận trên mạng xã hội, với hashtag #TakeUsBackToChina (Đưa chúng tôi trở lại Trung Quốc).

Anh Trần Ngọc Duy, thạc sĩ chuyên ngành Giáo dục Hán ngữ, Đại học Yên Đài ở tỉnh Sơn Đông chia sẻ, việc du học Trung Quốc trong hai năm dịch bệnh gặp nhiều bế tắc, đứt đoạn. Duy là admin của một nhóm du học Trung Quốc với 54.000 thành viên và anh cũng đang phải học online.

Bộ Giáo dục Trung Quốc và các trường đại học mới đây dự kiến không phát trợ cấp trong thời gian học online, khiến sinh viên nước ngoài hụt hẫng và lo lắng. Một số trường khó tổ chức được các lớp trực tuyến vì không đảm bảo hiệu quả. Nhiều sinh viên buộc phải bảo lưu vì không có kinh phí để duy trì sinh hoạt trong thời gian học tập.

leftcenterrightdel
 Duyên trong một chuyến leo núi ở thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, khi còn ở Trung Quốc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vì học online nên đến giờ một số môn Duyên chưa học được, ảnh hưởng đến việc xét học bổng năm nhất. Mỗi kỳ, trường sẽ xét lại học bổng và để duy trì, Duyên chỉ được phép có hai môn dưới 80 điểm.

Tháng 9 bắt đầu kỳ học đầu tiên của năm thứ hai, Duyên nhận được email của nhà trường, gợi ý cho du học sinh bảo lưu, đợi dịch ổn định rồi trở lại. Không chần chừ, cô đăng ký ngay.

Ngành du lịch của Duyên vốn phải đi thực tế nhiều nhưng cô lại đang bó gối ở nhà. Tại Trung Quốc, Duyên học tài liệu bằng tiếng Trung và tiếng Anh. Nhưng về Việt Nam, cô không thể tìm được những đầu sách mà giảng viên gợi ý. Sau khi bảo lưu, Duyên đang làm thêm cho một website của Đài Loan, dạy tiếng Việt online cho người nước ngoài để có thu nhập.

leftcenterrightdel
 Duyên (áo khoác hồng hàng đứng, thứ hai từ phải qua) cùng các du học sinh Việt Nam tại lễ hội văn hóa ở Đại học Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, tháng 11/2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Ngọc Duy cho hay trường hợp như Duyên không hiếm. Kết quả từ khảo sát nhanh với khoảng 60 người trong nhóm của anh cho thấy năm người xin bảo lưu, ba người bỏ học, còn lại đang học trực tuyến. Phần lớn họ có trải nghiệm "không hiệu quả" và "cực chán" do đường truyền kém, thiếu tương tác hoặc không được thực hành. Có sinh viên không chờ được đành bỏ học bổng để tìm trường khác ở Việt Nam. Trường hợp của Phạm Phương Thảo ở Thái Nguyên là một ví dụ.

Thảo giành học bổng chính phủ Trung Quốc năm nay, ngành Marketing, Đại học Dầu khí Trung Quốc ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Nhưng em thấy tình hình dịch bệnh không khả quan, hơn nữa lại không thể trải nghiệm môi trường học tập và vùng đất, con người ở đất nước khác - một yếu tố quan trọng của quá trình du học.

Thảo mất một tuần phân vân giữa việc học tạm một trường ở quê trong lúc học online bên Trung Quốc hay từ bỏ học bổng để xuống Hà Nội. "Với khoảng thời gian chờ đợi sang Trung Quốc thì em hoàn toàn có thể học gần xong ở Việt Nam rồi. Việc học online không phù hợp với em nên em bỏ", Thảo giải thích.

Hiện Thảo là sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung của Đại học Thăng Long. Nhờ điểm HSK 6 cao, em được học vượt cấp lên năm thứ hai.

Trung Quốc hiện đứng thứ ba thế giới về số lượng sinh viên quốc tế, sau Mỹ và Anh. Theo thống kê tháng 12/2020 của mạng xã hội Tencent, Việt Nam có 13.549 du học sinh tại Trung Quốc, sau Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và Thái Lan.

Trong một tuyên bố ngày 9/7, chính phủ Trung Quốc cho biết luôn coi trọng sinh viên quốc tế. Trên cơ sở đảm bảo an toàn trong thời gian Covid-19 hoành hành, nước này sẽ cân nhắc một cách đồng bộ về việc thu xếp cho phép sinh viên nước ngoài trở lại học tập.

Theo vnexpress