leftcenterrightdel
 Sinh viên quốc tế tại ĐH Monash (Úc), một trong những đơn vị gửi bản kiến nghị sửa đổi dự luật lên Thượng viện Úc

Nhất trí phản đối, vì sao?

Theo thông tin từ chính phủ Úc, từ đầu năm sau, nước này dự kiến đặt chỉ tiêu tối đa về số du học sinh mà các cơ sở giáo dục được phép tuyển mới ở bậc cử nhân, đào tạo nghề, tức đặt giới hạn tuyển sinh. Trường nào muốn tuyển nhiều hơn quy định phải xây thêm chỗ ở cho sinh viên quốc tế và bản địa. Đây là một trong các điều khoản mới khi Úc thông báo sửa đổi đạo luật Dịch vụ giáo dục cho sinh viên quốc tế (ESOS) trong thời gian tới.

Động thái này đang nhận về nhiều tranh cãi. Trong hàng chục bản kiến nghị gửi tới một ủy ban điều tra của Thượng viện Úc, các bên liên quan dù ủng hộ biện pháp tăng cường tính toàn vẹn của ngành giáo dục quốc tế, song cũng cực lực phản đối ý định giới hạn tuyển sinh của chính phủ bởi đề xuất trên có nguy cơ gây "thiệt hại kéo dài" cho ngành này nói riêng, nền kinh tế nói chung, theo trang Times Higher Education.

Nhận xét về dự luật sửa đổi, bà Tracy Harris, cựu ủy viên giáo dục của Cơ quan Thương mại và đầu tư Úc (Austrade) cho rằng quá trình soạn thảo luật chưa cân nhắc kỹ thực tế môi trường giáo dục quốc tế. "Các trường sẽ phải tập trung nguồn lực sang tuân thủ luật pháp thay vì cải thiện trải nghiệm của sinh viên, dẫn đến tình trạng mất việc làm không đáng có khi doanh thu giảm", bà Harris cảnh báo.

Hội đồng Luật pháp Úc thì lo ngại dự luật sửa đổi về việc giới hạn tuyển sinh sẽ cản trở các trường ĐH, CĐ nước này đáp ứng nhu cầu của sinh viên quốc tế. Trong khi đó, giáo sư Andrew Norton, phân tích viên từ ĐH Quốc gia Úc, cho rằng dự luật là 1 ví dụ điển hình cho thấy "sự suy giảm đáng quan ngại của pháp quyền" trong chính sách giáo dục ĐH tại Úc.

Theo giáo sư Norton, việc giới hạn tuyển sinh là không cần thiết vì các biện pháp khác của chính phủ, như việc xử lý visa (thị thực) du học "khó đoán" và tăng phí xin visa sẽ làm "giảm đáng kể" số sinh viên quốc tế. Ông nói thêm rằng dự luật sửa đổi sẽ làm tổn hại danh tiếng của Úc, gây thất vọng cho du học sinh, đồng thời khiến các trường ngày càng khó lập kế hoạch vì luật có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

leftcenterrightdel
 Học sinh Việt Nam tìm hiểu cơ hội du học Úc

Về phía tiểu bang, chính quyền Tây Úc cho biết chậm trễ trong việc cấp visa và tỷ lệ từ chối cao đã khiến ngành giáo dục quốc tế của bang bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến tình trạng dư thừa nhân sự và thu hẹp hoạt động. Tiểu bang này cũng nhận định những thay đổi chính sách gần đây diễn ra "quá nhanh và không rõ ràng" khiến các trường khó thích ứng, theo thông tin từ bản đề xuất. Tương tự, chính quyền Victoria nhận định việc giới hạn tuyển sinh sẽ khiến bang gặp nhiều bất lợi và thiệt thòi hơn so với các khu vực khác.

Trường ĐH chung "chiến tuyến"

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện ĐH Monash (Úc) cho biết trường cũng là một trong những đơn vị gửi bản kiến nghị lên Thượng viện Úc. "Một phân tích gần đây từ SPP Consulting, được ủy quyền bởi ĐH Monash và ĐH Melbourne, cho thấy du học sinh đóng góp 27,4 tỉ AUD hàng năm cho nền kinh tế tiểu bang Victoria, Úc. Chính sách giới hạn tuyển sinh vừa được đề xuất, vì thế, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích kinh tế vẫn trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch", người này nhận xét.

Theo vị đại diện, đề xuất của trường bao gồm các khuyến nghị cụ thể nhằm tăng cường khung pháp lý và quản lý việc tuyển sinh với du học sinh một cách hiệu quả, bền vững. Trong các đề xuất sửa đổi cho dự luật, có những kiến nghị như không giới hạn số lượng du học sinh mà các trường ĐH được tuyển, nếu không sẽ cần phải hoãn lại cho đến năm 2026 và chấm dứt áp dụng vào cuối năm 2027 (trong khi chờ xem xét tác động cụ thể).

"Việc áp đặt bất kỳ giới hạn tuyển sinh nào với các trường ĐH công lập vào năm 2025 hoàn toàn không khả thi, vì có chưa đầy sáu tháng kể từ khi thông qua dự luật đến ngày dự kiến thực hiện. Chưa có ngành công nghiệp lớn nào khác phải chịu các thay đổi lập pháp nhanh chóng với hậu quả kinh tế sâu rộng như thế", ĐH này phân tích trong bản đệ trình, nói thêm có thể từ chối những du học sinh đạt thành tích "đặc biệt cao" nếu dự luật hiện tại được thông qua.

Trước đó, vào đầu năm tài khóa 2024 (ngày 1.7.2024), Úc đã quyết định tăng 225% lệ phí xin visa du học, lên 1.600 AUD. Vào cùng ngày, nhiều quy định khác của chính phủ nhằm thắt chặt visa cũng bắt đầu có hiệu lực, như hạn chế tình trạng "nhảy" visa, điều chỉnh độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp hay giảm thời gian ở lại làm việc khi du học Úc.

leftcenterrightdel
 Lệ phí xin visa du học Úc vừa tăng lên 1.600 AUD và gây sốc cho nhiều người

Những động thái trên khiến Úc ngày càng kém hấp dẫn với du học sinh. Bởi, nhiều khảo sát thời gian qua cho thấy các quốc gia Úc, Anh, Canada không còn là lựa chọn hàng đầu với du học sinh do các thay đổi trong chính sách giáo dục quốc tế về thị thực, quyền làm việc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và chính phủ Úc, các quy định mới đưa ra nhằm bảo vệ sinh viên quốc tế tốt hơn trong bối cảnh hiện nay.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, đến tháng 4.2024, có 704.931 du học sinh theo học các khóa tại Úc. Trong đó, Việt Nam có 33.524 người, xếp thứ 5. Tại các trường hàng đầu, số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người ở ĐH Adelaide, hay nằm trong top 10 về số du học sinh ở ĐH Queensland...

Theo Thanh niên