leftcenterrightdel
Nga vốn là cựu học sinh chuyên Hóa, trường THPT chuyên Quốc học Huế. 

Xuất phát điểm là cựu học sinh chuyên Hóa, trường THPT chuyên Quốc học Huế, Ngọc Nga từng có ý muốn theo đuổi ngành y, rồi dần chuyển hướng sang khối kinh tế và quyết định đi du học Mỹ với ngành Kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, ngay từ tuần đầu tiên đến lớp tại Đại học Northern Kentucky, Nga đã xem qua giáo trình học và tâm sự với giáo sư rằng có lẽ đây không phải thứ mình mong đợi. Dưới sự tư vấn của thầy về các ngành học có thể phù hợp với sở thích, sở trường của bản thân, Nga cảm thấy hứng thú với Khoa học máy tính và lựa chọn “học thử” để rồi bén duyên với ngành học này cho đến bây giờ.

leftcenterrightdel
 

Bản thân Nga cũng từng vấp phải những thắc mắc của một số người là tại sao con gái lại theo học ngành này. Thế nhưng, Nga cho rằng giới tính của mình hoàn toàn không ảnh hưởng: “Mình không biết tại sao mọi người thường nghĩ các môn tự nhiên như Toán hay Tin học không dành cho phụ nữ. Trong quá trình học chuyên Hóa ở cấp ba và học ngành Khoa học máy tính ở đại học, mình không thấy có nhiều sự khác biệt giữa các bạn nam và nữ. Dean of Computer Science Department - người đứng đầu ngành Khoa học máy tính của trường mình cũng là một giáo sư nữ, nên mình không nhận thấy có sự phân chia hay khác biệt gì giữa lập trình viên nam và lập trình viên nữ qua những gì mình trải nghiệm ở Mỹ. Mình nghĩ rằng sự phân biệt giới tính trong ngành này cần được loại bỏ để mọi người có được cơ hội bình đẳng và các bạn nữ hãy mạnh dạn học ngành mà mình muốn.”

Sự khác biệt về môi trường và phong cách học tập là một trong những thử thách lớn nhất với nữ du học sinh Việt. “Đó là lần đầu tiên mình phải đọc 27 trang luận bằng tiếng Anh trước một tiết học, lần đầu tiên mình trải nghiệm một lớp học mà người nói là học sinh chứ không phải là giáo viên (học sinh hỏi và giáo viên chỉ trả lời). Và quan trọng nhất là cả môi trường sống và học tập đều dùng tiếng Anh. May mắn thay, trường mình có các anh chị du học sinh đi trước và hội du học sinh quốc tế nên mình đã được hỗ trợ rất nhiều trong việc làm quen với văn hóa và môi trường. Ngoài ra, tham gia các câu lạc bộ mà mình hứng thú cũng là cách để mình kết thêm nhiều bạn mới.” - Ngọc Nga tâm sự.

leftcenterrightdel
 Nga tham dự Lễ hội ẩm thực châu Á. 

Vượt qua những rào cản ngôn ngữ và môi trường học tập khác biệt, Nga xuất sắc đạt điểm GPA 3.99/4.0. Bí kíp của cô nàng không phải điều gì xa lạ mà chính là sự chăm chỉ làm bài tập, ôn tập thường xuyên và học từ giảng viên cũng như từ những người bạn cùng chí hướng.

Ngoài ra, Nga cho biết: “Vì ngành này chú trọng kỹ năng thực hành, trong đó sự sáng tạo là không giới hạn, nên khi được giao một dự án thì đừng chỉ làm những gì giảng viên yêu cầu mà hãy thử xem bạn có thể cải tiến nó không, có cách nào tối ưu hơn không, có tính năng nào có thể cho vào không,... Nếu làm vậy, dù cho bạn không được điểm cộng đi chăng nữa thì mình tin rằng các bạn sẽ học được nhiều hơn, kiến thức cũng được củng cố thông qua thực hành. Khi đã có kiến thức vững chắc rồi thì tự nhiên điểm của bạn sẽ cao thôi.”

Mặc dù trong ngành IT, kinh nghiệm thực tiễn được đặt lên hàng đầu, nhưng Nga nhận thấy tư duy “buông thả việc học ở trường cũng không sao” là một suy nghĩ sai lầm. Bởi nhiều người cho rằng điểm cao không đi đôi với lập trình giỏi mà chỉ biết lý thuyết suông. Tuy nhiên, Nga lại nghĩ người lập trình giỏi sẽ có điểm cao trong ngành này, đặc biệt là khi các trường đại học cũng nắm bắt được điều đó và chấm điểm dựa trên dự án, kinh nghiệm thực tiễn thay vì chỉ làm bài kiểm tra thông thường như các môn khác. Vì vậy, sở hữu thành tích học tập tốt chứng tỏ bạn nắm được những giá trị cốt lõi của các môn học, đồng thời là kết quả của quá trình cố gắng bước ra khỏi vùng an toàn, thách thức giới hạn của bản thân.

Được biết, Ngọc Nga là một trong những sinh viên tiêu biểu của trường và nhiều lần đạt học bổng trong quá trình học tập tại Đại học Northern Kentucky. Bên cạnh đó, cô còn tham gia nghiên cứu khoa học với giáo sư của mình về Trí tuệ nhân tạo (AI).

leftcenterrightdel
 

Nga chia sẻ: “Lúc đó là đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, và giáo sư của mình gặp một số trục trặc trong việc kêu gọi quỹ cho dự án nghiên cứu nên không thể trả lương cho mình. Dù vậy, mình vẫn bày tỏ mong muốn tiếp tục tham gia để học hỏi thêm kinh nghiệm, vì đó là mục đích ban đầu của mình. Sau nửa năm làm không lương, cuối cùng nghiên cứu ấy được nhận tài trợ và thành quả của chúng mình được đăng lên tạp chí khoa học Data Science and Algorithms in System, nhà xuất bản Springer.”

Ngoài việc được xuất bản, dự án nghiên cứu này còn mang đến một điều bất ngờ khác là cơ hội việc làm hiện tại cho Ngọc Nga. Vì có ấn tượng với nghiên cứu của Nga nên cấp trên đã giao cho cô một dự án riêng dù mới chỉ là thực tập sinh, từ đó Nga đã tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực trong công ty. Sau 4 tháng thực tập với tiềm năng và những đóng góp của mình, Nga đã được đặc cách tuyển làm lập trình viên chính thức ngay cả khi công ty không có vị trí trống và đang hạn chế ngân sách do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

leftcenterrightdel
 Nga được vinh danh trêntoà NASDAQgiữa Quảng trường Thời đại (Times Square) - New York, Mỹ. 

Mới đây, hình ảnh của Ngọc Nga đã bất ngờ xuất hiện trên màn hình toà NASDAQ giữa Quảng trường Thời đại (Times Square) - New York, Mỹ. Cô bạn chia sẻ: “Công ty mình được niêm yết trên sàn NASDAQ nên hằng năm, mỗi công ty trong danh sách này sẽ có một vài cơ hội đăng ảnh lên màn hình tòa nhà. Và thay vì đăng ảnh PR như các công ty khác thì công ty mình lựa chọn vinh danh nhân viên có tầm ảnh hưởng của năm để tri ân. Lý do mà mình xuất hiện là vì mình được giải Innovation Award - giải được trao cho người có dự án mang tính đổi mới cho công ty. Dự án của mình áp dụng tích hợp kỹ thuật AI và học theo lối suy nghĩ của các nhân viên kế toán để có thể tự động hóa quá trình nhập số liệu và xử lý dữ liệu cho hóa đơn, tiết kiệm cho công ty mình một khoản 150.000 đô chi phí thuê công ty bên thứ ba mỗi năm để nhập liệu.”

leftcenterrightdel
 Nga trong lễ trao giải Innovation Award của công ty.

Thị trường việc làm tại Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, hiện nay khá ảm đạm khi các công ty lớn như Meta, Amazon, Google và hàng trăm, hàng nghìn công ty khác liên tục sa thải nhân viên. Điều này dẫn đến việc cung lớn hơn cầu và các bạn trẻ mới ra trường khó có thể cạnh tranh với những lập trình viên nhiều năm kinh nghiệm trong thị trường. Khoa học máy tính không còn là “con cưng của du học sinh”, “vua của mọi ngành” - ngành mà được đồn đoán rằng cứ học là có việc nữa.

Hiểu được những băn khoăn của các bạn trẻ trước tình hình đó, Nga bày tỏ: “Mình biết rất nhiều bạn đang lo lắng về tương lai của chính mình, và tệ hơn là hoài nghi năng lực của bản thân vì không tìm được việc. Mình muốn nói rằng các bạn không tệ, chỉ là thị trường tệ thôi. Nếu các bạn chưa thể tìm việc, hãy tiếp tục nộp đơn, xem lại hồ sơ, ôn luyện phỏng vấn và duy trì thực hiện các dự án phụ trong thời gian rảnh để gia tăng cơ hội việc làm.”

Lời khuyên của Nga là đừng ngại làm việc trong ngành IT khi vị trí đó không phải là định hướng của bản thân, ví dụ như phải làm về dữ liệu trong khi bạn muốn làm phần mềm. Có một câu nói: “Get your foot in the door first”, tạm dịch là “Cứ bước chân vào cánh cổng đi đã”. Việc bạn có kinh nghiệm làm trong ngành IT vẫn được cân nhắc nhiều hơn so với một ứng viên không có kinh nghiệm liên quan nào. Một khi đã vào được lĩnh vực này, dù ít nhiều các bạn vẫn sẽ học được cách vận hành của ngành. Và khi bạn đã làm quen với bộ phận được giao rồi, bạn có thể trao đổi với quản lý của mình về vị trí mong muốn. Hãy luôn trau dồi bản thân và không ngừng phấn đấu để có thể nắm bắt cơ hội ngay khi nó xuất hiện.

leftcenterrightdel
 

Trong tương lai, Nga muốn quay lại giảng đường để có thể nghiên cứu sâu hơn về AI vì cô gái trẻ tin rằng việc học trong một chương trình bài bản sẽ giúp bản thân tiếp thu và tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, vì bây giờ là thời điểm chuyển giao công nghệ, tốc độ thay đổi quá nhanh và tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn cao nên Nga muốn ưu tiên xây dựng những ứng dụng có ích cho đời sống và công việc. Ngoài ra, cô bạn cũng dành thời gian chia sẻ cuộc sống du học sinh, lập trình viên ở Mỹ của mình trên các kênh mạng xã hội cùng với những video hướng dẫn lập trình được đăng tải trên YouTube cho các bạn có cùng niềm đam mê ở Việt Nam.

Qua chặng đường của bản thân, Ngọc Nga muốn nhắn nhủ các bạn trẻ rằng niềm đam mê và lòng nhiệt huyết không ngừng học hỏi chính là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội không ngờ trong cuộc sống. Ở độ tuổi này, chúng mình không có gì ngoài thời gian và sức trẻ nên đừng ngại cực khổ. Hãy sống hết mình vì đam mê. Có một câu nói mà Nga rất tâm đắc là: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”.

Theo svvn.tienphong