|
|
Bà Sarah Groh, Trợ lý Giám đốc Tuyển sinh quốc tế, ĐH Boston (Mỹ), giải đáp những thắc mắc cho học sinh, phụ huynh Việt Nam. Ảnh: Ngô Chuyên |
Tuy nhiên, các trường đại học Mỹ sẽ sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau để tuyển chọn những ứng viên phù hợp nhất.
Sức hấp dẫn của nền giáo dục Mỹ
Từng có thời gian trải nghiệm môi trường học tại Mỹ, chị Phan Giang - cựu sinh viên ĐH Franklin & Marshall, nhìn nhận: Các trường đại học ở Mỹ sở hữu tài nguyên học thuật phong phú, tư duy cởi mở và là nơi tụ hội của nhiều cá nhân có chung đam mê, sở thích học tập đến từ nhiều quốc gia. Các trường cũng trang bị hệ thống phòng thí nghiệm, phòng máy tính đầy đủ thiết bị hiện đại, phục vụ việc học tập, thực hành và nghiên cứu khoa học của sinh viên.
Một điểm khiến chị Giang ấn tượng trong các trường đại học Mỹ là thư viện to, rộng với vô số đầu sách, không gian cho phép sinh viên học cá nhân hoặc làm việc nhóm. Các thư viện mở đến tối muộn, phục vụ nhu cầu tự học của sinh viên. Bên cạnh đó, các trường đều có dịch vụ hỗ trợ sinh viên như: Dạy kèm 1 - 1, tư vấn chọn môn, hướng nghiệp, hỗ trợ sức khỏe tinh thần... nhằm đảm bảo sinh viên có trải nghiệm học tập tốt nhất.
Song song với đó, các trường cũng tạo điều kiện để sinh viên tự lập nhóm; tổ chức các hoạt động sinh hoạt giao lưu kiến thức. Ở đó, sinh viên được khuyến khích chia sẻ quan điểm, đưa ra những ý kiến đa chiều, tự do đặt câu hỏi.
Về hoạt động học tập, chị Giang cho biết thêm, hàng tuần sinh viên được giao và phải chủ động tìm kiếm tài liệu. Trước mỗi buổi học, sinh viên phải tự tìm hiểu bài. Riêng các bài luận, sinh viên được giao chuẩn bị trước vài tuần.
Với sự chuẩn bị kỹ càng này, khi lên lớp, sinh viên sẽ được chia sẻ ý kiến, thảo luận với giáo sư và các bạn về nội dung học thay vì ngồi nghe giảng. Các nhiệm vụ học tập dần đều trong suốt học kỳ thay vì dồn vào cuối kỳ giúp sinh viên hình thành kỹ năng tự học, tự trau dồi kiến thức hay cách quản lý công việc, thời gian...
“Nếu học kiểu “nước đến chân mới nhảy” thì có thể dẫn tới kết quả không tốt, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe”, chị Phan Giang nhấn mạnh.
Nền giáo dục Mỹ vẫn luôn là “điểm sáng” trong mắt sinh viên quốc tế, trong đó có học sinh, sinh viên Việt Nam. Hiện, Việt Nam có hơn 20 nghìn du học sinh đang theo học tại Mỹ.
Lý giải về sự hấp dẫn trên, bà Trần Phương Hoa - Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục Summit - chia sẻ: “Các trường đại học Mỹ được xếp hạng hàng đầu thế giới với môi trường học tập năng động, đa văn hóa. Ngoài ra, các trường còn có thế mạnh đào tạo các ngành phổ biến như kinh doanh, tài chính, khoa học kỹ thuật... nên giáo dục Mỹ luôn có sức hút lớn trong mắt phụ huynh, học sinh”.
Bà Hoa cho biết thêm, các trường đại học rất quan tâm đến việc tăng số lượng sinh viên đến từ Việt Nam, bên cạnh một số quốc gia khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil. Vì vậy, đại diện nhiều trường đại học đã chủ động đến Việt Nam quảng bá thông tin về chương trình học, học bổng để phụ huynh, học sinh Việt Nam nắm rõ.
|
|
Học sinh, phụ huynh Việt Nam gặp gỡ đại diện tuyển sinh Trường ĐH Top đầu Mỹ. Ảnh: Ngô Chuyên. |
Tuyển sinh toàn diện
Từ góc độ cơ sở giáo dục Mỹ, bà Sarah Groh - Trợ lý Giám đốc Tuyển sinh quốc tế, ĐH Boston (Mỹ) - nhìn nhận: “Xu thế sinh viên quốc tế, trong đó có học sinh, sinh viên Việt Nam nộp hồ sơ ứng tuyển vào các trường đại học Mỹ ngày càng tăng”.
Khi ứng tuyển vào các trường đại học Mỹ, ngoài điểm trung bình học tập (GPA), học sinh, sinh viên Việt Nam còn chú trọng đến kết quả các chứng chỉ quốc tế như SAT, IELTS, TOEFL... Tuy nhiên, hội đồng tuyển sinh các trường đại học có những tiêu chí rất đa dạng để đánh giá hồ sơ của ứng viên như: Kết quả học tập THPT, hoạt động ngoại khóa, bài luận... Vì vậy, thí sinh không nên quá chú trọng vào chứng chỉ quốc tế mà xao nhãng các yêu cầu khác.
Thí sinh sau khi thi SAT có kết quả không như mong muốn có thể thi lại để đạt nguyện vọng. Tuy nhiên, nếu thi lại mà điểm số không tăng hoặc tăng không đáng kể, các bạn nên chuyển sang phát triển các tiêu chí khác. Hãy ghi nhớ rằng, các trường đại học luôn đánh giá ứng viên một cách toàn diện.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - chuyên gia tuyển sinh quốc tế, Trường ĐH Arizona - cho biết: “Du học sinh Việt Nam có nền tảng kiến thức tốt. Tuy nhiên, điểm yếu chung của các bạn là ngại hỏi trong khi chương trình học tại Mỹ đòi hỏi sinh viên phải chủ động học hỏi, nghiên cứu”.
Theo bà Huyền, các trường đại học Mỹ có nhiều phòng ban chuyên môn, phụ trách nhiều vấn đề của sinh viên nên khi gặp khó khăn, các bạn có thể liên hệ với thầy cô để được tháo gỡ kịp thời.
Ngoài ra, trong mỗi tuần học, giáo sư Mỹ sẽ dành ra một vài ngày để trao đổi với sinh viên. Sinh viên có thể trực tiếp thảo luận với giảng viên trong ngày này hoặc gửi email chia sẻ những vấn đề mà các bạn thắc mắc. Thậm chí, các bạn có thể đề xuất với giảng viên cho tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học mà thầy cô đang phụ trách.
Bà Huyền cũng lưu ý, để nâng cao hiệu quả học tập, sinh viên cần tích cực rèn luyện vốn tiếng Anh, kỹ năng làm việc nhóm... nên tham gia vào các dự án nghiên cứu có liên quan đến lĩnh vực học để tìm kiếm cơ hội thực tập, trau dồi kiến thức và làm “dày” hồ sơ xin việc.
“Trong quá trình chọn trường, phụ huynh, học sinh không nên chỉ chú tâm vào thứ hạng của trường trong các bảng xếp hạng toàn cầu mà cần lưu tâm đến một số tiêu chí như: Thành phố trực thuộc, môi trường học tập, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Gia đình cũng cần tìm hiểu cộng đồng sinh viên quốc tế tại các trường để đưa ra lựa chọn phù hợp”, bà Sarah Groh - Trợ lý Giám đốc tuyển sinh quốc tế, ĐH Boston chia sẻ. |
Theo giaoducthoidai