Người Việt đứng đầu Đông Nam Á về số du học sinh tại Mỹ
Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM hôm 6.10 tổ chức triển lãm giáo dục ĐH Mỹ mùa thu 2023, thu hút hơn 1.300 học sinh, sinh viên Việt Nam. Tại đây, ông Graham Harlow, quyền Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, thông tin có hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang theo học ở tất cả các bậc học trên khắp xứ sở cờ hoa, với đa dạng ngành học như STEM, kinh doanh.
"Ở Đông Nam Á, không quốc gia nào gửi nhiều sinh viên tới Mỹ hơn Việt Nam. Du học sinh Việt còn là nhóm sinh viên quốc tế đông thứ 5 theo học tại các trường ĐH Mỹ", ông Harlow khẳng định.
Theo báo cáo thường niên Open Doors 2022 của Viện Giáo dục quốc tế (IIE), tỷ lệ người Việt chọn khối ngành STEM và kinh doanh, quản lý lần lượt là 47,1% và 25,6%, chiếm khoảng 3/4 tổng số du học sinh Việt tại Mỹ. Điều này có nghĩa cứ 10 người Việt đến Mỹ, 5 người học STEM và 2 người chọn kinh doanh, quản lý.
Ông Graham Harlow, quyền Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, phát biểu khai mạc
NGỌC LONG
Trước thực tế trên, ông Harlow cho rằng đây là những ngành học cần cho tương lai, và "nếu là phụ huynh, tôi chắc chắn sẽ khuyến khích con mình chọn những ngành này". "STEM hay kinh doanh, quản lý cũng là thế mạnh của các cơ sở giáo dục ĐH tại Mỹ, từ ĐH đến CĐ và từ thành phố đến ngoại ô", quyền Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên.
Bên cạnh hoạt động du học, Trung tâm tư vấn giáo dục Mỹ (EducationUSA) cũng thông tin Mỹ đang có các chương trình trao đổi giáo dục trong lĩnh vực STEM, hướng tới tăng cường hợp tác giữa các nhà khoa học, doanh nhân và nhà đổi mới. "Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích và chào đón sinh viên Việt Nam", cơ quan này cho hay.
Mặt khác, hồi tháng 9, Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Sự kiện này sẽ mang lại nhiều cơ hội ở những lĩnh vực khác nhau trong đó có giáo dục, theo ông Harlow. "Giáo dục là một trong những mối quan tâm của chúng tôi để vun đắp quan hệ giữa hai quốc gia. Và sẽ không chỉ có sinh viên Việt Nam đến Mỹ mà còn ở chiều ngược lại", ông Harlow nhận định.
Sinh viên Việt Nam đặt câu hỏi về thị thực du học Mỹ đến cán bộ lãnh sự
NGỌC LONG
Xu hướng mới trong đào tạo STEM
Vì sao nhiều du học sinh Việt tại Mỹ chọn STEM? Bà Đinh Mỹ Phương, đại diện ĐH Rochester, cho biết ngành này được chính phủ Mỹ đặc biệt ưu ái, trong đó có chương trình thực tập không bắt buộc (OPT). Thông thường, sinh viên quốc tế có 1 năm ở lại Mỹ làm việc theo diện OPT. Song, nếu tốt nghiệp khối ngành STEM, con số này tăng thêm 2, lên đến 3 năm. "Cơ hội được nhân ba", bà Phương đánh giá.
Chưa kể, theo bà Phương, giá trị của khối ngành STEM lẫn cơ hội nghề nghiệp đang ngày càng tăng trưởng trong thời đại số hiện nay. Mặt khác, về chương trình đào tạo, nhà trường chọn xây dựng giáo trình "mở", tức cho phép sinh viên toàn quyền học các lớp từ những chuyên ngành khác nhau trong 2 năm đầu. "Máy móc thực hành cũng là tân tiến nhất, tương tự những gì doanh nghiệp đang sử dụng", bà Phương nói.
Bà Nga Vũ, đại diện ĐH Xavier, thì lưu ý dù nhiều trường hiện không yêu cầu điểm SAT (bài thi chuẩn hóa để xét tuyển ĐH Mỹ) đối với khối ngành STEM, nhưng người học vẫn nên có kết quả này khi ứng tuyển trường công lập. "Một số trường đặt chuẩn đầu vào cao ở ngành kỹ thuật hay công nghệ thông tin vì độ khó chuyên ngành và đông sinh viên ứng tuyển, nên SAT là yếu tố bắt buộc", bà Nga Vũ cho hay.
Triển lãm giáo dục ĐH Mỹ năm 2023 quy tụ 60 trường ĐH, CĐ đến từ 27 bang của Mỹ
NGỌC LONG
Một xu hướng được ghi nhận trong việc đào tạo STEM tại Mỹ là các trường đang mở những ngành "giao thoa" giữa STEM và kinh doanh, quản lý, hai khối ngành đang thu hút nhiều du học sinh Việt nhất. Chưa kể, người học cũng được ở lại làm việc 3 năm theo diện OPT vì những ngành này vẫn thuộc khối STEM.
Cụ thể, bà Nga Vũ cho biết trường có ngành "business analytics and information systems" (phân tích dữ liệu kinh doanh và hệ thống thông tin) được học cả hai khối kiến thức kinh doanh và công nghệ thông tin, với mức lương sau khi tốt nghiệp có thể lên đến 60.000 USD/năm.
Tương tự, ông Nguyễn Hiền, đại diện ĐH Northern Arizona, cho hay năm nay trường có ngành mới là "business analytics" (phân tích kinh doanh), ứng dụng cả quản trị kinh doanh lẫn STEM. "Trước đó, người Việt du học khối ngành kinh doanh, quản lý khá nhiều nhưng các bạn thường gặp khó khi ở lại làm việc hoặc tìm cơ hội định cư vì thị trường bão hòa", ông Hiền cho hay.
Ngoài STEM, có thể đến Mỹ học gì?
Bà Anjali Chennapragada, đại diện ĐH Rider, cho biết những ngành nghệ thuật như âm nhạc hay sân khấu cũng là các lựa chọn được du học sinh Việt quan tâm. Nếu đến Mỹ học những ngành này, sinh viên quốc tế có thêm cơ hội tham gia thực tập, trình diễn ở những sân khấu kịch lớn nhất thế giới như Broadway, Grammy ngay từ thời điểm còn ngồi trên giảng đường. "Chúng tôi đảm bảo bạn sẽ không bị gián đoạn cả việc học và thực hành", bà Chennapragada thông tin.
|