1. Giỏi tiếng Anh nhưng vẫn khó giao tiếp

Bạn có tự tin với khả năng ngoại ngữ của mình không? Nếu nghĩ cuộc sống du học dễ dàng như trong giáo trình hay các bài tập mà thầy cô đã luyện, có lẽ bạn đã sai. Dù cho bạn đang nắm giữ những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết gần như đạt điểm tuyệt đối, cú sốc về ngôn ngữ vẫn sẽ tới, ngay khi đặt chân xuống sân bay.

Tôi từng khá tự tin với khả năng giao tiếp tiếng Anh và nghĩ không gặp khó khăn gì khi đặt chân đến Đức theo chương trình học bổng toàn phần Erasmus Mundus do Liên minh châu Âu tài trợ vào năm 2018. Tôi cũng từng nghĩ ai cũng sẽ giao tiếp một cách chuẩn chỉnh giống như trong những đoạn thu âm, nhưng thực tế ngược lại.

Giống như Việt Nam, người bản xứ tới từ nhiều vùng và có giọng điệu, cách phát âm khác nhau, chưa kể những người nhập cư hoặc bạn bè quốc tế. Bạn sẽ đối diện với môi trường có đủ loại ngôn ngữ, giọng điệu pha trộn. Tôi đã rất hoang mang khi ngày đầu sang Đức, gặp các bạn tới từ Ấn Độ, Nepal, Indonesia, Tây Ban Nha. Các bạn dùng tiếng Anh mang đặc trưng âm sắc ngôn ngữ của quốc gia họ. Tôi đã ngơ người trong những lời chào hỏi đầu tiên.

Phan Quốc Dũng, 27 tuổi, từng học thạc sĩ ngành Quản lý rừng nhiệt đới bền vững ở châu Âu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phan Quốc Dũng, 27 tuổi, từng học thạc sĩ ngành Quản lý rừng nhiệt đới bền vững ở châu Âu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

2. Khó thích ứng với môi trường học tập

Bên cạnh ngôn ngữ, môi trường học tập thay đổi cũng khiến giai đoạn đầu tiên rất khó khăn. Thay vì học theo cách "bị động" theo kiểu thầy cô ghi chú kiến thức, trình bày slide, tôi phải chủ động hơn rất nhiều. Ở trường tôi học, đa phần thầy cô gửi sách, báo, tài liệu và yêu cầu sinh viên đọc, ghi chú kỹ trước khi đến lớp. Giờ học không phải nơi thầy cô giảng dạy kiến thức, mà là nơi để sinh viên trao đổi và thảo luận dưới sự giám sát và hỗ trợ của giáo viên.

Việc thay đổi đột ngột này khiến cho lịch trình vài tuần đầu của tôi bị đảo lộn. Tôi đã phải sắp xếp rất nhiều thời gian trong ngày để có thể tự "khám phá" hết lượng kiến thức khổng lồ mà thầy cô yêu cầu. Một số môn nặng lý thuyết như Chính sách Quản lý rừng trong chương trình, bên cạnh đọc sách tham khảo, có những buổi phải đọc tới 17 bài báo về nghiên cứu và phân tích chính sách tại các nước. Trong khi tôi chỉ có 2-3 ngày làm việc đó. Vì vậy, nếu không quen với việc tự đọc, tự học, bạn rất dễ bị sốc, chán nản.

3. Chi tiêu "đắt đỏ"

"50 nghìn một mớ rau muống, ai mà dám ăn". Nghe tới đây, chắc nhiều du học sinh thấy quen. Đó chính xác là suy nghĩ trong chi tiêu của những bạn mới sang nước ngoài. Không hiểu vì lý do gì, chúng ta luôn sử dụng "hệ số quy đổi" để chuyển giá trị các sản phẩm về tiền Việt, nào là que kem 120.000 đồng hay bát phở hơn 300.000 để rồi xem giá xong chỉ dám đứng từ xa, lắc đầu ngao ngán và nghĩ chẳng thể mua nổi bất cứ thứ gì.

Tôi cũng mất gần một tháng mới bỏ được thói quen kỳ cục, quy đổi giá trị ra tiền Việt. Trên thực tế, chuyển sang một môi trường mới, mức sống và chi trả chắc chắn khác so với ở Việt Nam và bạn cũng cần học cách chi tiêu phù hợp. Ví dụ học bổng bạn được 500-1.000 euro mỗi tháng thì việc bỏ ra 2 euro mua mớ rau cũng không phải quá đáng.

4. Cảm giác bơ vơ

Những ngày đầu chân ướt chân ráo tới một thành phố mới, tôi thực sự lạc lõng. Xa nhà, xa gia đình, bạn bè, thật khó để thích nghi ngay với cuộc sống mới.

Một cách hữu hiệu nhất trong giai đoạn này mà tôi từng áp dụng là thường xuyên duy trì liên lạc với gia đình và bạn bè ở Việt Nam. Dù múi giờ có chênh lệch, những tin nhắn qua lại, chia sẻ về cuộc sống và những chuyện vui buồn sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ lòng hơn. Bên cạnh đó, tìm kiếm những hội nhóm người Việt và cộng đồng du học sinh tại nơi bạn du học cũng là cách kết nối nhanh để giúp bạn sớm vượt qua cảm giác bơ vơ trong cuộc sống mới.

5. Phân biệt chủng tộc

Có khả năng nhiều bạn sẽ như tôi, bị phân biệt chủng tộc. Đây là vấn đề đã tồn tại lâu nay. Tôi trước khi đi du học, từng được khuyên nhuộm tóc, để tránh bị nhận ra là người châu Á. Tôi thực sự không hiểu cho tới khi trải qua những khoảnh khắc kinh hoàng.

Rất nhiều lần tôi bị người đối diện cố tình nói tiếng Trung Quốc trêu chọc vì nghĩ tôi là người Trung Quốc. Những chuyện như thế xảy ra như cơm bữa. Tôi thậm chí từng bị một nhóm thanh niên bản xứ đập chai bia vào đầu, trong lúc di chuyển trên đường. Họ say xỉn, cười đùa với nhau và quây tôi lại giữa một con phố đông người, xì xào đùa cợt nhau bằng tiếng bản địa với nội dung miệt thị người châu Á nhỏ bé.

Dù chỉ là tình huống thoáng chốc, tâm lý tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Tôi có kể chuyện này với bạn bè trong lớp và các anh chị em du học sinh. Nhiều người chia sẻ từng gặp những trường hợp tương tự và rất khó tìm ra cách giải quyết.

Theo vnexpress